- Posted by: Tommy Tran
- Sat, 4/01/2020, 19:37 (GMT+7)
- Tài chính, tiền tệ, forex, Xe oto
- 0 Bình luận
Chủ nghĩa phiêu lưu của Mỹ tại Iraq - Trung Đông
Iran 'trả đũa tàn khốc' thế nào sau vụ Mỹ ám sát tướng cấp cao?
Ám sát nhân vật quyền lực số 2 Iran được xem là hành động "dẫm lên mìn để chữa cơn đau đầu" của ông Trump. Iran chắc chắn sẽ trả đũa với mức độ nguy hiểm cao hơn trước đây.
Vụ không kích của Mỹ tại sân bay Baghdad hôm 3/1/2020 giết chết tướng Qassem Soleimani, nhân vật quyền lực số 2 Iran, là bước leo thang đầy kịch tính trong cuộc đối đầu dai dẳng giữa Washington và Tehran cũng như các đồng minh của họ tại Trung Đông.
Ông Soleimani là chỉ huy Lực lượng Quds, đội quân viễn chinh tinh nhuệ của Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC). Quyền lực của ông, với tư cách người phụ trách mọi cuộc chiến ủy nhiệm của Iran trên khắp Trung Đông trong một thập kỷ qua, từ Iraq, Syria, Yemen cho đến Lebanon, chỉ đứng sau Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei tại Iran.
Tướng Qassem Soleimani là nhân vật quyền lực số 2 Iran
"Trả đũa tàn khốc"
Vụ giết ông Soleimani được thực hiện theo chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo tuyên bố của Nhà Trắng. Câu hỏi lớn nhất giờ đây là Iran sẽ đáp trả thế nào.
Iran triệu tập cuộc họp an ninh khẩn và nhà lãnh đạo Khamenei đã cảnh báo "đòn trả đũa tàn khốc" chờ đợi Mỹ sau cuộc không kích, gọi tướng Soleimani là "gương mặt kháng chiến quốc tế". Ông cũng tuyên bố ba ngày quốc tang để tưởng niệm vị tướng.
Trên Twitter, Tổng thống Hassan Rouhani nói Iran "sẽ trả thù tội ác ghê tởm này". Trong khi đó, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif nói vụ ám sát ông Soleimani là "khủng bố quốc tế", là "sự leo thang cực kỳ nguy hiểm và dại dột", cảnh báo Mỹ sẽ phải "chịu trách nhiệm về mọi hậu quả xuất phát từ chủ nghĩa phiêu lưu tai hại của mình".
"Sẽ cực kỳ khó khăn để ngăn chặn làn sóng trả thù và phản công gần như chắc chắn sẽ xảy ra biến thành đối đầu trực tiếp - và cùng với đó là nguy cơ chiến tranh toàn diện", tác giả David Gardner bình luận trên Financial Times.
"Ngay cả khi ngăn chặn được, xung đột ngày càng leo thang này sẽ gây ra nhiều va chạm hơn tại khu vực vốn bị giằng xé dữ dội bởi chiến tranh và hỗn loạn, cũng như mang đến thêm rủi ro cho giá dầu quốc tế, với giá một thùng đã tăng 3% sau tin tức về vụ ám sát Soleimani".
Quan hệ Mỹ - Iran đã xấu đi nhanh chóng sau khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 mà Iran ký với nhóm P5+1 (bao gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức), vào tháng 5/2018. Song cho đến nay, phản ứng của Iran dù mạnh mẽ nhưng vẫn cho thấy sự tính toán thận trọng để không lâm vào xung đột nóng với Mỹ.
Liên tiếp căng thẳng gần đây
Vào tháng 6, Iran đã bắn hạ một máy bay do thám không người lái Global Hawk RQ-4 của Mỹ. Ban đầu, hành động quân sự dường như có thể xảy ra, nhưng ông Trump đã rút lại quyết định không kích vào các mục tiêu của Iran, nói rằng đó không phải là sự đáp trả "tương xứng" với chiếc máy bay không người lái bị bắn hạ.
Ba tháng sau, một loạt tên lửa và máy bay không người lái nhắm vào hai trong số các cơ sở dầu mỏ quan trọng nhất thế giới ở Saudi Arabia khiến vương quốc là đối thủ truyền kiếp của Iran tại khu vực tạm thời mất đi một nửa sản lượng dầu.
Tổng thống Trump khi đó nói rằng nước Mỹ "súng đã lên nòng, chỉ chờ xác minh" ai đứng sau vụ tấn công.
Tuy nhiên, khi chính quyền Mỹ cáo buộc Iran chủ mưu vụ việc, ông Trump lại không muốn bị lôi kéo vào cuộc chiến khác ở Trung Đông và không cho phép tiến hành hành động quân sự đáp trả.
Một loạt vụ tấn công nhằm vào các căn cứ của quân đội Mỹ tại Iraq trong những tháng qua dường như là để sách nhiễu hơn là để đe dọa, cho đến vụ tấn công hôm 29/12 khiến một nhà thầu người Mỹ thiệt mạng.
Ông Trump sau đó đã ra lệnh tiến hành 5 cuộc không kích vào các nhóm dân quân Shiite ở Iraq nhưng được Iran hậu thuẫn - một trong số lãnh đạo của các nhóm này đã thiệt mạng cùng ông Soleimani hôm 3/1. Đáp trả, lực lượng bán quân sự này đã bao vây trụ sở Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.
