Khanh Hoang - Kenn
Kenn is a user experience designer and front end developer who enjoys creating beautiful and usable web and mobile experiences.
Apple hay Google đều là những tên tuổi đẳng cấp thế giới. Bộ đôi đang nắm trong tay nhiều sản phẩm có thể thay đổi cuộc chơi, khối tài sản vài trăm tỷ USD, loạt di động, hệ điều hành và trình duyệt hàng đầu… Tuy nhiên, Apple và Google vẫn còn những nét khác biệt rõ ràng, nhất là về quan điểm hoạt động.
Theo đó, Google của Sergey Brin và Larry Page tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của dữ liệu và những con số. Ngược lại, Apple dưới bàn tay Steve Jobs luôn đề cao thiết kế như mục tiêu số 1.
Trong cuốn sách In the Plex (nói về Google) của tác giả Steven Levy, thuật ngữ “dữ liệu” (data) xuất hiện tới 319 lần, trong khi từ “thiết kế” (design) lại ít hơn 60 lần. Sự tập trung vào khía cạnh này được xuất phát từ phong cách làm việc của 2 người đồng sáng lập:
“Page và Brin luôn cảm thấy thoải mái trong các học viện dành cho nhân tài, nơi mà bộ não chỉ huy mọi thứ. Cả hai đều mang tố chất đặc biệt và hiểu rằng sinh viên khoa học máy tính có cơ hội lớn để tác động đến toàn xã hội. Quan trọng nhất, họ đều chia sẻ niềm tin cốt lõi vào tầm quan trọng của dữ liệu”.
Kết quả, một công ty mang âm hưởng trường học ra đời, một học viện tập trung vô số kỹ sư tài năng và hầu hết đều coi trọng dữ liệu. Google nổi tiếng với những thay đổi nhỏ nhất, chi tiết đến từng pixel màn hình nhờ quá trình kiểm tra và thu thập thông tin. Công ty sẽ không bao giờ làm mới giao diện website nếu không tồn tại công cụ hoặc dữ liệu giúp đưa chúng trở lại dáng vẻ ban đầu.
Marissa Mayer, quan chức phụ trách thiết kế của hãng, từng nói với nhóm nhân viên đang thất vọng do ý tưởng bị từ chối: “Sản phẩm cộp mác Google phải là thứ được điều khiển bởi các cỗ máy. Chúng được làm ra từ các cỗ máy và điều ấy khiến chúng trở nên mạnh mẽ. Đó cũng là lý do khiến chúng thật tuyệt vời”.
Với Apple, "thiết kế" đã trở thành ưu tiên số 1, khi cụm từ góp mặt 432 lần trong cuốn tự truyện của vị CEO quá cố Steve Jobs, còn “dữ liệu” thê thảm hơn với chỉ 26 lần.
“Tôi yêu cái cảm giác khi áp dụng những thiết kế tuyệt vời và đơn giản vào sản phẩm mà không quá tốn kém. Đó chính là tôn chỉ của Apple. Đó chính là những gì chúng tôi đã cố gắng với chiếc máy tính Mac đầu tiên và đó cũng là những gì chúng tôi làm với iPod” – Steve Jobs chia sẻ.
Cảm hứng thiết kế đến với Steve Jobs nhờ trải nghiệm thời thơ ấu, khi người cha thường nói với ông rằng: “Việc gia công phần lưng của tủ quần áo hay hàng rào luôn rất quan trọng, cho dù ít ai nhìn thấy chúng”. Sau chuyến du lịch đến châu Á, Steve Jobs càng thấm nhuần tư tưởng đơn giản của Thiền tông Phật giáo.
Những bài học ấy thôi thúc người CEO huyền thoại vươn tới sự hoàn hảo – triết lý đặc trưng nhất của gia đình "trái táo khuyết" đương đại.
Google đặt niềm tin vào dữ liệu còn Apple tôn thờ thiết kế. Gã khổng lồ Google nổi danh với công cụ tìm kiếm, bản đồ, chia sẻ video hay tiện ích trực tuyến khác. Ngược lại, Apple nổi trội trong làng máy tính và smartphone với những "bom tấn" đáng nể. Tuy nhiên, khi Google chen chân vào mảng phần cứng di động – sự cạnh tranh gay gắt tất yếu phải bùng nổ.
Điều đáng nói là, chúng ta học hỏi được những gì từ cuộc chiến giữa dữ liệu và thiết kế?
Trở lại vấn đề, công ty thiết kế thường tập trung giải quyết những vấn đề khác biệt với công ty dữ liệu. Apple luôn giữ bí mật về sản phẩm đến phút chót, yếu tố quan trọng giúp hãng tạo ra cuộc cách mạng mới. Còn với Google, họ không thường xuyên mang tới bước nhảy vọt. Thông qua kho dữ liệu và kinh nghiệm tích lũy, mọi sản phẩm hoặc dịch vụ mới đều có thể thành công. Cần phải nói rằng, nhiều công cụ tìm kiếm "chào đời" trước Google, nhưng gã khổng lồ đang "bá đạo" rồi nhé!
Mặc dù vậy, tuy có vẻ khác nhau song 2 triết lý đều không hề mâu thuẫn. Trái lại, muốn thành công thì chúng cần phải kết hợp chặt chẽ, giống như Steve Jobs vẫn tập trung vào thiết kế nhưng ông chưa bao giờ chối bỏ tầm quan trọng của dữ liệu. Hay nói cách khác, dữ liệu chính là nền tảng để phát triển thiết kế tương ứng. Và dù thiết kế có tuyệt vời đến đâu, chúng cũng cần phải dựa trên dữ liệu.
Theo CaFeF1