Hàng nghìn tấn chất thải có nồng độ pH vượt ngưỡng nguy hại theo quy chuẩn của Bộ TN-MT của Formosa được chuyển từ Hà Tĩnh ra Thái Nguyên theo dạng hàng hóa để tái chế.
Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã chặn đứng kịp thời việc tái chế, tái sử dụng hàng nghìn tấn gang xỉ có giá trị pH vượt ngưỡng nguy hại, theo quy chuẩn của Bộ TN-MT, của Công ty TNNH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) tại địa bàn.
Ông Nguyễn Thế Giang, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên, cho biết đã phối hợp với Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra việc tái chế, tái sử dụng phế liệu gang xỉ có nguồn gốc từ (Formosa) tại địa bàn. Sau khi có kết quả, Sở này đã có văn gửi Sở TN-MT Hà Tĩnh.
Theo nội dung văn bản, Formosa chuyển giao gang xỉ cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển MHD Việt Nam (Công ty MHD) để tiếp tục chuyển giao cho 6 cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gồm: Công ty CP Công nghiệp Bắc Thái, Nhà máy thép máy thép Trường Sơn - Công ty TNHH Minh Bạch, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trường Huy, Công ty CP Cơ khí Gang thép, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Kiên, và hộ kinh doanh Nguyễn Văn Sơn, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất.
Sở TN-MT Thái Nguyên đã ra soát, kiểm tra các cơ sở nêu trên. Kết quả cho thấy, có 2/6 cơ sở là Công ty CP Công nghiệp Bắc Thái và Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trường Huy có hợp đồng thu mua gang xỉ từ Công ty MHD để chế biến, với tổng khối lượng hơn 20.000 tấn. Trong đó, Công ty CP Công nghiệp Bắc Thái đã hợp đồng mua gang xỉ với Công ty MHD với khối lượng là 15.000 tấn, đã nhận chuyển nhượng gần 9.000 tấn; Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trường Huy đã hợp đồng mua hơn 11.000 tấn, đã nhận chuyển giao đủ hơn 11.000 tấn gang xỉ này.
Có 2/6 cơ sở là hộ kinh doanh Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Văn Kiên mua gang xỉ từ Công ty MHD, nhưng thông qua đơn vị trung gian khác; có 2/6 cơ sở là Công ty TNHH Minh Bạch và Công ty CP Cơ khí Gang thép có hợp đồng mua gang xỉ từ Công ty MHD, nhưng chưa nhận chuyển giao gang xỉ.
Theo Sở TN-MT Thái Nguyên, có 3/6 cơ sở nêu trên không có chức năng nghiền tuyển gang xỉ là Công ty CP Công nghiệp Bắc Thái, Công ty TNHH Minh Bạch và Công ty CP Cơ khí Gang thép. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, Sở TN-MT Thái Nguyên sẽ tiếp tục xem xét hướng dẫn, xử lý.
Sở này cũng đề nghị Sở TN-MT Hà Tĩnh báo cáo Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT có hướng yêu cầu Công ty MHD dừng chuyển giao gang xỉ cho Công ty CP Công nghiệp Bắc Thái, Công ty TNHH Minh Bạch, do các công ty này chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về môi trường, hoạt động nghiền tuyển gang xỉ theo quy định. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyển giao gang xỉ Formosa cho Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trường Huy...
Đáng chú ý, tiếp sau đó, Sở TN-MT Thái Nguyên lại có thêm văn bản gửi Sở TN-MT Hà Tĩnh cho biết đã lấy mẫu gang xỉ tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trường Huy, mẫu bùn thải sau tuyển tại Công ty CP Công nghiệp Bắc Thái để phân định danh tính chất thải nguy hại theo QCVN 07:2009/BTNMT.
“Kết quả phân tích mẫu gang xỉ, mẫu bùn thải sau tuyển tại 2 cơ sở nêu trên cho thấy giá trị PH đều vượt ngưỡng nguy hại theo QCVN 07:2009/BTNMT”, văn bản do Phó giám đốc Sở TN-MT Thái Nguyên Nguyễn Thế Giang, ký nêu rõ.
Cực kỳ nguy hiểm!
Theo tìm hiểu của phóng viên, xuất phát của việc Công ty MHD có thể chuyển giao gang xỉ cho các đơn vị khác tại Thái Nguyên là từ sự đồng ý bằng văn bản của Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT.
Cụ thể, cuối tháng 9.2018, Tổng cục Môi trường có văn bản (do ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường ký, gửi báo cáo Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài, lưu văn phòng) trả lời Công ty MHD về việc thu gom, vận chuyển và tái chế phế liệu gang xỉ phát sinh trong nước làm nguyên liệu sản xuất. Trong đó, khẳng định “phế liệu gang xỉ được phân loại, lựa chọn làm nguyên liệu làm sản xuất gang thép được coi là sản phẩm hàng hóa và được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về sản phẩm hàng hóa”.
Cũng theo văn bản này, Công ty MHD được thu gom, vận chuyển với khối lượng 70.000 gang xỉ tấn/năm và chuyển giao cho cơ sở sản xuất sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất gang thép.
Một số chuyên gia nhìn nhận, theo kết quả đo, phân tích mẫu gang xỉ do Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường, thuộc Sở TN-MT Thái Nguyên thực hiện, thì gang xỉ do Công ty MHD chuyển giao có giá trị PH vượt ngưỡng nguy hại theo quy chuẩn, như vậy được coi là chất thải nguy hại. Việc chất thải này của Formosa lọt được ra ngoài, theo dạng hàng hóa, có thể mua bán, chuyển nhượng như vậy là cực kỳ nguy hiểm.
Trong việc này, cần xem xét lại văn bản của Tổng cục Môi trường ký. Bên cạnh đó, cần ra soát lại việc hợp chuẩn hợp quy chất thải từ Formosa, kiểm soát chặt chẽ hơn nhà máy này, để tránh nguy cơ thảm họa môi trường.
Trong ngày 9.5, phóng viên nhiều lần liên hệ với ông lãnh đạo Bộ TN-MT đề nghị được cung thông tin về việc “rò rỉ” chất thải có nồng độ pH vượt ngưỡng chất thải nguy hại của Formosa, nhưng không có phản hồi. Đồng thời, phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nhưng đều không có phản hồi thông tin.