Tuy nhiên, hành động của Mỹ tại sân bay Baghdad - "thanh lý" một chỉ huy quân sự mà Iran đã xây dựng thành một huyền thoại và nắm giữ chức vụ cao - là điều mà Tehran gần như chắc chắn sẽ đáp trả với sự thịnh nộ.
Xe cháy sau vụ không khích của Mỹ tại sân bay quốc tế Baghdad hôm 3/1
Bờ vực chiến tranh
Tại Iran, truyền hình nhà nước đã dừng chương trình để thông báo về cái chết của tướng Soleimani. Người dẫn chương trình đọc lời cầu nguyện theo truyền thống Hồi giáo cho người chết - "Chúng tôi đã đến từ Thượng đế và chúng ta trở về với Thượng đế" - bên cạnh bức ảnh vị tướng.
Các chuyên gia về Iran với quan điểm cứng rắn cho biết cuộc tấn công là nỗi đau với lãnh đạo Iran. "Đây là tổn thất to lớn với Vệ binh Cách mạng Iran, chế độ cũng như những tham vọng của Khamenei", ông Mark Dubowitz, Giám đốc điều hành của Foundation for Defense of Democracies (Quỹ Bảo vệ Dân chủ), nói với New York Times.
"Trong 23 năm, ông ấy nắm giữ chức vụ tương đương tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt Liên quân Mỹ, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ và ngoại trưởng thực sự của Iran", ông Dubowitz cho biết. "Ông ấy là người không thể thay thế và không thể thiếu" đối với thiết chế quân sự Iran.
Vì những lý do tương tự, các nhà phân tích khu vực khác cảnh báo Iran có khả năng phản ứng với mức nguy hiểm cao hơn.
"Từ góc nhìn của Iran, thật khó để tưởng tượng một hành động khiêu khích có chủ ý hơn vậy", ông Robert Malley, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của International Crisis Group (Nhóm Khủng hoảng Quốc tế) cho biết. "Thật khó để tưởng tượng rằng Iran sẽ không trả đũa một cách cực kỳ dữ dội".
"Cho dù Tổng thống Trump có ý định hay không, với tất cả mục đích thực tế như vậy, đó là lời tuyên bố chiến tranh", ông Malley, người từng là điều phối viên của Nhà Trắng về các vấn đề Trung Đông, Bắc Phi và Vùng Vịnh trong chính quyền Obama, kết luận.
Người dân Iran đổ ra đường để tưởng nhớ tướng Soleimani và phản đối Mỹ hôm 3/1
Một số quan chức Mỹ và cố vấn chính quyền Trump đưa ra kịch bản ít thảm khốc hơn, cho rằng việc phô trương vũ lực có thể thuyết phục Iran rằng các hành động gây hấn của họ chống lại lợi ích và đồng minh của Mỹ đã trở nên quá nguy hiểm, và một tổng thống mà Iran có thể đã nhận định rằng không thích rủi ro, thực tế lại sẵn sàng leo thang.
Trong khi nhiều thành viên đảng Cộng hòa nói tổng thống có lý khi tiến hành vụ tấn công, động thái sử dụng lực lượng quân sự quan trọng nhất của ông Trump cho đến nay đã gặp phải nhiều chỉ trích. Những người này gọi đây là sự leo thang đơn phương có thể gây ra những hậu quả tàn khốc và không lường trước lan rộng khắp khu vực.
Cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, người có khả năng thách thức ông Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020, nói tổng thống đã "ném thuốc nổ vào hộp quẹt", và điều này có thể đưa Mỹ "đến bờ vực của cuộc xung đột lớn ở Trung Đông".
Đòn tên lửa Mỹ tiêu diệt tướng Iran
Hai máy bay không người lái MQ-9 Reaper phóng tên lửa Hellfire trúng đoàn xe khiến tướng Soleimani thiệt mạng ở sân bay Baghdad ngày 3/1.
So sánh việc Tổng thống Trump ra lệnh tiêu diệt Soleimani với sự kiện Napoleon hành hình Công tước Enghien năm 1804, tác giả Jacob Heilbrunn viết trên Spectator USA rằng đây đều là những sai lầm.
"Sẽ không ai nhớ một Soleimani phản diện, nhưng việc giết chết ông ta tương đương với việc dẫm lên một quả mìn để chữa cơn đau đầu", tác giả Heilbrunn viết.
"Ông Trump đã đưa nước Mỹ vào con đường chiến tranh với Iran, nơi họ có thể giành chiến thắng nhưng chắc chắn với cái giá không tương xứng với cái giá khủng khiếp mà họ sẽ phải trả".
7 ngày leo thang căng thẳng Mỹ - Iran Ngày 27/12/2019, nhân viên của nhà thầu Mỹ thiệt mạng trong vụ bắn hơn 30 rocket vào căn cứ Iraq gần thành phố Kirkuk. Ngày 29/12, Mỹ không kích nhóm thân Iran khiến 24 dân quân thiệt mạng ở Qaim, Iraq. Hai địa điểm khác ở Syria cũng bị tấn công. Ngày 31/12, đại sứ quán Mỹ ở Baghdad bị người biểu tình bao vây, phóng hỏa. Rạng sáng 3/1, Mỹ không kích sân bay Baghdad, giết chết Tư lệnh Qasem Soleimani, nhân vật quyền lực số 2 của Iran. Cùng ngày, Mỹ kêu gọi công dân ở Iraq “rời đi ngay lập tức” vì lo sợ hậu quả vụ tấn công.
Bình luận (0)
Add Comment