- Posted by: Tommy Tran
- Tue, 28/03/2023, 15:34 (GMT+7)
- Tài chính, tiền tệ, forex, Xe oto
- 1 Bình luận
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cảnh báo về rủi ro tài chính toàn cầu
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva kêu gọi các nước tiếp tục cảnh giác khi rủi ro đối với sự ổn định tài chính toàn cầu đã tăng lên.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva vừa có những đánh giá về tình hình tài chính toàn cầu. Trong phát biểu hôm nay, bà cho rằng rủi ro đối với sự ổn định tài chính đã tăng lên và kêu gọi các quốc gia tiếp tục cảnh giác mặc dù hành động của các nền kinh tế lớn đã làm dịu bớt phần nào căng thẳng.
Nhắc lại quan điểm trước đó, Giám đốc IMF cho rằng năm 2023 sẽ là một năm đầy thách thức, với tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại dưới 3% do hậu quả của đại dịch, căng thẳng tại Ukraine và chính sách thắt chặt tiền tệ.
>> CEO SVB đã bán 3,6 triệu USD cổ phiếu trước khi doanh nghiệp phá sản
>> Người dân đọc thông báo trước trụ sở của SVB ở Santa Clara, California
>> Cuộc khủng hoảng chấm dứt 167 năm tồn tại của Credit Suisse
>> Một dự án chưa hoàn thiện của Evergrande tại Vũ Hán (Trung Quốc)
Ngay cả khi có triển vọng tốt hơn cho năm sau, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ ở dưới mức trung bình lịch sử là 3,8% và triển vọng chung vẫn yếu. IMF đã dự đoán mức tăng trưởng toàn cầu năm nay là 2,9%.
Georgieva cho biết các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế phát triển đã phản ứng dứt khoát với rủi ro ổn định tài chính sau sự sụp đổ của một loạt ngân hàng, nhưng ngay cả như vậy, các nước cũng cần cảnh giác.
"Chúng tôi tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến và đang đánh giá những tác động tiềm ẩn đối với triển vọng kinh tế toàn cầu và sự ổn định tài chính toàn cầu", Giám đốc IMF nói và cho biết cơ quan này đang rất chú ý đến các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là các nước có thu nhập thấp với mức nợ cao.
Người đứng đầu IMF cũng cảnh báo sự phân mảnh kinh tế theo khu vực có thể chia thế giới thành các khối cạnh tranh nhau, "dẫn đến sự chia rẽ nguy hiểm khiến mọi người trở nên nghèo hơn và kém an toàn hơn".
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva.
Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc, với mức tăng trưởng GDP dự kiến là 5,2% năm nay, mang lại một số hy vọng cho nền kinh tế thế giới. IMF ước tính rằng cứ mỗi 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ dẫn đến tăng trưởng 0,3 điểm phần trăm ở các nền kinh tế châu Á khác.
Bà kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc làm việc để nâng cao năng suất và tái cân bằng nền kinh tế khỏi đầu tư và hướng tới tăng trưởng dựa trên tiêu dùng bền vững hơn, bao gồm cải cách theo định hướng thị trường để tạo sân chơi bình đẳng giữa khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
Những cải cách này, theo Giám đốc IMF có thể giúp tăng trưởng GDP của Trung Quốc tăng thêm 2,5% năm 2027 và khoảng 18% năm 2037.
Việc tái cân bằng nền kinh tế cũng sẽ giúp Bắc Kinh đạt được các mục tiêu về khí hậu, vì chuyển sang tăng trưởng dựa trên tiêu dùng sẽ làm giảm nhu cầu năng lượng, giảm khí thải và giảm bớt áp lực an ninh năng lượng.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu cuối tháng 1, IMF dự báo GDP thế giới tăng 2,9% năm 2023. Tốc độ này cao hơn 0,2% so với báo cáo hồi tháng 10.
Triển vọng toàn cầu tích cực hơn, nhờ sự cải thiện nội bộ của một số nền kinh tế, như Mỹ. "Tăng trưởng kinh tế lạc quan hơn một cách đáng ngạc nhiên trong quý III năm ngoái, với thị trường lao động mạnh, tiêu dùng hộ gia đình và môi trường kinh doanh tốt. Thế giới cũng thích nghi tốt hơn dự báo với cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu", Pierre-Olivier Gourinchas – Giám đốc Nghiên cứu tại IMF cho biết.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau vài năm áp dụng chính sách chống dịch ngặt nghèo. Việc này được kỳ vọng kéo tăng trưởng toàn cầu lên cao.
