Tuần thứ 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 của thời kỳ mang thai

Mang thai tuần thứ 21

1. Cơ thể bạn thay đổi thế nào?

Nếu bạn để ngón tay trên rốn khoảng hơn 1cm, bạn có thể cảm nhận được tử cung của bạn. Phần lớn những người bạn mà bạn gặp sẽ nhận ra là bạn đang mong chờ đứa bé đến mức nào. Nếu bạn thấy cổ chân và bàn chân bị phù vào cuối ngày, hãy cố gắng dành thời gian hai lần mỗi ngày để ngồi thư giãn. Nếu da bạn nhờn và nổi những vết mẩn đỏ trên da mặt và những phần khác trên cơ thể, hãy rửa mặt hai lần một ngày với nước và xà phòng có thành phần tẩy rửa dịu nhẹ.

Nhiều phụ nữ thích nhất thời điểm mang thai này. Họ đã trải qua các triệu chứng thai kỳ khó chịu đầu tiên và lúc này thai không quá lớn nên không gây bất tiện. Hãy cố gắng nghỉ ngơi và tận hưởng niềm vui lúc này.

2. Bé to chừng nào?

Con bạn dài khoảng 22cm (8.5 inches) và cân nặng khoảng 340g (12 ounces).

/data/news/fullsize/2009/06/25/433651719_697933624.jpg

3. Bé thay đổi thế nào?

Mí mắt của bé đã hình thành trong tuần thai này và bé luôn cựa quậy và nuốt nước ối. Bạn hầu như có thể cảm nhận được mọi cử động của bé và nhận ra là "lịch hoạt động " của bé có khi hoàn toàn chẳng giống của bạn. Khi bé nuốt nước ối, đường tiêu hóa tiếp tục hoàn thiện. Bé cũng nhận được một ít lượng calorie từ nước ối. Nếu thai nhi là một bé gái thì âm đạo đã hình thành đầy đủ nhưng vẫn tiếp tục phát triển cho tới lúc sinh.

4. Tuần thai này bạn nên làm gì?

Khi bạn tăng nhiều kg trong suốt thai kỳ, bạn có thể thấy các mạch máu bắt đầu sưng phồng với mức độ khác nhau, xuất hiện ở hầu hết phụ nữ mang thai. Điều này chủ yếu xảy ra ở chân nhưng cũng có thể xảy ra ở âm hộ và hậu môn. Sức ép từ tử cung đang lớn dần và sự thay đổi lưu lượng máu có thể làm cho tình trạng mạch máu tồi tệ hơn.

Một số phụ nữ thấy có những đốm bầm tím không đau trên chân, trong khi những người khác có những mạch máu sưng ngày càng gây đau đớn hơn. Sự sưng tấy sẽ biến mất sau khi sinh nhưng những mạch máu sưng phù sẽ không mất hẳn lúc đó.

5. Để thai kỳ thoải mái hơn

Viêm nhiễm đường tiểu (UTI) hay viêm bàng quang là một dạng nhiễm trùng đường tiểu. UTI thường xảy ra trong suốt thai kỳ vì những thay đổi trong đường tiểu. Vì tử cung nằm đè ngay trên bàng quang nên khi nó lớn dần, trọng lượng của nó có thể gây nghẽn đường thoát nước tiểu gây ra nhiễm trùng. Nếu UTI không được chữa trị, nó có thể dẫn đến viêm thận.
Bạn có thể làm giảm khả năng bị UTI bằng cách:

Uống 6-8 ly nước mỗi ngày

  • Sau khi tiểu tiện, lau khô từ trước ra sau.
  • Đi tiểu trước và sau khi giao hợp.
  • Tránh mặc quần dài ôm sát
  • Mặc đồ lót bằng coton hoặc có đáy bằng coton hoặc quần bó mỏng.

