- Posted by: Khanh Hoang
- Thu, 11/07/2013, 8:39 (GMT+7)
- Hạnh phúc gia đình
- 0 Bình luận
Bậc thầy về ngôn ngữ cơ thể đến Việt Nam
Chuyên gia hàng đầu thế giới về ngôn ngữ cơ thể vừa đến Hà Nội, thích thú quan sát biểu hiện của mọi người quanh hồ Hoàn Kiếm, và thấy rằng 'phụ nữ luôn ngó nghiêng để đoán biết đàn ông nghĩ gì, còn đàn ông thì mặt tỉnh bơ rất khó đoán'.
VnExpress đã có buổi trò chuyện với Alan Pease về con đường dẫn ông đến nghề đọc hiểu ngôn ngữ cơ thể và những khó khăn mà ông trải qua trong nghề này.
- Ông đến với nghề đọc hiểu ngôn ngữ cơ thể như thế nào?
- Sự nghiệp của tôi bắt đầu năm 1956. Bố là người bán bảo hiểm nhân thọ, hàng đêm bố thường đến gõ cửa từng nhà và thu tiền mặt. Hồi nhỏ, bố hay đưa tôi đi cùng và gần như ngày nào tôi cũng nghe bố nói về bảo hiểm, khoảng 46 lần/tuần. Thời gian đó, tôi nhận ra, chúng ta có thể học được cách người ta phản ứng từ ngôn ngữ cơ thể của họ, nhất là trong đàm phán với khách hàng. Tôi vẫn nhớ bố từng dạy tôi rằng: "Nếu con muốn có tiền tiêu vặt thì bắt buộc phải bán cái gì đó".
Các năm tiếp theo, tôi làm các công việc như bán đồ gia dụng, và bán các sản phẩm tài chính như bảo hiểm nhân thọ và các gói đầu tư tài chính. Điều này giúp tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc đàm phán và phán đoán suy nghĩ đối tác qua thái độ của họ.
Năm 1969, tôi được mời đến chia sẻ cách bán các đồ gia dụng như nồi và chảo. Một trong kỹ năng tôi chia sẻ là cách để đọc suy nghĩ của người đối diện, hoặc đối tác. Năm 1971, lần đầu tiên tôi tổng hợp các hiểu biết của mình về cách đọc ngôn ngữ cơ thể vào băng DVD. Cũng thời điểm này, tôi viết hai cuốn sách về bán lẻ và về việc thấu hiểu đối tác thông qua ngôn ngữ cơ thể của họ. Thông tin về ngôn ngữ cơ thể về sau được chuyển tải thành chương trình TV show năm 1980 - chương trình chuyên đọc ngôn ngữ cơ thể mọi người từ chính trị gia, ngôi sao ca nhạc, thậm chí là tội phạm.
Trên thế giới có chương trình nổi tiếng là Lie to me (Hãy nói dối tôi mà xem). Trong chương trình đó, cảnh sát sẽ chiếu ngôn ngữ cơ thể của tội phạm lên, và tôi sẽ phân tích ngôn ngữ cơ thể của đối tượng đó để xem chỗ nào người đó nói dối, và chỗ nào nói thật.
- Trường hợp nào để lại ấn tượng mạnh cho trong ông?
- Tôi vẫn còn nhớ vụ án liên quan đến ngôn ngữ cơ thể mà tôi đã giúp một người không bị ở tù nhiều năm. Lần đó, ở Australia, một đứa bé bị linh cẩu ăn thịt, cảnh sát khẳng định người giết đứa bé chính là mẹ nó tên Lindy Shambeglayn. Người phụ nữ khẳng định, cô ấy không giết đứa bé mà đứa bé bị linh cẩu bắt và ăn thịt. Người phụ nữ đó là bạn của tôi, và cô ấy đã đến tìm tôi giúp cô ấy trong chuyện này.
