- Posted by: Tommy Tran
- Mon, 24/01/2022, 20:55 (GMT+7)
- 0 Bình luận
Daewoo đã ngã ngựa trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997
Câu chuyện là lời cảnh tỉnh rõ ràng nhất, rằng những mô hình kinh doanh không bền vững dựa vào vay nợ quá nhiều không sớm thì muộn cũng sẽ thoái trào.
Nhắc tới kinh tế Hàn Quốc, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến khái niệm chaebol - tên gọi của các đại tập đoàn gia đình. Họ được coi là động lực chính giúp xứ sở kim chi không những thoát khỏi tình cảnh đói nghèo, mà thậm chí còn vươn tầm thế giới. Daewoo - tập đoàn được người dân Hàn Quốc gọi với cái tên mỹ miều “biểu tượng về phép màu kinh tế" cũng là một trong số đó.
>>Hitachi tái sinh sau cuộc đại phẫu đau đớn và vượt qua khó khăn
Thế nhưng, khái niệm này chỉ đúng với Daewoo vào những năm 1990. Tập đoàn này sau khi đạt được đỉnh cao đã một bước trở thành “con nợ" bị đóng băng toàn bộ các khoản vay và đối mặt với nguy cơ sụp đổ. Nguyên nhân chủ yếu được cho là đến từ máu liều mù quáng của nhà sáng lập Kim Woo Choong.
Biểu tượng về phép màu kinh tế
Daewoo được thành lập vào năm 1967 với tên gọi ban đầu là Daewoo Industries, một công ty dệt may với số vốn ban đầu khoảng 5.000 USD. Thời điểm đó, chính phủ Hàn Quốc quyết tâm đổi mới đất nước, giảm phụ thuộc vào nông nghiệp và tăng cường phát triển công nghiệp. Rất nhiều ưu ái đã được giới chức dành trọn cho các công ty gia đình để biến chúng trở thành các tập đoàn trụ cột của kinh tế Hàn Quốc. Tất nhiên, trong số đó có Daewoo.
Daewoo đã “ngã ngựa” trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của đế chế này bắt đầu từ năm 1970, khi Chủ tịch Kim thuyết phục các nhà bán lẻ lớn của Mỹ, bao gồm Sears, J.C. Penney và Montgomery Ward, mua hàng dệt may của Daewoo. Toàn bộ vận may lúc đó được đặt hết vào kế hoạch thiết lập hạn ngạch nhập khẩu hàng dệt may của chính phủ Mỹ.
Canh bạc này sau đó đã thành công mỹ mãn. Năm 1972, Daewoo được phân bổ tới 30% hạn ngạch Seoul xuất khẩu sang Mỹ. Điều này giúp Daewoo hút được nguồn tiền dồi dào và ổn định, sau đó trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Thời kỳ đỉnh cao nhất, Daewoo thậm chí đã trở thành khối tài sản kếch xù với hơn 300.000 nhân viên tại 110 quốc gia trên thế giới.
Đến năm 1980, Daewoo đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đưa Hàn Quốc trở thành “con hổ châu Á”. Tập đoàn lấn sân sang rất nhiều lĩnh vực, từ dệt may, điện tử, xe hơi đến đóng tàu, thậm chí cả hóa dầu.
Thành công của Daewoo đã truyền cảm hứng cho hàng triệu thanh niên. Một cuốn sách do chính ông Kim viết đã được xuất bản với tựa đề “Thế giới rộng lớn và còn rất nhiều điều phải làm” nhằm khơi dậy ước mơ cho rất nhiều người trẻ lúc bấy giờ. Ông Kim nhấn mạnh, sự thành công của Daewoo đến từ chính những nỗ lực không biết mệt mỏi.
Ngã ngựa trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997
Tuy nhiên, tập đoàn lớn thứ 2 Hàn Quốc chỉ sau hãng sản xuất ô tô Hyundai này đã “ngã ngựa” trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Câu nói “Ngay sau đỉnh cao là vực sâu” chưa bao giờ đúng đến thế.
