Phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề góp phần đổi mới nền giáo dục

Trong suốt quá trình phát triển giáo dục nói chung và dạy nghề nói riêng, người thầy luôn được khẳng định có vai trò then chốt đối với chất lượng đào tạo. Do vậy, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm và đưa ra nhiều chủ trương về phát triển đội ngũ nhà giáo trong đó có đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy nghề (GVDN). Chỉ thị 40-CT/TW ngày 15-6-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã nêu rõ: "Mục tiêu là xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hoá, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu... Khẩn trương đào tạo, bổ sung và nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các trường dạy nghề... Mở rộng hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo... ”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá X) của Đảng nhấn mạnh: “Chú trọng đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề.... Củng cố và mở rộng các trường đào tạo giáo viên dạy nghề theo khu vực trên phạm vi cả nước”. Năm 2011, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đặt vấn đề: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục”, theo tinh thần đó cần có những giải pháp đồng bộ với một tầm nhìn tổng thể. Góp phần triển khai chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, bài viết xin đề cập công tác phát triển đội ngũ GVDN, vấn đề lâu nay đã được quan tâm nhưng vẫn còn bất cập và nhiều thách thức trong bối cảnh mới.

Thực trạng phát triển đội ngũ GVDN

Trong những năm qua, cùng sự nghiệp phát triển dạy nghề, đội ngũ GVDN tăng nhanh về số lượng (năm 2010 có khoảng 33.000 GVDN, tăng gần 4 lần so với 2001), chất lượng từng bước được nâng lên về chuẩn trình độ đào tạo, kỹ năng nghề và năng lực sư phạm. Về cơ bản, giáo viên trong các cơ sở dạy nghề đã đạt chuẩn trình độ đào tạo; 85% giảng viên dạy trình độ cao đẳng nghề, 75% giáo viên dạy trình độ trung cấp nghề và 49% giáo viên dạy trong các trung tâm dạy nghề đạt chuẩn trình độ sư phạm. Hiện có khoảng 46,3% số giáo viên dạy tích hợp được cả lý thuyết và thực hành nghề.

Công tác đào tạo bồi dưỡng GVDN đã có nhiều đổi mới và mở rộng mạng lưới các cơ sở đào tạo bồi dưỡng GVDN. Đến nay, ngoài 4 trường đại học sư phạm kỹ thuật và một số khoa sư phạm kỹ thuật thuộc các trường đại học, đã thành lập gần 30 khoa sư phạm dạy nghề tại một số trường cao đẳng nghề uy tín để bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề; nâng cao kỹ năng nghề cho GVDN.

Chính sách đối với GVDN từng bước được quan tâm. Hiện nay, GVDN được hưởng các chính sách chung đối với nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Ngoài ra, còn có một số chế độ, chính sách riêng đối với GVDN như: chế độ làm việc, chế độ sử dụng, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; chính sách về phụ cấp cho giáo viên khi dạy thực hành các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và phụ cấp đặc thù cho GVDN cho người tàn tật, khuyết tật.

Bên cạnh những kết quả và tiến bộ đã đạt được, công tác phát triển và đổi mới cơ chế chính sách đối với đội ngũ GVDN còn nhiều bất cập kéo dài, rất chậm được khắc phục.

Mặc dù số lượng GVDN những năm qua tăng đáng kể nhưng so với yêu cầu đổi mới và phát triển dạy nghề, số lượng GVDN vẫn còn thiếu trầm trọng. Hiện nay, tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên mới đạt 26 học sinh, sinh viên/giáo viên, trong khi đó, mục tiêu đặt ra là 20 học sinh, sinh viên/giáo viên vào năm 2010. Với mục tiêu này, số GVDN cần đến năm 2015 có khoảng 51.000 người và năm 2020 là 77.000 người.

Cơ cấu ngành nghề đào tạo GVDN chưa hợp lý, một số nghề chưa có giáo viên được đào tạo cơ bản, kỹ năng nghề còn hạn chế, tỷ lệ giáo viên dạy tích hợp còn thấp so với yêu cầu của chương trình đào tạo. Trình độ ngoại ngữ, tin học của GVDN còn yếu, hạn chế khả năng cập nhật công nghệ mới, ứng dụng tin học và các phương pháp sư phạm hiện đại. Khả năng phát triển chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy nghề của GVDN còn hạn chế.

Các trường đại học sư phạm kỹ thuật mới chỉ đào tạo sư phạm kỹ thuật, bồi dưỡng kỹ năng nghề được khoảng 30 trong tổng số hơn 400 nghề, chiếm 7,5% tổng số danh mục nghề đào tạo, điều này tạo sự dư thừa nguồn GVDN đối với các nghề này trong khi các nghề khác còn thiếu hụt rất lớn.

Chính sách đối với GVDN vẫn còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích, thu hút những người có năng lực vào làm GVDN, chưa tạo ra sự gắn bó, tâm huyết với nghề nghiệp.