Vào thời điểm đó, trên TV chiếu cảnh người mẹ nói rằng con linh cẩu bắt đứa bé, người xem thấy phản ứng của bà đeo kính đen để che khuôn mặt, và nhất là miệng hơi chếch lên một chút, khiến người xem có cảm giác như cô ấy đang cười và điều này khiến nhiều người mẹ khác ở Australia rất phẫn nộ. Bồi thẩm đoàn khi xét xử cũng dựa vào chi tiết này để bỏ tù cô ấy 15 năm dù họ không tìm thấy chứng cứ.
Thời gian trên, Lindy từng gọi điện cho tôi nhờ tư vấn để bà ấy thoát khỏi vụ án. Tôi nói với bà ấy rằng: "Bà đừng nói dối tôi, vì tôi có thể đọc được những gì bà nghĩ trong đầu đấy". Có thể không đúng 100% nhưng Lindy rất sợ điều tôi làm được, và cô ấy nói: "Không, tôi không phải hung thủ giết đứa bé". Trong suốt hai giờ phỏng vấn, tôi thấy có hai khả năng, đó là nói dối nhưng nghĩ mình đang nói thật (đây là bệnh tâm lý), thứ hai là cô ấy nói thật.
Tôi nhận thấy cô ấy đang nói thật. Vì thế, suốt ba năm khi cô ấy bị bỏ tù, tôi đã tìm ra bằng chứng chứng minh rằng biểu hiện khuôn mặt giống nụ cười đó thể hiện sự sợ hãi, và tôi đã giúp cô ấy thay đổi ngôn ngữ cơ thể cho phù hợp. Cuối cùng cô ấy được thả sau ba năm trong tù. Đồng thời tòa cũng bồi thường 500 ngàn đô vì phạt tù sai. Sau này, cảnh sát cũng tìm thấy xác đứa bé và những mẩu xương cho thấy đứa bé bị tấn công bởi linh cẩu.
- Dựa vào đâu ông mà ông đoán chắc người ấy vô tội?
Tôi nhận thấy con người có hai cách cười. Cách thứ nhất là khi cười, hàm dưới của con người hơi hạ xuống, hai khóe miệng hơi kéo về phía sau. Đây là kiểu cười của người đang vui. Kiểu cười này được dùng khi chứng minh là tôi không đe dọa anh, tôi vô hại. Kiểu thứ cười thứ hai là hai khóe miệng không kéo lên trên mà kéo ngang hoặc kéo phía dưới. Đa số mọi người thường không phân biệt được kiểu cười này - kiểu khi vui và kiểu khi đang sợ.
Mọi người nghĩ phụ nữ ấy cười khi nói về đứa bé bị bắt, nhưng thực tế, nếu để ý sẽ thấy đó là biểu hiện của bà mẹ rất sợ hãi và không làm chủ được bản thân. Tôi đã lên truyền hình giải thích như vậy.
Vụ án trên cho thấy vai trò của ngôn ngữ cơ thể quan trọng như thế nào. Người phụ nữ ấy vào tù chỉ vì vì bị hiểu sai ngôn ngữ cơ thể. Khoảng 60-80% những thông điệp chúng ta truyền tải đều qua ngôn ngữ cơ thể. Khi ngôn ngữ cơ thể bị hiểu sai, người ta có thể sinh ra những phản ứng sai tương ứng.
Về mặt khoa học, dựa vào thuyết Darwin, tôi chứng minh được rằng luôn luôn có sự thống nhất giữa những gì người ta biểu hiện ra và những gì người ta nghĩ trong đầu. Những người nào có khả năng nhận biết được điều đó thì họ có thể nhận ra người đối diện đang nói dối hay không. Chẳng hạn như miệng họ nói dối, nhưng thái độ, cử chỉ của họ lại nói lên điều khác hẳn. Và dựa vào đó, tôi đã phân biệt được người nào nói thật, người nào nói dối.