6. Dành cho ba của bé

Chắc bạn đã biết là mình có thể làm tăng khả năng nhiễm UTI cho vợ ? Viêm nhiễm đường tiểu phát triển do vi khuẩn xâm nhập vào đường tiểu ngay trên vùng âm đạo và thường xảy ra qua những lần giao hợp vợ chồng. Bạn có thể giúp tránh đưa vi khuẩn vào bằng cách đi tiểu trước khi quan hệ và cũng nhắc vợ nên đi tiểu trước và sau giao hợp. Những chuyện nhỏ thế này có thể giúp tránh đau đớn và không thoải mái do UTI gây ra.

Mang thai tuần thứ 22

1. Cơ thể bạn thay đổi thế nào?

Bạn có thể cảm nhận đỉnh tử cung to ra khoảng gần 2cm phía trên rốn. Như chúng ta đã nói ở tuần thai trước, nhiều phụ nữ coi tuần này là giai đoạn thoải mái nhất trong suốt thời gian mang thai.

2. Bé to chừng nào?

Bé dài xấp xỉ 23cm (9 inches) và cân nặng gần 400g (14 ounces).

http://image.tin247.com/dantri/090225101304-978-802.jpg

3. Bé thay đổi thế nào?

Bé có hình dáng khá giống với một em bé sơ sinh nhưng vẫn còn rất nhỏ. Sự phát triển sẽ tiếp tục diễn ra trong 18 tuần sau. Làn da của bé trông nhăn nheo do bé chưa đạt đủ cân nặng. Môi đang phát triển rõ rệt hơn. Mắt đã hoàn chỉnh đầy đủ nhưng lòng đen vẫn chưa có màu. Lông mi và lông mày đã mọc. Tuyến tụy đang tiếp tục hoàn chỉnh.

4. Tuần thai này bạn nên làm gì?

Nếu bạn vẫn chưa sắp xếp dự một lớp học về giáo dục sinh sản thì đây là lúc nên làm điều đó. Các lớp học này cung cấp thông tin chính xác về những gì xảy ra trong suốt thời gian mang thai và lúc sinh nở, chỉ dẫn những kỹ thuật nghỉ ngơi thư giãn lúc sắp sinh, giúp hộ sinh hiểu vai trò của họ và cho bạn cơ hội chuyện trò với những cặp vợ chồng sắp có con khác. Cố gắng học xong khoá học chậm nhất là vào cuối tuần thứ 37 để đảm bảo hoàn tất trước khi sinh. Bệnh viện, trung tâm gíao dục cộng đồng và những phòng khám phụ khoa thường mở những lớp như thế.

5. Để thai kỳ thoải mái hơn

Nhiều phụ nữ bắt đầu lo lắng về khả năng sinh con thiếu tháng, đặc biệt khi họ chịu đựng sự đau vùng bụng dưới, đau lưng âm ỉ, sức ép đè nặng lên vùng khung chậu, những cơn đau đột ngột và sự thay đổi trong tiết dịch âm đạo. Những triệu chứng này có thể là bình thường hoặc báo hiệu nguy cơ sinh non.

Ngày nay người ta tiến hành xét nghiệm tìm protein Fibronectin trong túi nước ối và màng thai ở phụ nữ mang thai để xem có dấu hiệu sinh non không. Tuy nhiên loại protein này biến mất sau tuần thai thứ 22 và không xuất hiện lại cho đến tuần thứ 38. Nếu protein này có ở chất dịch âm đạo ở phụ nữ mang thai trong khoảng tuần 22 đến tuần 38 thì nguy cơ sinh non cao. Ngược lại nếu không có thì họ sẽ không sinh con trong 2 tuần tới. Xét nghiệm này được tiến hành giống như xét nghiệm Pap Smear (trích ra một lượng nhỏ các mô trong ống tử cung để xét nghiệm tế bào ung thư), kết quả có trong vòng 24 giờ.

6. Dành cho ba của bé

Hãy cùng làm điều gì khó thực hiện khi bé chào đời, có thể là cùng đi xem phim, hoặc đi bộ đường dài hoặc trải qua một ngày trên bãi biển, chỉ cần đó hoạt động mà bạn và vợ thấy thích và cảm thấy vui vẻ.

