- Posted by: Tommy Tran
- Sat, 16/04/2022, 8:47 (GMT+7)
- Địa điểm ăn chơi, giải trí
- 1 Bình luận
Có rất nhiều người đã từng bước ngang qua đời ta
[ SÀI GÒN 14 . 04 . 2022 ]
Có rất nhiều người đã từng bước ngang qua đời ta.
Có người trở nên gắn bó hơn, có những người dần nhạt nhoà khỏi thế giới của mình. Có người trân trọng giữ bên mình, có người chôn sâu trong tim, thỉnh thoảng uống cốc trà chiều, nhớ lại chuyện đã qua, có thể mỉm cười, vậy là đủ !
Chúng ta gặp gỡ nhau, đi cùng một quãng đường, đã có biết bao kỉ niệm đẹp. Và dẫu cho hôm nay người có thể ở lại tiếp tục đồng hành hay phải rẽ sang một hướng khác, ta cũng vui vì đã cùng nhau trải qua một đoạn duyên lành.
Từng cùng nhau bước đi, vậy là đủ.
Những tháng năm sau này, dù còn đi cạnh nhau hay không, vẫn sẽ chúc nhau trọn đời bình an…
| Nhựt |
Photo: Danh Nguyễn
Bình luận (1)
Tình trường của Picasso
Danh họa Picasso có hai vợ, sáu tình nhân và nhiều mối quan hệ chóng vánh, trong đó một số "nàng thơ" sống đời bi kịch vì ông.
Tranh sơn dầu Người phụ nữ ngồi trên ghế của Picasso hiện gây chú ý khi được giới thiệu trong phiên 50th Anniversary Modern Evening Auction của Sotheby's Hong Kong ngày 5/4, với mức giá dự kiến là 100 triệu HKD. Tác phẩm ra đời năm 1948, khắc họa Françoise Gilot - tình nhân kém 40 tuổi của Picasso - ngồi trên ghế bành màu xanh. Khi đó, cô đang mang thai con của ông.
Bức Người phụ nữ ngồi trên ghế.
Theo Artdex, tác phẩm lần nữa gợi lại tình trường của danh họa. Françoise Gilot là hai trong sáu tình nhân công khai của Picasso. Ông còn có hai người vợ hợp pháp và nhiều mối quan hệ chớp nhoáng.
Sự quan tâm của Picasso đối với phụ nữ bắt đầu từ năm 13 tuổi, khi được cha đưa đến các nhà chứa ở miền nam Tây Ban Nha. Họa sĩ gặp tình yêu đầu tiên - Fernande Olivier - vào mùa thu năm 1904 tại Montmartre. Cô là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm thời kỳ hồng (dùng màu hồng làm nền tranh) của họa sĩ.
Theo Widewalls, bảy năm bên nhau, họ nhiều lần xảy ra tranh cãi. Cả hai đều ngoại tình nhưng họa sĩ thể hiện sự chiếm hữu bằng cách nhốt Olivier trong xưởng vẽ khi đi ra ngoài.
Mùa thu năm 1911, Picasso rơi vào lưới tình với Eva Gouel sau cuộc gặp tại quán cà phê ở Paris. Khi đó, ông đang chung sống với Olivier, còn Eva Gouel là bạn gái họa sĩ Louis Marcoussis - bạn thân của Picasso. Năm 1912, họa sĩ lấy lý do Olivier ngoại tình để chia tay và đến với Gouel. Cả hai rời Paris đến sống tại Céret để tránh điều tiếng. Họ dự định kết hôn năm 1913 nhưng không thành do cha Picasso qua đời, Gouel cũng phát hiện mắc ung thư phổi.
Sau khi Gouel mất năm 1915, Picasso có quan hệ với người mẫu Pâquerette, 20 tuổi, trong khoảng sáu tháng. Hồi ký của nhà văn Gertrude Stein - bạn thân Picasso - viết: "Picasso luôn đến nhà, mang theo Pâquerette - một cô gái rất dễ thương". Năm 1916, ông lao vào cuộc tình với họa sĩ Irène Lagut. Theo Christie's, họ thậm chí đã quyết định kết hôn. Tuy nhiên, khi chuẩn bị gặp gia đình họa sĩ ở Barcelona, Lagut từ chối ông để quay lại với tình cũ.
Tình nhân tiếp theo của Picasso là vũ công ballet người Nga Olga Khoklova. Họ gặp nhau khi Khoklova biểu diễn trong vở ballet mà họa sĩ thiết kế trang phục và bối cảnh. Vì yêu, cô nghỉ việc, chuyển đến Paris cùng ông. Cả hai kết hôn năm 1918, khi cô 26 tuổi, ông 36 tuổi. Tuy nhiên, khi vợ sinh con trai đầu lòng Paulo, Picasso ngoại tình Marie-Thérèse Walter - thiếu nữ 17 tuổi.