Dù vậy, tốc độ 2,9% vẫn thấp hơn so với 3,4% năm ngoái. IMF cũng điều chỉnh giảm dự báo cho năm 2024 về 3,1%.
Ngân hàng Thế giới cảnh báo 'thập kỷ mất mát' với kinh tế toàn cầu
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ xuống thấp nhất 3 thập kỷ, với trung bình 2,2% một năm cho đến năm 2030.
Trong báo cáo công bố hôm 27/3, WB nhận định các cuộc khủng hoảng liên tiếp trong vài năm qua như Covid-19 và chiến sự tại Ukraine, đã chấm dứt thời kỳ tăng trưởng bền vững của kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng GDP trung bình sẽ chỉ còn 2,2% mỗi năm giai đoạn 2022-2030. Con số này thấp hơn so với 2,6% giai đoạn 2011-2021 và 3,5% trong 2000-2010.
"Thập kỷ mất mát đang hình thành", Indermit Gill - kinh tế trưởng WB nói.
WB cũng đang theo dõi các diễn biến trong lĩnh vực ngân hàng. Quá trình tăng lãi suất và thắt chặt điều kiện tài chính khiến chi phí đi vay của các nước đang phát triển tăng theo. Ayhan Kose – Giám đốc Bộ phận dự báo của WB - cho biết: "Sự giảm tốc mà chúng tôi đề cập có thể trầm trọng hơn nếu khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra. Đặc biệt nếu cuộc khủng hoảng đó dẫn tới suy thoái toàn cầu".
Theo WB, tăng trưởng đầu tư giai đoạn 2022 – 2024 chỉ bằng nửa so với 20 năm trước. Thương mại quốc tế cũng chậm lại. Mức độ đầu tư thấp sẽ làm chậm lại tăng trưởng tại các nước đang phát triển. GDP trung bình của nhóm này chỉ tăng 4% giai đoạn 2022 – 2030. Thập kỷ trước đó, tốc độ này là 5%.
Năng suất lao động có thể đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2000. WB lo ngại năng suất chậm lại sẽ kéo tụt tăng trưởng thu nhập.
Cơ quan này cảnh báo nếu không thể đảo ngược xu hướng giảm tốc tăng trưởng toàn cầu, khả năng giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu và giảm nghèo sẽ bị hạn chế.
Để thay đổi điều này, các nhà hoạch định chính sách cần ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định tài chính, giảm nợ và khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực thân thiện với môi trường. Như vậy, tăng trưởng có thể lên thêm 0,3%.
Giảm chi phí vận chuyển, logistics và đơn giản hóa quy định cũng có thể thúc đẩy thương mại. Bên cạnh đó, WB kêu gọi tăng xuất khẩu các dịch vụ kỹ thuật số, tăng tỷ lệ tham gia của phụ nữ và nhiều nhóm khác vào lực lượng lao động.
Bình luận (1)
Căng thẳng tài chính, lạm phát đe dọa phục hồi kinh tế thế giới
Lĩnh vực dịch vụ đang hỗ trợ hồi phục kinh tế toàn cầu nhưng sức mạnh đó đang chịu áp lực bởi lạm phát, bất ổn từ ngành tài chính.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi. Khảo sát kinh doanh công bố hôm 24/3 của đơn vị dữ liệu S&P Global cho biết hoạt động tháng 3 của các công ty Mỹ đã tăng nhanh nhất trong gần một năm. Tăng trưởng cũng diễn ra tại châu Âu. Nơi đây vẫn tránh được suy thoái dù trước đó, nhiều người từng lo ngại khi khủng hoảng Ukraine nổ ra, giá năng lượng tại đây sẽ tăng vọt.
Ngoài ra, Trung Quốc mở cửa cũng mang đến triển vọng tốt hơn cho kinh tế toàn cầu năm nay. Các dữ liệu cũng chỉ ra sự gia tăng hoạt động tại đây và một số nền kinh tế châu Á khác. Đơn cử, lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 10/2013 khi khách Trung Quốc quay lại.
Nhìn chung, đầu năm đến nay, giới chức Mỹ và châu Âu đã cố gắng điều hành nền kinh tế tránh các xu hướng nguy hiểm. Cùng với đó, các ngân hàng trung ương đã liên tục tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát. Nhưng lãi suất cao đang tạo nhiều thách thức cho ngành tài chính. Nếu các ngân hàng thắt chặt tín dụng để đối phó với căng thẳng thì có thể làm cho nền kinh tế chậm lại và làm tăng nguy cơ suy thoái.