- Vợ ông cũng là chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể, vậy trong cuộc sống ông đối diện với bà ấy như thế nào khi bị bà ấy "bắt bài"?
- Vào ngày kỷ niệm sinh nhật 40 tuổi của vợ tôi, cô ấy nói: "Em chỉ muốn tổ chức buổi tiệc nhẹ , nhỏ thôi", nhưng tôi biết đó là lời nói dối. Vì thế, tôi quyết định tổ chức buổi sinh nhật bất ngờ, và lên kế hoạch lớn cho vợ. Tôi bí mật điện cho bạn bè, và trong bốn đêm tôi chuẩn bị xong.
Một buổi tối, tôi về nhà, vợ tôi hỏi: "Anh đang làm gì đấy, anh vừa đi đâu đấy". Khi đó, vài biểu hiện ngôn ngữ cơ thể của tôi khiến vợ đoán được, tôi nói là: "Chẳng gì cả" và tôi bị vợ "đọc vị" ra được, nhưng cô ấy giả vờ không biết gì. Cô ấy hỏi: "Anh muốn nói vấn đề đó không". Tôi trả lời: "Không, chẳng có chuyện gì để nói cả". Lúc đó tôi nhận ra tôi phản ứng hơi thái quá, vì đây chính là biểu hiện đầu tiên của việc nói dối. Vợ nói: "Khi nào anh định nói em sẵn sàng lắng nghe".
Chúng tôi đi ngủ và không ai nói gì trong đêm đó, còn tôi hy vọng vợ sẽ quên đi. Nhưng sáng hôm sau, cô ấy tiến lại gần và hỏi: "Anh có định giải thích cho em về những gì xảy ra không. Đừng giấu em nữa". Thật ra, vợ tôi khi đó nghĩ rằng tôi đang cặp bồ. Tôi đành thú thật rằng tôi sẽ làm bữa tiệc sinh nhật bất ngờ cho cô ấy.
Trên thực tế, vợ tôi đọc ngôn ngữ cơ thể của tôi tốt hơn tôi đọc vợ mình. Cô ấy còn có khả năng ứng dụng ngôn ngữ cơ thể rất tốt.
- Cụ thể vợ ông đã "nhìn thấu" như thế nào?
- Tuần trước tôi và vợ đến buổi tiệc của giới chính trị, mọi người ăn mặc lịch sự và trang trọng. Khi hai người ngồi ăn, vợ tôi gần như biết tình trạng hôn nhân của những cặp vợ chồng khác như thế nào, đó là ngôn ngữ cơ thể của tình yêu. Ta có thể quan sát và nhận ra rằng đôi này hạnh phúc, đôi kia đang có trục trặc.
Một trường hợp khác, khi hai vợ chồng tôi cùng đến buổi đàm phán, chúng tôi có phân công nhau như sau, tôi sẽ chú ý lắng nghe điều thương thảo trên bản hợp đồng, còn vợ tôi sẽ quan sát xem mọi người đang làm gì, tức là chồng nghe, còn vợ thì nhìn. Sau đó hai vợ chồng thảo luận về đối tác. Nhiều khi cảm thấy chúng tôi đang tham dự hai cuộc họp khác hẳn nhau, vì những gì đối tác nói và làm không tương đồng.
Ví dụ, tôi nói đó là cái giá tốt, còn vợ nói là chưa chắc và trong mọi buổi đàm phán, gần như mọi quyết định thiên về vợ tôi, vì tôi chỉ tập trung nghe.
- Ông muốn nói là phụ nữ có thể hiểu ngôn ngữ cơ thể tốt hơn nam giới?