Mang thai tuần thứ 23

1. Cơ thể bạn thay đổi thế nào?

Tử cung của bạn to ra gần 4cm trên rốn và cân nặng của bạn tăng thêm 6-8 kg. Bạn bè và gia đình có thể nói sao mà bụng bạn to quá hay nhỏ quá ở tuần thai này. Hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi thay đổi chế độ ăn của bạn.

Vì tử cung nằm đè lên trên bàng quang nên bạn có thể đi tiểu rắt ra quần lót. Đôi khi khó phân biệt đó là nước tiểu hay là nước ối. Nếu các mô tế bào thai bị vỡ, nước ối sẽ rỉ ra và không có mùi. Hiện tượng này xảy ra với tia nước nhỏ phụt ra hoặc dịch rỉ ra từ từ. Nếu có hiện tượng này, cần phải xác định xem nó có mùi nước tiểu hay không mùi. Nếu đó không phải là nước tiểu, hãy gọi bác sĩ ngay lập tức.

2. Bé to chừng nào?

Bé đã đạt cân nặng khoảng 450g (1 pound) và dài xấp xỉ 25cm (10 inches).

3. Bé thay đổi thế nào?

Bé tiếp tục lớn nhưng phải đến vài tuần nữa bé mới thật sự to ra. Lông tơ phủ khắp cơ thể bé, màu sẫm nên có thể nhìn thấy được qua siêu âm. Bé cũng bắt đầu có hình dạng trông giống lúc chào đời.

4. Tuần thai này bạn nên làm gì?

Nếu bạn đang làm việc, nên chuẩn bị kết thúc các dự án, sổ sách để nghỉ sinh. Nhớ bàn bạc với người quản lý và phòng nhân sự về ngày nghỉ của bạn. Bạn cũng cần biết thông tin về quyền lợi của mình ở nơi làm việc trong suốt thời gian nghỉ sinh.

Nhiều phụ nữ tự hỏi là họ nên làm việc đến thời điểm nào trước khi sinh. Một số ngưng làm việc vào khoảng tháng thứ 7 hoặc tháng thứ 8 trong khi một số khác làm việc cho đến tận lúc sinh . Không có câu trả lời đúng sai là cần phải làm việc đến lúc nào. Bạn cứ tiếp tục làm việc khi thấy còn có thể làm nếu không có những diễn biến phức tạp đòi hỏi phải nghỉ ngơi. Cần suy nghĩ về một số điều sau:

  • Sau khi sinh bạn sẽ đi làm lại hay là ở nhà chăm sóc con?
  • Nếu bạn làm việc, ai sẽ chăm sóc bé? Chồng bạn hay một thành viên khác trong gia đình?
  • Bạn có cảm thấy yên tâm khi gửi bé đến lớp hoặc chương trình dành cho các bà mẹ nuôi con ở nơi làm việc không?

Tốt nhất là bạn cứ tiếp tục đi làm và bắt đầu thảo luận những vấn đề này với chồng bạn để sắp xếp chu đáo.

5. Để thai kỳ thoải mái hơn

Uống nhiều nước rất quan trọng, đặc biệt là trong suốt thời kỳ mang thai. Uống nước lọc hay nước suối là tốt nhất, nhưng bạn cũng có thể uống nước rau, nước trái cây, sữa hoặc một vài loại trà thảo dược. Cần tránh trà, cà phê và soda vì chúng làm lợi tiều, làm giảm lượng nước trong cơ thể bạn, gây mất nước. Nếu bạn uống đủ nước, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt hoặc trong suốt. Nước tiểu màu vàng đậm là dấu hiệu cho thấy bạn không uống đủ nước. Uống đủ nước có thể giúp ngăn chặn:

  • Chứng nhức đầu
  • Đau thốn vùng bụng
  • Nhiễm trùng đường tiểu
  • Sưng phù

6. Dành cho ba của bé

Người chồng cũng cần "nghỉ sinh"-đó là thời gian không đi làm khi em bé chào đời để cùng vợ chăm sóc bé. Hãy bắt đầu thảo luận cùng vợ về ngày nghỉ của bạn và lên kế hoạch tận hưởng niềm vui với đứa con mới chào đời của bạn

Mang thai tuần thứ 24

1. Cơ thể bạn thay đổi thế nào?

Bạn có thể cảm nhận đỉnh tử cung to ra khoảng 5cm trên rốn. Da vùng bụng và ngực bị rạn nứt gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu ở những vùng này. Nhiều khi da bị ngứa là do da bạn khô. Nếu da bị ngứa hoặc khô, hãy sử dụng kem hoặc sữa dưỡng ẩm.

Mắt của bạn cũng có thể nhạy cảm và khô trong suốt thai kỳ. Bạn có thể làm giảm khó chịu bằng cách dùng nước mắt nhân tạo để làm ẩm mắt.

2. Bé to chừng nào?

Bé bây giờ đã dài 27cm (11 inches) và nặng từ 550g đến 680g (1.25 đến 1.5 pounds).

3. Bé thay đổi thế nào?

Não bé phát triển nhanh vào tuần thai này. Bộ phận cảm nhận vị giác cũng đang phát triển. Phổi trở nên hoàn chỉnh hơn. Những cuống phổi chính bắt đầu định dạng cũng như những tế bào đặc biệt sẽ sản xuất ra chất surfactant. Chất này cần thiết để dễ dàng bơm đầy các túi khí trong phổi. Những em bé được sinh ra trong tuần thai này (sinh non) sẽ có vấn đề về hô hấp vì thai chưa đủ thời gian để phát triển và sản xuất ra đủ lượng surfactant cần thiết.

/data/news/fullsize/2009/06/25/578568130_174605718.jpg

4. Tuần thai này bạn nên làm gì?

Giữa tuần thứ 24 và 28, hầu hết các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm kiểm tra lượng đường trong cơ thể người mẹ để phát hiện có bệnh tiểu đường hay không.
Tiểu đường thai phụ là một dạng bệnh tạm thời của bệnh tiểu đường. Bệnh này do cơ thể không sản xuất đủ lượng insulin để kiểm soát lượng đường trong suốt thời kỳ mang thai. Những dấu hiệu và triệu chứng của nó bao gồm:

  • Có đường trong nước tiểu (được phát hiện qua xét nghiệm tại bệnh viện)
  • Khát nước bất thường.
  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Mệt mỏi.
  • Nôn mửa.

Khoảng 2-5% phụ nữ mang thai mắc chứng tiểu đường thai phụ. Việc kiểm tra bệnh này thường được bác sĩ tiến hành vào giữa tuần thai thứ 24 và 28, do trong thời gian này nhau thai đang sản xuất ra một lượng lớn hormone kháng insulin. Nếu kết quả cho ra với mức độ cao, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm chuyên sâu hơn để xác nhận việc chẩn đoán bệnh là đúng.

5. Để thai kỳ thoải mái hơn

Nếu bạn bị ợ nóng, hãy chia bữa ăn thành những phần nhỏ, ăn nhiều lần trong ngày. Nhiều phụ nữ nhận thấy ăn 5 hay 6 bữa một ngày giúp giảm ợ nóng. Chứng này cũng có thể giảm bằng cách ăn khuya nhẹ.

6. Dành cho ba của bé

Lên kế hoạch một kỳ nghỉ lãng mạn dành cho hai người. Đó có thể là nơi có ý nghĩa đặc biệt cho cả hai hoặc nơi mà bạn rất muốn đi.

Mang thai tuần thứ 25

1. Cơ thể bạn thay đổi thế nào?

Tử cung bạn to gần bằng kích thước một quả bóng, đỉnh tử cung có thể được cảm nhận giữa rốn và đáy xương ức.

