- Posted by: Tommy Tran
- Sat, 6/10/2012, 9:14 (GMT+7)
- Tài chính, tiền tệ, forex, Xe oto
- 0 Bình luận
Những ngoại lệ gần đây trong mối quan hệ nghịch đảo giữa vàng và đôla Mỹ | Đầu tư và kinh doanh vàng, bạc
Tuy mối quan hệ giữa hai loại tài sản này là vô cùng mật thiết, nhưng cũng có lúc vàng với đôla cũng tạm thời tách biệt ra. Vết nứt rõ nhất trong mối quan hệ này xuất hiện vào khoảng giữa tháng Tư và tháng Mười Hai năm 2005 khi cả vàng và đôla cùng tăng giá. Lời giải thích cho mối tương quan hiếm có này nằm trong sự phát triển gắn kết với nhau của vàng, đôla và đồng euro.
Vàng ở giữa thời kỳ thị trường tăng trưởng mạnh “ngàn năm có một”, giai đoạn này bắt đầu từ năm 2001, tích lũy sức mạnh và đạt đến đỉnh điểm vào năm 2002 và kéo theo đó là sự sụp đổ của đồng đôla. Đà tăng trưởng của vàng tiếp tục gia tăng sau khi Trung Quốc định giá lại đồng Nhân dân tệ vào năm 2005, điều này càng kích thích giới đầu tư tìm đến vàng và các hàng hóa khác.
Trung Quốc định giá lại đồng Nhân dân tệ
Việc đồng đôla tạm thời phá vỡ được mối quan hệ nghịch đảo truyền kiếp với vàng là kết quả của chiến dịch tăng lãi suất tại Mỹ kéo dài hai năm (từ tháng Sáu năm 2004 đến tháng Sáu năm 2006), cuối cùng, lần đầu tiên trong ba năm, lãi suất ngắn hạn của Mỹ ở mức cao hơn so với lãi suất tham chiếu quý IV năm 2004 của khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Khi Fed quyết định nâng mức lãi suất vào năm 2005, sự chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và khu vực sử dụng đồng euro càng được nới rộng hơn và kéo theo đó là sự lên giá của đồng đôla Mỹ so với đồng euro, nhất là khi NHTW châu Âu vẫn giữ mức lãi suất thấp kỉ lục 2%.
Mối quan hệ giữa vàng và đôla Mỹ đã trở thành cùng chiều vào năm 2005, nguyên nhân là do lãi suất Mỹ tăng cao, chính sách giảm thuế tạm thời, và tình hình bất ổn chính trị ở khu vực sử dụng đồng euro, trong khi vàng hồi phục nhờ vào nhu cầu tăng mạnh ở Trung Quốc.
Việc chính quyền của Tổng thống Bush tiến hành cải tổ chính sách thuế áp dụng với tất cả các công ty đa quốc gia của Mỹ, cho phép họ chuyển lợi nhuận từ các công ty con ở nước ngoài về cũng góp phần đáng kể vào sự hồi phục của đôla năm 2005. Luật Đầu tư Nội địa được thiết kế nhằm mục đích tạo điều kiện để có thêm nhiều cơ hội việc làm, giảm bớt thuế thu nhập đánh trên lợi nhuận thu được ở nước ngoài của các công ty đa quốc gia từ 35% xuống còn 5,25%. Các công ty đa quốc gia của Mỹ nhanh chóng nắm bắt lợi thế từ luật thuế mới và lợi nhuận được chuyển về nước đạt xấp xỉ 600 tỷ đôla, kéo theo đó là sự chuyển hướng của dòng tiền từ đồng euro sang đôla Mỹ, đặc biệt là vào 6 tháng cuối năm. Không có gì bất ngờ khi các dòng tiền tạm thời trong năm 2005 đã giúp đồng đôla có được vị thế khởi sắc nhất trước đồng euro kể từ năm 1999.
Do đồng euro chiếm 58% trong chỉ số USD, chúng ta cần phải đề cập đến một yếu tố liên quan đến khu vực sử dụng đồng euro đằng sau sự mất giá của đồng euro so với đôla và các tiền tệ chính khác trong năm 2005. Sự kiện Pháp từ chối thông qua Hiến pháp Chung châu Âu đã giáng một đòn mạnh vào niềm tin vào Liên minh châu Âu cũng như tương lai của đồng tiền chung, bởi vì Pháp chính là nền kinh tế lớn thứ hai của châu Âu.