First Republic thiên về phục vụ nhóm khách hàng giàu có khoảng 173 tỷ USD tiền cho vay

Ngân hàng thứ ba tại Mỹ sụp đổ trong hai tháng

First Republic Bank là ngân hàng thứ ba tại Mỹ sụp đổ từ tháng 3 và sẽ được JPMorgan mua lại để tái cấu trúc.

JPMorgan Chase đã giành quyền mua lại First Republic Bank trong một động thái can thiệp khẩn cấp do Chính phủ đứng đầu trong các nỗ lực giải cứu ngân hàng này. Các lỗ hổng trên bảng cân đối kế toán của nhà băng này không thể lấp đầy. Khách hàng cũng đang ồ ạt rút tiền khỏi First Republic Bank. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thứ ba tại Mỹ kể từ tháng 3, sau Silicon Valley Bank và Signature Bank.

>> CEO SVB đã bán 3,6 triệu USD cổ phiếu trước khi doanh nghiệp phá sản

>> Cuộc khủng hoảng chấm dứt 167 năm tồn tại của Credit Suisse

JPMorgan sẽ tiếp quản tài sản của First Republic Bank, gồm khoảng 173 tỷ USD tiền cho vay, 30 tỷ USD chứng khoán và 92 tỷ USD tiền gửi. Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) - đơn vị dàn xếp vụ mua bán đã đồng ý chia sẻ gánh nặng tổn thất, cũng như bất kỳ khoản thu hồi nào với các khoản vay thương mại và của hộ gia đình của First Republic Bank.

Cũng như nhiều ngân hàng địa phương tại Mỹ, First Republic có lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm, do vượt mức quy định 250.000 USD của FDIC. Theo S&P Global, First Republic có khoảng 68% tiền gửi không được bảo hiểm.

"Chính phủ đã mời chúng tôi và những ngân hàng khác đứng lên. Và chúng tôi đã gánh vác trách nhiệm", Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon nói. Theo ông, sức mạnh tài chính, khả năng và mô hình kinh doanh của JPMorgan cho phép tổ chức này tiến hành cuộc đấu giá để thực hiện giao dịch theo cách giảm thiểu chi phí cho FDIC.

JPMorgan là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Mỹ. Thương vụ này sẽ khiến quy mô JPMorgan còn lớn hơn nữa - điều mà Washington đã cố gắng tránh trong quá khứ. Do các hạn chế theo quy định của Mỹ, JPMorgan sẽ không thể mở rộng quy mô hơn nữa thông qua việc M&A trong các trường hợp bình thường.

Theo một tuyên bố, JPMorgan dự kiến ghi nhận khoản lãi một lần khoảng 2,6 tỷ USD gắn liền với giao dịch này. Nhà băng này ước tính sẽ phải tốn chi phí 2 tỷ USD tái cấu trúc First Republic Bank trong 18 tháng tới.

Hiện tại, 92 tỷ USD tiền gửi tại First Republic Bank gồm 30 tỷ USD mà JPMorgan và các ngân hàng lớn khác của Mỹ gửi để hỗ trợ thanh khoản cho họ tháng trước. JPMorgan nói rằng 30 tỷ USD này sẽ được hoàn trả.

Marianne Lake và Jennifer Piepszak, đồng CEO mảng ngân hàng tiêu dùng và cộng đồng của JPMorgan, sẽ chịu trách nhiệm quản lý First Republic.

First Republic thiên về phục vụ nhóm khách hàng giàu có hơn, giống Silicon Valley Bank - ngân hàng sụp đổ hồi tháng 3. Chủ tịch Jim Herbert gầy dựng nhà băng này từ năm 1985 với chỉ dưới 10 người. Tháng 7/2020, First Republic cho biết là ngân hàng lớn thứ 14 tại Mỹ với 80 cơ sở ở 7 bang. Cuối năm ngoái, First Republic có hơn 7.200 người.

Người gửi rút hơn 100 tỷ USD khỏi một ngân hàng Mỹ

Lượng tiền gửi tại First Republic Bank quý I giảm 102 tỷ USD, sau vụ sụp đổ của hai nhà băng Silicon Valley Bank và Signature Bank.