2. Bé to chừng nào?

Bé bây giờ đã dài khoảng 30cm (12 inches) và nặng từ 680g đến 780g (1.5 đến 1.75 pound).

3. Bé thay đổi thế nào?

Mặc dù vẫn còn nhỏ nhưng em bé đang từ từ lớn dần làm cho bề ngoài bớt nhăn nheo. Nếu có tóc thì màu tóc và độ mềm mỏng của sợi tóc có thể nhìn thấy được ở tuần thai này. Tuy nhiên, tóc có thể thay đổi khi bé ra đời.

Hình ảnh

Giới tính của thai nhi:

Bạn đã nghe người khác đoán già đoán non là bạn đang mang bé trai hoặc bé gái. Nếu nhịp tim bé đập nhanh thì đó là con gái, còn nếu đập chậm hơn thì đó là con trai. Những người khác sẽ đoán giới tính của bé dựa trên vị trí bụng bầu của bạn. Nếu bụng thấp là con trai còn nếu cao là con gái. Đây chỉ là một số ít trong nhiều chuyện không có cơ sở khoa học mà các bà mẹ mang thai thường nghe.

Tuy nhiên chỉ có hai cách nhận biết giới tính thai nhi dựa trên khoa học, đó là dùng phương pháp siêu âm và phương pháp lấy mẫu màng ối (chọc màng ối). Thậm chí nếu bạn đã siêu âm sau tuần thứ 20 thì việc dự đoán giới tính của bé vẫn không chính xác 100%. Kỹ thuật viên siêu âm, y tá, bác sĩ có thể sai. Vì phương pháp chọc màng ối cho phép thấy được đặc điểm gen nên giới tính của bé nên có thể chắc chắn được, nhưng phương pháp này nói chung không bảo đảm an toàn. Trừ khi có chuyển biến phức tạp ở thai nhi, người ta sẽ không dùng phương pháp này.

4. Tuần thai này bạn nên làm gì?

Bạn có thể mong muốn có hình siêu âm trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ để giữ gìn như một kỷ niệm. Mặc dù có những dịch vụ đáp ứng nhu cầu này và rất sáng tạo trong việc tạo ra những kỷ niệm đặc biệt về thai kỳ của bạn, tuy nhiên cũng có những mối quan tâm về sức khỏe cần phải được cân nhắc. Quy trình siêu âm liên quan đến những sóng âm thanh tần số cao nhằm cho ra những hình ảnh có giá trị chẩn đoán. Theo các tổ chức y học, chỉ nên siêu âm khi cần thiết và phải có chỉ định của bác sĩ, cần phải được tiến hành bởi các chuyên gia đã qua đào tạo như kỹ thuật viên siêu âm, X-quang hoặc bác sĩ phụ khoa.

5. Để thai kỳ thoải mái hơn

Dù bạn đã biết hay chưa biết giới tính của bé, bạn cũng muốn nghĩ đến một cái tên cho con. Hãy cùng chồng thảo luận điều này và chọn ra một cái tên. Hãy trả lời những câu hỏi sau đây để dựa vào đó chọn tên cho con bạn:

  • Bạn thích tên con được bắt đầu bằng chữ gì?
  • Có những biệt danh nào liên quan đến tên đó?
  • Những từ nào tương tự với tên bạn chọn?

Đây chỉ là một số gợi ý để bạn suy nghĩ khi chọn tên đặt cho con mình.

6. Dành cho ba của bé

Vợ bạn đã không đi làm móng tay móng chân bao lâu rồi? Đây chỉ là một trong số những thú vui trong đời mà khi mang thai, phụ nữ thường bỏ qua một bên. Nhưng việc thực hiện những thú vui đó có thể làm cô ấy thoải mái tinh thần rất nhiều. Hãy mua cho cô ấy một phiếu chăm sóc móng tay móng chân hoặc đưa cô ấy đến chỗ đó.
Nếu tài chính eo hẹp, hãy tự mình làm móng cho cô ấy tại nhà. Tất cả những gì bạn cần là một ít dụng cụ giúp cho việc làm móng có chất lượng không kém làm ở tiệm. Dụng cu bao gồm:

  • Thau đựng nước ấm.
  • Trộn sữa tắm hoặc dầu tắm với đường để tạo thành dung dịch tẩy tế bào chết.
  • Khăn lau mềm để lau chân tay cho cô ấy.
  • Sữa hoặc kem sử dụng sau khi làm xong.
  • Màu nước sơn cô ấy thích hoặc không cần sơn nếu không sẵn có.
  • Dụng cụ cắt móng và giũa.
  • Dép lê để cô ấy đi lại mà không làm hỏng mấy ngón chân mới sơn.

Mang thai tuần thứ 26

1. Cơ thể bạn thay đổi thế nào?

Đỉnh của tử cung lúc này có thể cách rốn bạn khoảng 6cm (2.5 inches). Trong thời gian còn lại của thai kỳ tử cung sẽ tăng khoảng 1,2cm (0.5 inch) mỗi tuần. Nếu bạn theo dõi trọng lượng mình trong suốt thai kỳ và tuân thủ chế độ ăn cân bằng, bạn sẽ tăng cân khoảng 7 đến 10kg (16 đến 22 pounds).

2. Bé to chừng nào?

Bé dài khoảng 33cm (13 inches) và nặng khoảng 1kg (2 pounds).

3. Bé thay đổi thế nào?

Sự phát triển diễn ra vào giai đoạn này ít và không đáng kể, nhưng vẫn rất quan trọng vì bé bắt đầu chuẩn bị ra đời. Dây thần kinh trong tai phát triển và cho phép bé đáp lại các âm thanh bé nghe thấy. Bé cũng đang tiếp tục nuốt dịch ối giúp hai lá phổi bé phát triển. Nếu bạn có bé trai, tinh hoàn của bé bắt đầu hạ xuống bìu dái.
 

http://dantri.vcmedia.vn/Uploaded/phuongtt1/2009/03/thai-26-tuan-tuoi.jpg

4. Tuần thai này bạn nên làm gì?

Trong kỳ khám thai lần tới bạn nên chuẩn bị cho các xét nghiệm và các vấn đề sau:

  • Thử máu nhiều lần
  • Xét nghiệm yếu tố RH
  • Xét nghiệm lượng đường trong máu để chẩn đoán bệnh tiểu đường trong kỳ thai nghén
  • Chế độ ăn sau khi sinh và hồi phục
  • Ngân hàng máu
  • Các cơn co tử cung Braxton-Hicks (làm bụng tê cứng)

5. Để thai kỳ thoải mái hơn

Nhiều phụ nữ thích ăn cá, nhưng trong thai kỳ có những loại cá "nên ăn" và những loại cá "không nên ăn".

Dưới đây là một danh sách mẫu các loại cá nên ăn khi mang thai:

  • Cá vược
  • Cá da trơn
  • Cá tuyết
  • Cá bơn
  • Cá rô nước ngọt
  • Cá hồi

Các loại cá không nên ăn gồm:

  • Cá nhám
  • Cá kiếm
  • Cá thu
  • Cá ngừ nước ngọt
  • Cá vược biển
  • Cá chẽm biển
  • Cá tiếp xúc với các chất ô nhiễm công nghiệp
  • Sò ốc sống

Việc ăn cá ngừ đóng hộp hay đóng gói là an toàn. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là bạn không nên ăn bất kỳ loại cá nào nhiều hơn 340g (12 ounces) trong một tuần.

6. Dành cho ba của bé

Khi vợ mang thai đến cuối tháng thứ sáu, cô ấy có thể bắt đầu cảm thấy mình kém hấp dẫn. Sẽ rất quan trọng nếu bạn cho nàng biết nàng thật sự đáng yêu ra sao. Hãy đặc biệt cố gắng trong tuần này và làm cô ấy cảm thấy mình đặc biệt bằng cách hẹn hò với nàng hay đưa nàng ra phố.

