Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh

Bạc Hy Lai bắt đầu nhiệm kỳ của mình ở Trùng Khánh bằng việc trích dẫn một câu nói của chủ tịch Mao Trạch Đông và phát triển mạnh mẽ phong trào hát những ca khúc cách mạng nổi tiếng một thời.

Bạc Hy Lai đẩy mạnh phong trào hát các ca khúc nhạc đỏ từ thời Mao Trạch Đông trên toàn Trùng Khánh. Ảnh: AP

Một nhà văn nhớ lại tin nhắn mà ông nhận được từ điện thoại di động vào mùa xuân năm 2009, sau khi Bạc Hy Lai nhậm chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh.

Tin nhắn là của Bạc Hy Lai, nội dung rất đơn giản: "Thế giới là của chúng ta". Đây là câu mà chủ tịch Mao Trạch Đông từng nói thời trẻ.

"Vào thời điểm đó, lý trí mách bảo tôi rằng Bạc Hy Lai không phải là người đơn giản. Ông ấy muốn trở thành Mao Trạch Đông", nhà văn ngoài 60 tuổi nói.

Tin nhắn đó đánh dấu sự khởi đầu cho phong trào nổi tiếng của Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh: hát lại những ca khúc "nhạc đỏ", ca ngợi đảng và quân đội Trung Quốc. Những bài hát gợi nhớ về hình ảnh chủ tịch Mao và tin nhắn của Bạc bắt nguồn từ câu nói của ông Mao với những học sinh tiểu học khi ông còn trẻ.

Nhà văn nói trên quen biết nhiều vị lão thành trong đảng Trung Quốc, bao gồm cả Bạc Nhất Ba, cha của Bạc Hy Lai. Sau khi nhận được tin nhắn, nhà văn đã liên lạc với trợ lý của Bạc và người này nói rằng: "Chúng ta sẽ bắt đầu phong trào hát các ca khúc cách mạng".

Những ca khúc này có lịch sử lâu năm, có bài ra đời từ thời chống quân Nhật chiếm đóng. Đỉnh cao của thể loại nhạc này là thời Cách mạng Văn hóa (1966-1976).

Nhà văn này biết rằng Bạc đang cố gắng quay ngược lại thời gian, trở về thời điểm đảng còn nhiều chính sách bảo thủ. Bạc đã trượt chức vụ phó thủ tướng và bị điều từ Bắc Kinh về Trùng Khánh.

Băng rôn và biểu ngữ cổ động cho phong trào hát nhạc đỏ treo ở sân bay Trùng Khánh hồi đầu tháng 4. Sau khi ông Bạc bị cách chức, những tấm bảng này đã bị gỡ xuống. Ảnh: Asahi Shimbun

Khi phong trào này bắt đầu, nhiều chương trình biểu diễn các bài hát cách mạng được tổ chức ở các trường học, cơ quan. Nhiều người dân địa phương xuất hiện trên sân khấu trang hoàng đỏ rực, vừa hát vừa vẫy lá quốc kỳ trong tay.

Ban đầu, các lãnh đạo cấp cao rất ủng hộ phong trào và đã đến thăm Trùng Khánh. Ông Ngô Bang Quốc, ủy viên thường trực bộ chính trị, nhân vật số hai trong đảng, cũng ca ngợi phong trào đã thể hiện được "niềm tự hào của người dân Trung Quốc"

Nhiều người rất vui vẻ và sẵn lòng tham gia những buổi biểu diễn như thế này. Trong số đó có Zhen Bing, 45 tuổi, chủ của quán karaoke với kho bài hát cách mạng phong phú.

"Chúng tôi không bị ép buộc phải hát. Ông Bạc thay mặt người dân và người dân ủng hộ ông Bạc", Zhen nói.

Công cuộc cải cách và mở cửa mạnh mẽ khiến nền kinh tế phát triển nhanh chóng nhưng cũng tạo ra sự chênh lệch giàu nghèo đáng kể. Những người thuộc tầng lớp nghèo không được hưởng nhiều lợi ích từ việc phát triển kinh tế, nên vẫn còn nhiều vương vấn với thời kinh tế kế hoạch, thời tất cả mọi người cùng nghèo. Giai điệu của những bài hát thời xưa luôn ở trong tâm trí họ.

via vnexpress - Vũ Hà (theo Asahi Shimbun)

Bạn thấy bài viết này như thế nào?: 
No votes yet