First Republic Bank hôm 24/4 công bố báo cáo tài chính cho thấy hết quý I, tiền gửi tại đây là 104,47 tỷ USD, giảm so với 176,4 tỷ USD cuối năm ngoái. Nếu tính cả 30 tỷ USD từ các ngân hàng lớn, lượng tiền gửi tại đây giảm 102 tỷ USD.

Dù vậy, First Republic cho biết hoạt động rút tiền đã ổn định lại từ tuần cuối tháng 3. Cổ phiếu First Republic đã mất hơn 20% trong phiên giao dịch ngoài giờ sau các thông tin trên.

Tháng trước, First Republic bị rút tiền ồ ạt sau vụ Silicon Valley Bank và Signature Bank bị đóng cửa. Tệp khách hàng của họ cũng tương tự Silicon Valley Bank.

Giữa tháng 3, có 11 ngân hàng lớn của Mỹ phải gửi tổng cộng 30 tỷ USD vào First Republic để hỗ trợ nhà băng này.

Bên cạnh đó, cũng như nhiều ngân hàng địa phương tại Mỹ, First Republic có lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm, do vượt mức quy định 250.000 USD của Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC). Theo S&P Global, First Republic có khoảng 68% tiền gửi không được bảo hiểm.

Hôm qua, First Republic cho biết họ có kế hoạch giảm quy mô bảng cân đối kế toán và tiết kiệm chi phí bằng cách hạ thu nhập của lãnh đạo, thu hẹp diện tích văn phòng và sa thải 20-25% nhân sự trong quý II. Họ cũng sẽ tăng lượng tiền gửi được bảo hiểm và giảm vay từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Ngân hàng này nói rằng đang "theo đuổi các lựa chọn chiến lược" để tăng tốc quá trình củng cố sức khỏe. Một nguồn tin thân cận cho biết trên Reuters rằng nhà băng này muốn chính phủ trợ giúp bằng cách tập hợp các tổ chức có thể vực dậy First Republic, như các công ty đầu tư cổ phần tư nhân và các ngân hàng lớn.

Trong quý I, ngân hàng này đạt lợi nhuận ròng 269 triệu USD. Doanh thu đạt 1,2 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giới chuyên gia cho rằng First Republic rất khó khôi phục lại khối tài sản. Nhiều năm qua, họ thu hút các khách hàng giàu có bằng mức lãi suất ưu đãi. Việc này khiến nhà băng kém hấp dẫn trong mắt người mua tiềm năng. "Danh mục cho vay thế chấp lớn, nhưng lại có lãi suất thấp, sẽ tạo ra doanh thu không đáng kể", Robert Conzo – CEO hãng tư vấn đầu tư The Wealth Alliance cho biết.

Họ cũng có ít lựa chọn khi bán tài sản. Bán mảng cho vay thế chấp sẽ gây thua lỗ. Trong khi đó, bán mảng quản lý tài sản sẽ khiến họ mất mảng kinh doanh lời lãi. Hôm qua, hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s đã hạ 3 bậc xếp hạng của First Republic Bank.

Điều tệ nhất với các ngân hàng Mỹ liệu đã qua?

Sau vụ Silicon Valley Bank, nhóm ngân hàng trung bình - lớn vẫn ổn định, còn quy mô nhỏ tổn thương hơn và có thể chưa lộ ra hết.

Thông thường, sau khi cơn bão đi qua, sẽ có khoảng thời gian yên tĩnh. Sự sống không còn bị đe dọa và khi các hoạt động cứu trợ đi qua thì đến lúc nghiêm túc đánh giá lại những thiệt hại. Sự hủy diệt nào đã diễn ra? Tương lai sẽ khó hồi phục ra sao?

Đối với ngành ngân hàng Mỹ, trình tự này cũng tương tự trong năm nay. Những ngày liền sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank - ngân hàng lớn thứ 16 của nước này, cùng hai nhà băng khác, hoảng loạn và sợ hãi đã bao trùm hệ thống tài chính. Tuy nhiên, "cơn bão" giờ dường như đã qua. Thị trường an tâm hơn vì chắc chắn không có người gửi tiền nào gặp nguy hiểm nữa.