Tình cờ gặp nhau tại bách hóa vào tháng 1/1927, họa sĩ ấn tượng với nhan sắc của Walter và buông lời tán tỉnh. Họ giữ kín mối quan hệ vì Picasso đã có vợ con, còn Walter chưa đủ tuổi thành niên. Năm 1935, khi Walter mang thai, cuộc tình của cả hai bị phơi bày. Họa sĩ hứa ly hôn để cưới cô nhưng không thành, do Khoklova từ chối ký đơn vì không được chia tài sản, đưa con trai đến nơi khác sống. Họ vẫn là vợ chồng trên giấy tờ cho đến khi Khoklova qua đời vì bệnh ung thư năm 1955.
Bức Femme assise pres d’une fenetre (Người phụ nữ ngồi bên cửa sổ) vẽ Marie-Thérèse Walter bán giá 103,4 triệu USD trong phiên đấu của nhà Christies tại New York hồi tháng 5/2021.
Dù không kết hôn, Picasso và Walter vẫn ở bên nhau. Tuy nhiên, khi Walter sinh con gái được hai tháng, họa sĩ đã thay lòng, yêu nhiếp ảnh gia người Pháp Dora Maar. Theo Thoughtco, không giống việc giấu Walter trong bóng tối, họa sĩ công khai Maar trước công chúng, song ông khiến cô phải sống trong nước mắt vì sự độc đoán và lăng nhăng. Họa sĩ bắt Maar bỏ nhiếp ảnh, chuyển hướng sang vẽ tranh. Ông vẫn qua lại với tình cũ và có thêm tình mới.
Ở tuổi 62, họa sĩ gặp và yêu Françoise Gilot - sinh viên nghệ thuật 21 tuổi. Cả hai bên nhau bất chấp khoảng cách tuổi tác, thậm chí chuyển đến Vallauris để tránh bị chú ý. Họ bên nhau 10 năm và có hai con - một trai, một gái. Một năm trước khi chia tay Gilot, họa sĩ đã quen Jacqueline Roque - trợ lý tại Galerie Madoura. Ông ấn tượng với vẻ đẹp cổ điển pha nét phương Đông của cô gái kém mình 45 tuổi. Năm 1961, ở tuổi 80, ông kết hôn với Roque và chung sống đến cuối đời. Roque cũng là nàng thơ vĩ đại nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của ông, với khoảng 400 tác phẩm.
Theo trang Thoughtco, khó có thể tưởng tượng sự nghiệp của Picasso sẽ ra sao, nếu không có sự hiện diện của những nàng thơ, vợ và tình nhân. Loạt tác phẩm đắt giá nhất của ông đều vẽ phụ nữ. Bức Les Femmes d'Alger (179,4 triệu USD) vẽ Jacqueline Roque, Le Rêve (156,9 triệu USD) và Nude, Green Leaves and Bust (115,2 triệu USD) khắc họa hình ảnh Walter, Dora Maar with Cat (111,4 triệu USD) miêu tả người tình gắn bó 10 năm Maar.
Tuy vậy, họa sĩ bị chỉ trích coi thường phụ nữ. Irish Times nhận định phần lớn sáng tác của Picasso chứa đầy khoái cảm tình dục và sự lạm dụng thân thể nữ giới. Theo Paris Review, tại triển lãm cá nhân ở Paris năm 2017, Diana Widmaier - cháu gái danh họa - nói: "Không ai sử dụng và lạm dụng phụ nữ của mình giống như nghệ sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20".
Sinh viên trường nghệ thuật biểu tình bên trong bảo tàng Picasso ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 27/5/2021.
Ảnh hưởng từ phong trào Metoo, tháng 5/2021, nhóm sinh viên biểu tình im lặng tại bảo tàng Picasso ở Barcelona. Họ mặc áo phông đen trắng in dòng chữ "Picasso, kẻ lạm dụng phụ nữ" và "Picasso, cái bóng của Dora Maar".
Lối sống phóng túng của ông khiến gia đình và những người tình rơi vào bi kịch. Khi Picasso qua đời ngày 8/4/1973, Roque đã ngăn không cho các con của ông - Paloma và Claude - tham dự đám tang. Nguyên nhân là họa sĩ tước quyền thừa kế của các con sau khi mẹ chúng - Gilot - xuất bản cuốn sách Cuộc sống với Picasso. Paulo - con trai ông - chết vì chứng nghiện rượu nặng do trầm cảm. Pablito - cháu trai của Picasso - tự tử.
Bốn năm sau khi danh họa mất, Walter treo cổ tự tử trong nhà để xe. Sự ra đi của Walter được cho là có liên quan đến cái chết của Picasso. Năm 1986, Roque tự sát bằng súng trong lâu đài ở French Riviera - nơi hai vợ chồng sống. Maar bị suy nhược thần kinh và sống ẩn dật đến cuối đời. Vợ đầu - Khokhlova - từng trở nên điên loạn và thường xuyên tấn công các người tình của ông.
Add Comment