Vào tuần thứ 25 các hướng dẫn chăm sóc móng chân tay đã có rồi, nhưng bạn cũng có thể lên lịch hẹn một ngày ở spa hay một buổi làm đẹp nho nhỏ. Hoặc có thể mua cho nàng một bộ đồ mới. Chỉ có điều phải đảm bảo là nàng mặc vừa!

Mang thai tuần thứ 27

1. Cơ thể bạn thay đổi thế nào?

Vào thời điểm này của thời kỳ mang thai, bạn cảm thấy bé cựa quậy rất nhiều. Một số cử động của bé có thể do nấc cục còn những cử động khác có vẻ như bé đang tham gia tập thể dục nhịp điệu. Nhiều phụ nữ thấy những cử động này dễ chịu và giúp tăng cường mối quan hệ giữa mẹ và bé. Nhiều phụ nữ hỏi rằng con của họ cựa quậy như thế nào là bình thường.

Thời gian còn lại trong thời kỳ mang thai, bạn có thể được yêu cầu đếm số lần bé quẫy đạp, nhưng giờ thì bạn chỉ muốn so sánh với tình trạng bình thường. Nếu bé của bạn có vẻ thụ động hơn bình thường, bạn sẽ phải thảo luận điều này với bác sĩ của mình.

2. Bé to chừng nào?

Lúc này bé dài khoảng 35cm (14 inches) và nặng khoảng 1,2kg (2.25 pounds).

3. Bé thay đổi thế nào?

Khoảng tuần thứ 11 mí mắt bé bị dính lại, nhưng khoảng tuần thứ 27 đến 28 bé có thể mở và nhắm mắt. Bé cũng phát triển chu kỳ ngủ và thức đều đặn. Không may là chu kỳ này có thể không cùng chu kỳ với bạn. Bạn cũng có thể bắt đầu cảm thấy những cử động nhịp nhàng trong tử cung và thắc mắc không biết chuyện gì đang xảy ra. Có thể là bé đang bị nấc cục. Điều này là hoàn toàn bình thường và có thể diễn ra đều đặn trong giai đoạn cuối của thai kỳ khi phổi của bé tiếp tục phát triển.
 

4. Tuần thai này bạn nên làm gì?

Nếu bạn chưa thu xếp học các lớp về sinh con, đây là lúc để làm điều đó. Hãy nhớ rằng bạn phải học xong các lớp này khi hết tuần 37 của thời kỳ mang thai. Trao đổi với bác sĩ của bạn về nơi mở khoá học này.

Nếu bạn là người mẹ nuôi con một mình, bạn có thể nhờ bạn bè, các thành viên trong gia đình, hay nữ hộ sinh làm bạn đồng hành cùng bạn, hay bạn có thể tham dự một lớp đặc biệt cho phụ nữ nuôi con một mình.

5. Để thai kỳ thoải mái hơn

Đây là lúc thích hợp để sắm sửa những thứ cần thiết cho con của bạn. Hãy trò chuyện với mẹ bạn - người đã từng ở trong hoàn cảnh bạn hiện nay - để xem mẹ bạn khuyên mua những loại sản phẩm nào. Nếu cần thiết, hãy trao đổi với một bác sĩ khoa nhi để xem bác sĩ khuyên bạn ra sao. Có nhiều chọn lựa nhưng phải phù hợp với bạn và hoàn cảnh bạn.

6. Dành cho ba của bé

Khi người phụ nữ của bạn trải qua những tuần cuối của thời kỳ mang thai, sẽ có vài việc nhà trở nên khó khăn và nguy hiểm nếu cô ấy phải làm. Hãy giúp đỡ cô ấy với những việc như đặt đồ đạc lên kệ cao và kỳ cọ bồn tắm hay bồn cầu. Những cử chỉ nhỏ này có thể làm vợ bạn rất vui.

Bạn thấy bài viết này như thế nào?: 
Average: 10 (3 votes)