Thế còn đống đổ nát, tức hậu quả từ đợt khủng hoảng đó ra sao? Không dễ để đánh giá chúng. Tuy nhiên, có thể tìm thấy thông tin từ các ngân hàng đã niêm yết ở Mỹ. Mỗi quý một lần, họ phải công khai bảng cân đối kế toán và thu nhập, cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về tình trạng lộn xộn trong hệ thống.

Mùa công bố báo cáo tài chính bắt đầu ngày 14/4, khi Citigroup, JPMorgan Chase, PNC Bank và Wells Fargo cập nhật kết quả quý I. Thị trường tiếp tục dõi theo đến 24/4, khi First Republic - một ngân hàng ở San Francisco suýt nữa sụp đổ vào tháng 3 - sẽ công bố kết quả kinh doanh.

Bức tranh toàn cảnh có thể nhìn thấy cho đến nay từ các báo cáo tài chính đang phản ánh thiệt hại không đồng đều lên từng bộ phận của ngành ngân hàng. Economist đánh giá thông qua việc tìm hiểu 3 thước đo, gồm: cơ sở tiền gửi, thu nhập lãi ròng (phần chênh lệch giữa khoản thu của ngân hàng từ cho vay và tiền trả lãi cho người gửi) và lợi nhuận - tại ba ngân hàng có quy mô khác nhau.

Lớn nhất, với tài sản 3.700 tỷ USD là JPMorgan Chase; tiếp theo là PNC với tài sản trị giá 560 tỷ USD. Trong khi đó, đại diện nhà băng quy mô nhỏ là Western Alliance Bancorp trụ sở tại Arizona với tài sản chỉ 70 tỷ USD.

Trên mỗi thước đo, JPMorgan đều hoạt động tốt. Do các tổ chức, cá nhân gần đây có xu hướng chuyển tiền của họ đến các ngân hàng lớn hơn để cảm thấy an toàn. nên tiền gửi của ngân hàng đã tăng trong quý đầu năm so với cuối 2022.

Cuối năm ngoái, JPMorgan dự kiến kiếm được 74 tỷ USD thu nhập lãi ròng năm nay. Nhưng hiện họ cho rằng sẽ đạt đến 81 tỷ USD, vì ít tốn chi phí hơn để giữ và thu hút tiền gửi. Tất cả điều này giúp tăng lợi nhuận lên 12,6 tỷ USD, tăng 15% so với quý IV/2022 và 50% so với năm trước. JPMorgan vì thế trông vẫn ổn định về mặt cấu trúc, và có lẽ còn hơn so với trước cuộc khủng hoảng vừa qua.

Tại ngân hàng tầm trung như NPC, mọi thứ không hoàn toàn thoải mái. Tin tốt là cơ sở tiền gửi của họ được duy trì - trung bình là 435 tỷ USD trong quý IV/2022 và kết thúc quý I/2023 ở mức 437 tỷ USD. Tin xấu là họ đang tốn chi phí nhiều hơn đáng kể cho các khoản tiền gửi này. Cuối năm ngoái, khách hàng PNC giữ khoảng 31% tiền gửi của họ trong các tài khoản không sinh lãi và PNC trả khoảng 1,07% cho các khoản tiền gửi sinh lãi. Giờ đây, khách chỉ để 28% tiền gửi trong các tài khoản không sinh lãi và PNC trả trung bình 1,66% cho phần còn lại.

Mặc dù việc tăng lãi suất các khoản vay giúp PNC cải thiện nguồn thu phần nào, thu nhập lãi ròng của họ vẫn giảm từ 3,7 tỷ USD xuống còn 3,6 tỷ USD. Tổ chức này rõ ràng đang thận trọng bằng cách tăng dư nợ cho vay chỉ 1% trong quý I. Kết quả chung là lợi nhuận chỉ tăng nhẹ.

Tiếp theo, nhà băng quy mô nhỏ Western Alliance chịu thiệt hại rõ ràng nhất. Quy mô tiền gửi giảm 11% trong quý I, dù ban lãnh đạo cho biết nó đã chạm đáy vào 20/3 và dần hồi phục. Nhưng nhờ lãi suất cho vay tăng nên thu nhập lãi ròng của nhà băng này chỉ giảm 5% so với quý cuối 2022. Tuy nhiên, bằng chứng rõ ràng nhất là kết quả lợi nhuận. Western Alliance phải bán bớt tài sản với mức lỗ 110 triệu USD trong quý I. Do đó, lợi nhuận giảm xuống còn 142 triệu USD, giảm một nửa so với quý trước.