Về chế độ tiền lương, hoạt động của GVDN mang tính đặc thù, một mặt, họ phải là một nhà sư phạm, mặt khác là một “kỹ thuật viên”, chính sách tiền lương chưa thể hiện sự ưu đãi mang tính đặc thù đó. GVDN chưa có ngạch lương riêng, mà vẫn hưởng theo ngạch lương của giáo viên trung học (theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, ngày 14-12-2004). Giáo viên dạy trình độ cao đẳng nghề (CĐN) chưa được hưởng chế độ tiền lương như giảng viên của các trường cao đẳng khác. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được những người có trình độ, có tay nghề giỏi, có kinh nghiệm trong sản xuất chuyển về làm GVDN. Ngược lại, nhiều GVDN có trình độ tay nghề giỏi lại muốn chuyển ra sản xuất tại các doanh nghiệp để có thu nhập cao hơn. Ngoài ra, chưa có những chính sách khuyến khích động viên đối với giáo viên tự phấn đấu nâng cao trình độ; chưa có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề tạo điều kiện cho GVDN được đi thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hàng năm.

Tuy nhiên, trong phát triển GVDN, chúng ta cũng đang đối mặt với những thách thức.

Hội nhập quốc tế sâu, rộng tạo điều kiện thuận lợi cho dạy nghề tiếp cận với những kiến thức mới, công nghệ mới, mô hình dạy nghề hiện đại, mở rộng trao đổi kinh nghiệm, có cơ hội tiếp cận, thu hút các nguồn lực bên ngoài cho phát triển dạy nghề, song cũng đòi hỏi GVDN phải thích ứng được kịp thời. Xu hướng đa dạng hoá các loại hình và phương thức giáo dục - đào tạo, phát triển đào tạo từ xa, qua mạng; sự thay đổi chức năng và mô hình của các cơ sở dạy nghề cũng là thách thức đối với GVDN trong bối cảnh mới.

Một số giải pháp phát triển đội ngũ GVDN

Ai cũng biết GVDN có vai trò quyết định đối với chất lượng dạy nghề song với thực tế các chính sách thu hút, đãi ngộ như hiện nay thì khó có thể có được một đội ngũ GVDN đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng để tận dụng thời cơ và vượt qua những thách thức trong bối cảnh mới. Để phát triển đội ngũ GVDN đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, cần thực hiện tốt một số giải pháp cốt lõi trong nhiều giải pháp.

Một là, vấn đề bất cập nhất hiện nay là thu nhập của GVDN. Trong khi phải làm việc căng thẳng, vất vả (vừa là một giáo viên vừa là kỹ thuật viên) nhưng thu nhập từ lương và phụ cấp theo lương lại rất thấp, không đảm cho chính họ và gia đình một mức sống hợp ly,á do vậy khó có thể đòi hỏi GVDN toàn tâm, toàn ý với nghề. Thực tế này là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến khó giữ chân các GVDN có đủ năng lực ở lại công tác tại các cơ sở dạy nghề. Nguy hại hơn, nó cũng là nguyên nhân dẫn đến khó thu hút được người giỏi, người có tay nghề cao làm GVDN và thu hút sinh viên giỏi học các trường đào tạo GVDN để trở thành GVDN. Do vậy, trước tiên cần thay đổi chính sách đãi ngộ để nhà giáo sống được bằng lương và các khoản phụ cấp nghề nghiệp. Xây dựng khung chính sách và cơ chế nhằm khuyến khích tạo động lực và tôn vinh địa vị xã hội của giáo viên, các danh hiệu cho nhà giáo. Sử dụng có hiệu quả chất xám của đội ngũ giáo viên, đồng thời xác định các đòi hỏi về tinh thần trách nhiệm của họ. Xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn nghiệp vụ, các định mức lao động của GVDN.

Hai là, hiện nay, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng GVDN không thể hiện rõ tính chuyên nghiệp của một trường nghề. Tình trạng bất cập trong việc bồi dưỡng, phát triển năng lực hành nghề cho giáo sinh là do những hạn chế về thời lượng và chất lượng giảng dạy, đồng thời gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức kiến tập, thực tập. Bên cạnh đó, thực tế khả năng nghiên cứu khoa học của GVDN hiện nay chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến hoạt động nghiên cứu khoa học của các cơ sở dạy nghề nói chung và khả năng tham gia nghiên cứu khoa học của GVDN nói riêng còn rất hạn chế. Để giải quyết được bất cập này cần thiết sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề; đa dạng hoá hình thức đào tạo, bồi dưỡng GVDN; đổi mới hoạt động của các trường sư phạm kỹ thuật; các khoa sư phạm dạy nghề để đào tạo, bồi dưỡng sư phạm dạy nghề, nâng cao kỹ năng nghề cho GVDN; khuyến khích các tổ chức nghiên cứu khoa học tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng sư phạm nghề cho GVDN qua đó phát triển công tác nghiên cứu khoa học của các các cơ sở dạy nghề cũng như nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của GVDN.

Ba là, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo nguồn lực phát triển đội ngũ GVDN cho toàn hệ thống, huy động đóng góp của người học theo quy định của pháp luật, huy động các nguồn lực xã hội hoá, đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác. Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát triển đội ngũ GVDN.

GVDN giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng dạy nghề, là động lực, là một nhân tố quan trọng đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh của nhân lực nước ta. Đầu tư phát triển GVDN có thể coi là đầu tư “nguồn” để phát triển nguồn nhân lực. Do vậy, trong quá trình triển khai chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, phải đặt việc đổi mới cơ chế chính sách thu hút và đãi ngộ GVDN là một trọng tâm trong khâu đột phá về chất lượng dạy nghề./.

Ths. Phạm Xuân Thu

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề

Bạn thấy bài viết này như thế nào?: 
No votes yet