Theo Bloomberg Intelligence, chỉ riêng ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm trị giá 2.000 tỷ USD, sự sụp đổ của Silicon Valley Bank gần đây đã khiến các quỹ quyết định cắt giảm rót vốn từ 25% đến 30%, tương đương khoảng 500 tỷ USD.
Nhân viên làm việc tại dây chuyền lắp ráp xe điện của Rivian Automotive ở Illinois, Mỹ ngày 11/4/2022.
Thực tế, chỉ báo niềm tin tháng 3 của các doanh nghiệp Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng, theo S&P Global. Nguyên nhân là lo ngại về lạm phát, sự bất ổn của thị trường tài chính và chi phí vay cao hơn.
Gần đây, lãi suất tăng nhanh ở Mỹ và châu Âu đang khiến một số ngân hàng trở thành nạn nhân. Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank đã làm dấy lên lo ngại khủng hoảng lan rộng. Điều này buộc các cơ quan quản lý giải cứu những người gửi tiền không được bảo hiểm để ngăn chặn sự hoảng loạn.
Ở châu Âu, các cơ quan quản lý đã vận động UBS mua lại đối thủ lâu năm Credit Suisse, vốn đã suy yếu sau nhiều năm bê bối và thua lỗ. Cuối tuần này, lo lắng chuyển sang Deutsche Bank.
Phiên giao dịch hôm 24/3, cổ phiếu ngân hàng này niêm yết tại Mỹ lao dốc sau khi phí hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) của ngân hàng này tăng mạnh. Các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo do lo ngại bất ổn của ngành ngân hàng châu Âu.
Ngay lập tức, tại hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo châu Âu tại Brussels, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định Deutsche Bank là doanh nghiệp có lãi và không có lý do gì phải lo lắng. Trong khi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trấn an là hệ thống ngân hàng rất vững chắc.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde nói eurozone có khả năng phục hồi vì có vốn mạnh và thanh khoản vững chắc. "Ngành ngân hàng khu vực đồng euro rất mạnh vì chúng tôi đã áp dụng các cải cách quy định đã được quốc tế thống nhất sau Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu", bà nói.
Nhìn chung, các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý ở Mỹ, châu Âu cho biết những căng thẳng đã được ngăn chặn, nhưng có thể mất vài tháng trước khi niềm tin vào hệ thống ngân hàng khôi phục hoàn toàn.
Jens Magnusson, Kinh tế trưởng tại SEB (Thụy Điển) cho rằng có nhiều cơ hội để ngăn chặn rủi ro. "Chúng ta có trước nhiều tuần và thậm chí nhiều tháng để nhận ra bất kỳ dấu hiệu căng thẳng nào", ông nói.
Một vấn đề khác là tăng trưởng mạnh hơn ở các nền kinh tế lớn cũng đi kèm với mặt trái. Khảo sát của S&P Global chỉ ra tốc độ tăng chi phí của các doanh nghiệp đã chậm lại nhưng vẫn rất cao so với bình thường.
"Áp lực lạm phát dai dẳng, được thúc đẩy chủ yếu bởi lĩnh vực dịch vụ và chi phí tiền lương tăng cao, sẽ là mối lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách. Điều này cho thấy có thể cần nhiều nỗ lực hơn để đưa lạm phát xuống mức mục tiêu", Chris Williamson, Linh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, cho biết.
Khi những căng thẳng trong hệ thống ngân hàng trở nên rõ ràng, các nhà đầu tư đã kỳ vọng những ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới dừng tăng lãi suất. Nhưng cả Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gần đây vẫn tiếp tục siết chặt tiền tệ. Điều này cho thấy khi lạm phát còn kéo dài thì thái độ "diều hâu" vẫn tiếp tục.
Các nhà kinh tế cho rằng mức độ sâu rộng của cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ quyết định con đường của nền kinh tế toàn cầu. Jesse Rogers, nhà kinh tế tại Moody's Analytics, đánh giá nếu không có vấn đề gì nữa thì đó là chuyện đã qua và nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phát triển. "Nếu có khủng hoảng rộng hơn mà giờ chưa nhận ra thì chúng ta sẽ tiến tới suy thoái ở Mỹ cũng như hầu hết khu vực của nền kinh tế toàn cầu", ông nói.
Add Comment