Bất chấp khủng hoảng kinh tế, ông Kim tiếp tục “bành trướng" Daewoo. Ngay cả khi tập đoàn này thua lỗ tới 500 triệu USD, vị chủ tịch vẫn kiên quyết bổ sung thêm 14 công ty vào danh sách gần 300 công ty con hiện có và vay nợ thêm 40%.
Chính phủ Hàn Quốc sau đó đã buộc phải yêu cầu các ngân hàng đóng băng các khoản tín dụng cho các tập đoàn gia đình, trong đó có Daewoo, do lo sợ tác động nghiêm trọng từ khủng hoảng.
Daewoo đã “ngã ngựa” trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.
Tuy nhiên, chính sách mới không cản được máu liều của chủ tịch Kim Woo Choong. Thay vì vay ngân hàng, Daewoo kiên trì phát hành trái phiếu và tiếp tục mở rộng quy mô. Theo Hank Morris, cố vấn công ty quản lý tài sản Erudite Risk: “Ông Kim đã thực hiện nhiều thương vụ mua lại. Đó là cách ông phát triển tập đoàn”.
Không may, hầu hết các doanh nghiệp mà Daewoo thâu tóm đều không hiệu quả. Áp lực này, cộng thêm sức ép từ phía chính phủ đã buộc Daewoo phải bán bớt một số doanh nghiệp.
Kế hoạch này sau đó cũng diễn ra không mấy suôn sẻ. Tháng 7/1999, Daewoo tuyên bố sẽ phá sản nếu các chủ nợ Hàn Quốc không đứng về phía họ. Khoản lãi 500 triệu USD/tháng theo đó khó có thể thanh toán, chưa nói gì đến tổng số tiền vay gốc.
Đây được coi là cú sốc mạnh đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Chẳng ai ngờ rằng một tập đoàn từng được mệnh danh là “Biểu tượng về phép màu" lại có thể đi đến hồi kết nhanh như vậy.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của đế chế này bắt đầu từ năm 1970, khi Chủ tịch Kim thuyết phục các nhà bán lẻ lớn của Mỹ mua hàng dệt may của Daewoo
Hệ luỵ sau đó không hề nhỏ, đặc biệt là những tổ chức mua trái phiếu Daewoo. Người từng được ca ngợi là “Anh hùng của kinh tế Hàn Quốc” Kim Woo Choong cũng bỏ trốn, để lại một Daewoo phá sản với núi nợ khổng lồ.
Chính phủ Hàn Quốc sau đó đã phải làm việc với các chủ nợ để chuyển nợ thành vốn chủ sở hữu. Daewoo cũng được chia tách thành 3 công ty riêng biệt là Daewoo Corporation, Daewoo Engineering & Construction và Daewoo International Corporation. Hiện cả 3 đều vẫn đang hoạt động và có nhiều ảnh hưởng trong các lĩnh vực như chế biến thép, đóng tàu và dịch vụ tài chính.
Đến năm 2005, ông Kim trở về Hàn Quốc sau nhiều năm lưu vong và bị kết án 10 năm vì tội tham ô và lừa đảo. Năm 2007, ông được giảm án phạt sau khi tòa phúc thẩm cân nhắc đến những đóng góp của Daewoo. Tuy nhiên, năm đó cũng là năm ông nhận được lệnh ân xá của Tổng thống.
Ông cho biết: “Lỗi lầm lớn nhất của tôi là quá tham vọng. Tôi đã thực hiện quá vội vã, gấp gáp, muốn có được tất cả sau 5 năm thay vì 15 năm”.
Câu nói này của ông Kim có lẽ là lời cảnh tỉnh rõ ràng nhất cho giới lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu, rằng những mô hình kinh doanh không bền vững dựa vào vay nợ quá nhiều không sớm thì muộn cũng sẽ thoái trào.
Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện tích cực, thành công của Daewoo trong thập niên 1970-1980 đã để lại nhiều dấu ấn nhất định. Đây được coi là một trong những động lực giúp Hàn Quốc ngày nay trở thành một trong những cường quốc có nền tảng thương mại toàn cầu phong phú và đa dạng.
Add Comment