Bạc Hy Lai cất cánh, nhà báo ở tù

Một cậu bé ôm bó hoa, một bà lão ôm giỏ trái cây, một người đàn ông cầm biểu ngữ có dòng chữ "Ngài sẽ mãi là người bạn tốt của chúng tôi". Khi Bạc Hy Lai xuất hiện cùng với đông đảo vệ sĩ xung quanh, đám đông reo hò.

Bạc Hy Lai trở thành chủ tịch tỉnh Liêu Ninh năm 2001. Ảnh: Asahi Shimbun

Khi Bạc Hy Lai không ngừng thăng tiến lên những nấc thang quyền lực cao hơn trong sự tung hô và những lời chúc tụng thì phóng viên tố giác Bạc dần tiều tụy trong nhà tù ẩm thấp.

Bạc Hy Lai đã thành công trong việc bịt miệng nhà báo Khương Duy Bình, người phơi bày nghi án tham nhũng của ông Bạc và vợ, bà Cốc Khai Lai, cùng những quan chức khác.

Sự nghiệp của Bạc bắt đầu cất cánh khi ông được thăng chức từ thị trưởng thành phố Đại Liên lên chủ tịch tỉnh Liêu Ninh năm 2001. Bất chấp thời tiết giá lạnh, hơn 10.000 người dân tập trung tại quảng trường Hải quân Đại Liên tham dự lễ nhậm chức của Bạc tháng 1 năm đó.

Một cậu bé ôm bó hoa, một phụ nữ lớn tuổi ôm giỏ trái cây, một người đàn ông cầm biều ngữ có dòng chữ "Ngài sẽ mãi là người bạn tốt của chúng tôi". Khi Bạc Hy Lai xuất hiện cùng với đông đảo vệ sĩ xung quanh, đám đông reo hò và không ngừng chúc tụng, cố gắng vươn ra để được bắt tay Bạc.

"Cảm ơn tất cả các bạn", Bạc nói với hai bàn tay siết chặt giơ cao trên đầu.

Bạc Hy Lai tiếp tục sự nghiệp chính trị của mình tại tỉnh Liêu Ninh và tạo được công ăn việc làm cho hơn 1,6 triệu người. Bạc tiến hành cải cách mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước và thu hút đầu tư từ nước ngoài, một việc làm được coi là khá táo bạo vào thời điểm đó. Kết quả là kinh tế Liêu Ninh tăng trưởng 10%.

Năm 2004, Bạc được chỉ định giữ chức Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, thành công bước đầu trong mục tiêu dài hơi là vào Bộ Chính trị. Khương, cựu phóng viên của Nhật báo Đại Liên, thì trải qua những ngày tháng khó khăn khi Bạc thăng tiến.

Khương bị bắt tháng 12/2000 bởi một người tên là Xa Khắc Dân, giám đốc an ninh Đại Liên và là cánh tay phải của Bạc. Khương bị tra khảo xem có phải là tác giả bài báo đăng trên tạp chí Frontline của Hong Kong vào tháng 7/1999, nói rằng ông Bạc và vợ tham nhũng, hay không.

Câu chuyện bắt nguồn từ đầu năm 1999, Bạc Hy Lai nói với Nhật báo Đại Liên rằng sẽ chi 500 triệu Nhân dân tệ (khoảng 80 triệu USD) để xây trụ sở mới cho tòa báo. Công trình được xây dựng bởi công ty mà bà Cốc Khai Lai là trợ lý pháp luật và nắm 20% cổ phần.

Khi tòa báo này từ chối, các công tố viên thành phố mở cuộc điều tra và bắt giữ 4 quan chức vì tội biển thủ chi phí quảng cáo.

Khương, người tiết lộ câu chuyện trên bằng bút danh, đã không nhận mình là tác giả. Nhưng những người thẩm vấn đưa ra tập tài liệu gồm thông tin người gửi, người nhận, nội dung trao đổi từ máy fax trong văn phòng của ông. Vợ của Khương cũng bị bắt, nên Khương đã phải công nhận mình đã viết bài báo đó.

Khương bị truy tố vì hai tội gồm tội tiết lộ bí mật quốc gia trong bài báo về phó thị trưởng thành phố Thẩm Dương dùng tiền công đánh bạc và tội kích động người dân lật đổ chính quyền qua những bài viết dưới danh nghĩa đả kích các quan chức tham nhũng ở Đại Liên.

Những cáo buộc hình sự chống lại Khương hoàn toàn được giữ kín. Mức án phạt tù 6 năm mà phóng viên này phải nhận được ban hành năm 2002. Hiện nay ông định cư tại Canada và là nhà nghiên cứu lịch sử cho Đại học Toronto. Khương nói vẫn nhớ như in những ngày tháng sống trong "đói rét và hôi hám" sau song sắt.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi Bắc Kinh thả tự do cho Khương. Ủy ban Bảo vệ Nhà báo có trụ sở ở New York trao tặng giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2001 cho Khương vì đã theo đuổi quá trình điều tra không quản ngại nguy hiểm, trả thù và giam giữ.

Đến tháng 1/2006, bảo vệ trại giam nói với Khương rằng ông được thả, khoảng một năm trước khi mãn hạn tù.

Tuy nhiên, ngay cả khi được thả, Khương vẫn không hoàn toàn được thoải mái. Cơ quan an ninh thành phố vẫn đặt ông trong vòng kiểm soát khi thuê một căn hộ ngay dưới căn hộ của ông. Năm 2009, Khương di dân đến Canada, nơi nhiều người trong gia đình ông đã định cư.

[via vnexpress]

Bạn thấy bài viết này như thế nào?: 
No votes yet