1. Lợi ích về sức khỏe:
Trong thế giới tương hỗ của các cộng đồng trực tuyến, thông tin về các nhóm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe được người sử dụng lưu lại trên máy tính giữ một vị trí nhỏ nhưng quan trọng. Hiện nay có những mạng lưới trực tuyến cho phép chúng ta chia sẻ thông tin, chỉ dẫn và thậm chí đăng tải những mẩu tin về những triệu chứng bệnh tật.
Trong số những trang web nổi bật có trang patientslikeme.com của Mỹ. Trang web này cung cấp nhiều ‘cộng đồng’ trực tuyến giúp bệnh nhân chia sẻ kinh nghiệm về những căn bệnh như đa xơ cứng tế bào thần kinh, HIV/AIDS và trầm cảm. Ở những trang khác, chúng ta có thể tìm thấy những diễn đàn thảo luận theo nhóm về các căn bệnh như tiểu đường, bệnh tim, eczema, hen suyễn và nhiều căn bệnh khác.
Một số cộng đồng chăm sóc sức khỏe trực tuyến có một blogger cụ thể hoặc một bác sỹ để hướng dẫn thảo luận. Đôi khi, những cộng đồng này được lập ra bởi một tổ chức thương mại hay một nhóm người vận động giúp đỡ bệnh nhân và có lúc chúng tự phát từ những trang mạng xã hội hiện có.
Một nghiên cứu của Mỹ đã phát hiện thấy với bệnh nhân bị bệnh vẩy nến, việc tham gia vào những trang hỗ trợ trực tuyến đã giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống rõ rệt, mặc dù mức độ bệnh tật không có cải thiện đáng kể. Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Sức khỏe Kết nối (Center for Connected Health) và bệnh viên đa khoa Massachusetts ở Boston cho biết những trang web hỗ trợ sức khỏe có thể cung cấp nguồn thông tin hữu ích cũng như hỗ trợ về mặt tâm lý và xã hội cho bệnh nhân. Họ cũng nhận định rằng rằng nếu có sự tham gia của các bác sĩ thì hiệu quả chăm sóc sức khỏe còn có thể được cải thiện hơn nữa.
Các bác sĩ đã tham gia vào mạng chăm sóc sức khỏe của Úc mang tên Livewire.org.au. Livewire được sáng lập bởi Quỹ Trẻ em Ánh Sao (Starlight Children's Foundation). Trang web đã tạo một môi trường trực tuyến an toàn cho giới trẻ (độ tuổi từ 12 đến 21) mắc phải những căn bệnh trầm trọng hoặc tàn phế.
Tamaryn Stevens, 17 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh thận khi lên 10 và được ghép thận bốn năm trước đây. Cô đăng nhập trang web Livewire mỗi ngày sau giờ học để chia sẻ suy nghĩ, giao tiếp với những người bạn trên mạng và đôi khi đăng tải những bài thơ do cô sáng tác.
“Trang web cực kỳ có ích… Đặc biệt vào những hôm bạn cảm thấy thất vọng vì một số tình huống ở trường hay tương tự. Bạn về nhà và đăng nhập trang web Livewire. Ở đó có những người bạn để nói chuyện và điều đó khiến cho cuộc sống của bạn tươi đẹp hơn.”
2. Lợi ích về thương mại:
Mạng xã hội giúp thiết lập mối quan hệ giữa cách doanh nghiệp với số đông khác hàng mục tiêu. Vì rằng, các mạng xã hội như MySpace hay Facebook đóng vai trò như người kết nối xã hội, có tầm ảnh hưởng lớn. Các doanh nghiệp sẽ đưa đến người tiêu dùng những thông tin cần thiết về cách sử dụng, hình ảnh về một sản phẩm mới, cùng với lời khuyên về việc mua cái gì và mua ở đâu. Nhờ có mạng, các tư vấn viên có thể trả lời câu hỏi trực tiếp được gửi từ phía người tiêu dùng. Không những tư vấn, họ còn đóng vai trò như những người thuyết phục qua mạng, giúp tiết kiệm thời gian và tài nguyên về phía cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tính lan truyền theo cấp số nhân của cộng đồng ảo cũng là cách thức quảng bá một nhãn hàng. Vì vậy, các bộ phận tiếp thị của doanh nghiệp có thể khai thác tối đa từ mạng xã hội để đạt được doanh thu hiệu quả. Quảng cáo trực tuyến ra đời.