Dù vậy, các kết quả này không phản ánh rủi ro nào về khả năng sụp đổ. Nguy cơ rõ ràng nhất với một ngân hàng bên bờ vực phá sản là khi nó mất quá nhiều tiền gửi - tức khách ồ ạt rút tiền - đến mức phải bán gấp số lượng lớn tài sản bất chấp việc này dẫn đến những khoản lỗ khổng lồ. Hoặc một chỉ dấu khác là khi chi phí huy động vốn tăng cao đến mức thu nhập lãi ròng bị xóa sạch. Western Alliance không có điều nào trong hai chỉ báo này.

Hiện các nhà đầu tư phần nào an tâm bởi những số liệu mà Western Alliance công bố. Cổ phiếu nhà băng này đã tăng 24% ngày 19/4, dù vẫn còn thấp hơn một phần ba so với đầu năm. Thu nhập lãi ròng của họ giảm trong quý I những vẫn cao hơn nhiều so với thời lãi suất bằng 0 năm 2021.

Tuy nhiên, có khả năng các ngân hàng khác chưa báo cáo, bao gồm First Republic, đã bị tổn thương nặng nề hơn. Cũng có thể toàn bộ mức độ thiệt hại có thể chưa được tiết lộ trong các báo cáo quý đầu năm nay. Bởi lẽ, hầu hết ngân hàng chỉ báo cáo con số được ước tính theo trung bình quý cho biên lãi ròng, chứ không phải con số thực tế đạt được khi kết thúc quý. Do đó, những tổn thương có thể chưa hiện rõ.

Giới chức Mỹ lên kế hoạch tiếp quản một ngân hàng

Reuters cho biết Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) chuẩn bị tiếp quản First Republic Bank - ngân hàng rơi vào khủng hoảng hơn một tháng qua.

Nguồn tin của Reuters cho biết giới chức ngân hàng Mỹ xác định tình hình tại First Republic Bank đang ngày càng tồi tệ và không đủ thời gian chờ doanh nghiệp tư nhân khác giải cứu. Thông tin này khiến giá cổ phiếu First Republic giảm gần 50% trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm 28/4.

Tính từ đầu năm, mã này đã giảm 97%. Vốn hóa của First Republic Bank hiện còn gần 557 triệu USD, giảm mạnh so với hơn 40 tỷ USD tháng 11/2021.

Nếu First Republic Bank bị tiếp quản, đây sẽ là vụ sụp đổ ngân hàng thứ 3 tại Mỹ kể từ tháng 3. Trước đó, Silicon Valley Bank và Signature Bank đã bị giới chức đóng cửa.

Đầu tuần này, First Republic cho biết lượng tiền gửi tại nhà băng này giảm hơn 100 tỷ USD trong quý I. Hôm 28/4, Reuters đưa tin FDIC, Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã họp với các tổ chức tài chính để tìm cách cứu First Republic.

Tháng trước, ngân hàng này bị rút tiền ồ ạt sau vụ Silicon Valley Bank và Signature Bank bị đóng cửa. Tệp khách hàng của họ cũng tương tự Silicon Valley Bank.

Bên cạnh đó, cũng như nhiều ngân hàng địa phương tại Mỹ, First Republic có lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm, do vượt mức quy định 250.000 USD của Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC). Theo S&P Global, First Republic có khoảng 68% tiền gửi không được bảo hiểm.

Giữa tháng 3, có 11 ngân hàng lớn của Mỹ phải gửi tổng cộng 30 tỷ USD vào First Republic để hỗ trợ nhà băng này.

First Republic đầu tuần này cho biết có kế hoạch giảm quy mô bảng cân đối kế toán và tiết kiệm chi phí bằng cách hạ thu nhập của lãnh đạo, thu hẹp diện tích văn phòng và sa thải 20-25% nhân sự trong quý II. Họ cũng sẽ tăng lượng tiền gửi được bảo hiểm và giảm vay từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Bạn thấy bài viết này như thế nào?: 
Average: 10 (2 votes)