Học sinh Phi Hoàng Mai Phương – nghiên cứu màng bảo quản trái xoài

NGHIÊN CỨU CHIẾT XUẤT PECTIN TỪ VỎ CAM LÀM MÀNG BẢO QUẢN TRÁI XOÀI

Một nhóm học sinh Trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý (TPHCM) mới đây đã nghiên cứu loại màng bảo quản xoài – chiết xuất từ vỏ trái cam.

Đây là một trong những ý tưởng được đánh giá cao tại Vòng chung kết Cuộc thi Thử thách Nhà bảo vệ Môi trường trẻ lần thứ IV (YEC) diễn ra vào sáng 1/4/2023

Xoài là loại trái cây giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe của con người. Tuy nhiên, loại trái này nhanh bị thâm sau khi chín, dẫn đến mất thẩm mỹ và chất lượng giảm.

Học sinh Phi Hoàng Mai Phương – Thành viên của nhóm nghiên cứu màng bảo quản trái xoài cho biết: “Quá trình tìm hiểu, nhóm em nhận thấy, xoài thường được bảo quản bằng các màng thực phẩm nhựa. Màng nhựa thực phẩm này sau đó được thải bỏ, làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Đó là lý do nhóm em tìm hiểu và nghiên cứu chất bảo quản thân thiện hơn”.

Nhóm học sinh cho biết, đã có nhiều nghiên cứu về việc chiết xuất pectin từ phụ phẩm nông nghiệp như quýt, táo, củ cải đường… ứng dụng trong bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, nhóm chọn nghiên cứu pectin từ vỏ cam.

Pectin có khả năng tạo màng, làm rào cản khí oxy, kháng vi sinh vật rất tốt nhưng lại có độ hòa tan trong nước cao, không độc, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm với thời gian bảo quản dài, rất thích hợp ứng dụng trong việc bảo quản xoài khi xuất khẩu.

Ngoài dự án chiết xuất pectin từ vỏ cam làm màng bảo quản trái xoài, cuộc thi YEC còn ghi nhận nhiều ý tưởng sáng tạo, thú vị và mới mẻ từ các em học sinh trung học phổ thông như: nghiên cứu chất keo tụ hữu cơ từ chất nhầy của trái đậu bắp để xử lý nước thải; sản xuất điện từ cây; than hoạt tính từ lục bình, gáo dừa và các loại vỏ trái cây; ống hút từ vỏ sầu riêng …

Quách Hải Như Quỳnh - Trường THPT Chuyên Vị Thanh (Hậu Giang) - Trưởng nhóm nghiên cứu chất keo tụ hữu cơ từ chất nhầy của trái đậu bắp để xử lý nước thải cho biết: “Nhóm em nghiên cứu phương pháp loại bỏ polystyrene trong vi nhựa và xử lý nước thải bằng cách sử dụng chất nhầy đậu bắp, để giải quyết 2 vấn đề cấp bách là lọc nước và lọc vi nhựa.

Các polysacarit này có khả năng phân hủy sinh học, không độc hại, thân thiện với môi trường và được trồng rộng rãi để có nguồn cung cấp ổn định”.

Thành viên của nhóm K.E.L (Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TPHCM) cho biết, hiện tại có rất nhiều nguyên nhân làm cho môi trường nước bị ô nhiễm và một trong những nguyên nhân đó là từ các ion kim loại nặng không thể nhìn thấy được bằng mắt thường.

Để khắc phục được tình trạng trên, nhóm nghiên cứu về khả năng hấp phụ của than hoạt tính điều chế từ nguyên liệu thân thiện như lục bình, gáo dừa và các loại vỏ trái cây. Nhóm định hướng phát triển sản phẩm thành một tấm phim có khả năng lắp đặt vào các đường ống nước, giúp ích cho việc lọc nước trong quá trình sử dụng cũng như xả thải…

Cuộc thi Thử thách Nhà bảo vệ Môi trường trẻ do trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) phối hợp cùng Đại học Deakin (Australia) tổ chức nhằm tạo sân chơi cho học sinh, giúp các em củng cố kiến thức về môi trường, thể hiện khả năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, tư duy phản biện, đồng thời nâng cao ý thức của các bạn trẻ và đưa ra các giải pháp hữu ích thiết thực trong việc bảo vệ môi trường.

Fivestar: 
Average: 5 (1 vote)