Về tình hình mạng xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng hay Việt Nam nói chung, sự phát triển chỉ ở mức khá. Thực trạng cho thấy, chỉ cho đến hai năm gần đây, hoạt động mạng của người dân Việt Nam mới bắt đầu phát triển. Trước đó, kết quả theo nghiên cứu do FTA công bố đầu năm 2009, sự chia sẻ thị phần các mạng xã hội tại Việt Nam có nhiều đặc điểm đáng chú ý. Người dùng Việt Nam dường như “xa lạ” với các mạng xã hội như MySpace hay Facebook. Theo báo cáo của Facebook, chỉ có gần 40 000 người Việt Nam tham gia mạng máy tính cho đến hết năm 2008. Hệ thống được ưa chuộng nhất tại thị trường trong nước vẫn là Yahoo!360, “người tí hon” của thế giới nhưng lại là “gã khổng lồ” ở Việt Nam. Các chiến dịch tiếp thị trực tuyến tại Việt Nam gần đây thường gắn ít nhiều với các mạng xã hội ngoại như Youtube hay Yahoo!360. Tuy nhiên, kể từ năm 2009, khi Yahoo!360 bị “khai tử” thì mạng xã hội Việt Nam bắt đầu từng bước phát triển mạnh với sự “chuyển nhà” từ Yahoo!360 sang Facebook.
Các doanh nghiệp đã nắm lấy thời cơ này và tung ra nhiều chính sách chiến lược quảng cáo để tận dụng nguồn quảng cáo còn mới và không quá đắt đỏ này. Cụ thể, đối với các hãng thiết bị điện tử như điện thoại di động hoặc máy tính, các nhà doanh nghiệp đã tổ chức nhiều cuộc thi, trò chơi nhằm quảng bá sản phẩm thông qua mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, và thu hút lượng lớn người tiêu dùng, giúp doanh thu tăng rõ rệt.
Về phía người dùng, họ có một trải nghiệm tốt hơn và nắm nhiều thông tin hơn chỉ từ một cú nhấp chuột; từ đó, có thể đưa ra quyết định sang suốt hơn về việc mua sản phẩm. Sự ra đời của mạng xã hội còn giúp mọi thứ trở nên tiện lợi hơn khi các bà nội trợ có thể mua bất kì vật cụ nào mà không cần đi đâu xa cả.
3. Lợi ích về quan hệ - ngoại giao
Trước kia, quan hệ giữa giữa người và người thường bị thu hẹp lại trong phạm vi một nước. Không phủ nhận vấn đề trao đổi thư từ cũng giúp mở rông quan hệ nhưng điều đó lại mất quá nhiều thời gian và chi phí. Cụ thể, khi gửi một bức thư, ắt hẳn sẽ mất trên dưới một tuần để thư có thể đến được tay người nhận, và kèm theo đó là phí tem và phí gửi.
Nhưng, nhờ vào mạng xã hội, một mạng lưới người dùng được mở ra. Giờ đây, mọi người trên khắp nơi trên thế giới có thể kết nối với nhau và tìm hiểu, chia sẻ nhau về văn hóa. Quan hệ bạn bè giờ đây không chỉ còn là giữa nhưng người cùng nước, mà được mở rộng ra trên toàn thế giới. Điều đó đồng thời có nghĩa rằng thông tin sẽ được truyền đi nhanh gấp bội.
Hơn nữa, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, người dùng mạng xã hội giờ đây đã có thể tìm kiếm những người có cùng sở thích với mình thông qua các công cụ tự động tìm kiếm mạnh mẽ được tích hợp trong bản thân mỗi mạng xã hội, giúp mang những con người đến gần nhau hơn.
Mở rông quan hệ con người đi kèm với mở rộng nguồn giải trí thư giãn. Mọi người giờ đây có thể thoải mái tâm sự với nhau dù cách xa hàng trăm dặm. Mạng xã hội cũng ngày càng phát triển và tích hợp thêm nhiều tính năng về chia sẻ hình ảnh, đoạn phim ngắn, giúp việc tìm hiểu thông tin về một người nào đó trở nên không giới hạn.
4. Lợi ích về giáo dục
Các nhà sư phạm học đã tận dụng được sự mạnh mẽ của mạng xã hội để tạo nên những lớp học ảo trên mạng. Điều này hoàn toàn có lợi đối với những học sinh phải điều trị bệnh hoặc bị cách li, giúp họ hoàn toàn có thể tiếp tục lớp học mà không bị gián đoạn.
Một trong số các trang web điển hình như Edmodo. Mô hình học qua Edmodo đã được triển khai với khối Anh tại trường Phổ Thông Năng Khiếu – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Bài tập thường xuyên được đăng tải trên trang mạng xã hội này để học sinh có thể tải xuống và in ra, chuẩn bị cho buổi học. Hơn nữa, trang web còn khuyến khích học sinh đặt câu hỏi, thắc mắc. Điều này giúp mọi người có thể biết được thêm kiến thức và có thể giải đáp cho nhau, tạo nên môi trường học tập thoải mái và hiệu quả.