- Phụ nữ có khả năng nhận ra người nói dối tốt hơn đàn ông rất nhiều. Ngay khi phụ nữ có con, họ đã phải học cách "đọc" ngôn ngữ không lời của con mình, chẳng hạn như đứa bé đói, hay nó muốn được người khác bế lên. Mặt khác, trong lịch sử tiến hóa, vì là phái yếu, phụ nữ luôn phải xem xét người tiến lại gần mình có nguy hiểm không hay người đó là bạn bè, nhờ đó khả năng đọc ngôn ngữ cơ thể của nữ giới phát triển hơn nam giới. Đa số phụ nữ chứng tỏ rằng họ có thể nói dối mà đàn ông không nhận ra.
- Ông thấy việc biểu hiện cảm xúc không dùng lời của nam và nữ ở nước tôi như thế nào?
- Ngôn ngữ cơ thể giữa nam và nữ luôn có sự khác biệt. Ở Việt Nam sự khác biệt đó còn lớn hơn rất nhiều. Nam giới ở đây khi vui buồn, tức giận đều biểu hiện khuôn mặt như nhau. Tôi thấy, hình như đàn ông Việt Nam có vẻ như đang kiềm chế việc thể hiện cảm xúc quá nhiều trước cộng đồng. Tôi cho là nếu muốn nổi tiếng hơn, các quý ông nên thể hiện thái độ nhiều hơn nữa.
Dường như phụ nữ Việt có các biểu hiện dễ nhận ra hơn. Khi tôi đến hồ Gươm, tôi thấy nhiều cặp đôi, người phụ nữ luôn ngó nghiêng để đoán biết đàn ông nghĩ gì, còn đàn ông thì mặt tỉnh bơ rất khó đoán cảm xúc.
- Làm thế nào để người bình thường có thể sở hữu khả năng "đặc biệt" như ông?
- Các bạn có thể mua sách của tôi, hoặc các bạn hãy mở tivi và tắt tiếng, sau đó tập trung nhìn vào màn hình và thử xem họ đang muốn nói điều gì. Hoặc các bạn có thể đến nhà hàng và quan sát khoảng 4-5 lần để đọc được tình trạng hôn nhân gia đình nào đó.
Thật ra vấn đề tìm hiểu ngôn ngữ cơ thể có từ rất lâu. Năm 1970, hiện tượng này bùng nổ, và tôi chỉ là người đưa nghiên cứu đó vào đời sống chứ không phải là tôi tự nghĩ ra hay tạo ra khái niệm mới. Hiện có sách thống kê tới hơn một triệu biểu hiện ngôn ngữ cơ thể khác nhau trên thế giới.
Nhiều nước trên thế giới sử dụng kiến thức về ngôn ngữ cơ thể rộng rãi, chẳng hạn có những phiên tòa mà trong đó một thư ký ghi chép những điều người ta nói, một thư ký tả lại những hành động hay biểu hiện mà người ta làm, sau đó so sánh hai bản ghi với nhau để tìm hiểu.
Thật ra, ai trong chúng ta khi ngồi đối diện, nói chuyện với nhau, trong vô thức chúng ta cũng đang đọc thái độ và suy nghĩ của nhau, có điều nó ở mức chuyên nghiệp hay không.
- Người đang nói dối thì thường có biểu hiện gì?
- Ở đây tôi xin nói tới lời nói dối có chủ đích để lợi dụng. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, không được phép nhìn một tín hiệu từ đối phương để nhận xét người đó, tối thiểu phải là ba tín hiệu để xác định người đó nói dối hay thật. Ví dụ, người đó vuốt mũi là tín hiệu đầu tiên, nhưng không dừng ở hành động này mà kết luận, vì có thể họ đang cảm cúm thì sao.
Nhưng vuốt mũi xong, người đó rụi mắt, ngoáy tai và khoanh tay lắc đầu dù nói có, thì rõ ràng là họ đang nói dối.
Bên cạnh đó, ngôn ngữ có thể còn thể hiện ở mũi khi áp suất máu cao. Khi nói dối, ở mũi, máu sẽ nhiều hơn, hoặc mũi nở to hơn bình thường. Hoặc người nói dối thường nhìn ra xa xăm.
Hương Thu - vnexpress.net