Để trở thành người được chú ý trong cộng đồng mạng, nhiều HS, SV bỏ ra 20.000 – 150.000 đồng mua về các lượt theo dõi ảo trên Facebook. Trào lưu mua bán “sub” nở rộ trong thời gian gần đây. Người trẻ bị mê hoặc bởi sự nổi tiếng, dẫu rằng đó chỉ là hư danh.
“Cơn sốt” mua bán lượt theo dõi
Số lượt người “follow” (trước gọi là “subscribe”) là những người đang “theo dõi” bạn trên Facebook. Các ca sĩ, diễn viên ngôi sao thường có lượng người “theo dõi” rất lớn. Mỗi trạng thái họ cập nhật có hàng nghìn lượt like hoặc “comment”.
Lượt “theo dõi” của một tài khoản càng cao, đồng nghĩa với việc người đó càng nổi tiếng hơn trên mạng xã hội. Đi kèm với số lượng người “theo dõi” lớn là rất nhiều tính năng ưu tiên của Facebook dành cho chủ tài khoản như: Tên được in đậm nên trở nên nổi bật so với các facebooker khác khi cùng “comment” trên một “fanpage”; có thể mở tính năng trả lời từng “comment” như các “fanpage” mà không phải đánh dấu tên người đang được nhắc đến…
Mặt khác, khi có lượng “theo dõi” “khủng”, chủ tài khoản có được sự tin cậy của nhiều người, được chú ý hơn (sẽ được nhiều người “kết bạn”, “like” các dòng “trạng thái” hoặc hình ảnh đã đăng tải).
Một mẫu rao bán “sub” trên Facebook
Trước đó, muốn tăng được lượt “theo dõi” này rất khó nhưng thời gian gần đây, trên Facebook xuất hiện một trào lưu kinh doanh mới là bán lượt “follow” (thường được gọi là bán “sub”), khiến cho việc nổi tiếng bây giờ trở nên rất đơn giản.
Tuy chỉ mới xuất hiện trên Facebook chưa lâu nhưng dịch vụ bán “sub” đang trở thành một trong những dịch vụ có số lượng người tham gia đông không thua kém việc kinh doanh các mặt hàng khác.
Ai nhiều “sub” hơn, người ấy là kẻ mạnh?
Theo các lời rao bán “sub” trên mạng thì có một mức giá chung đang được áp dụng, đó là 20.000 đồng đổi lấy 1.000 “sub”, 50.000 đồng được 3.000 “sub”, 150.000 đồng được 10.000 “sub”. Một số địa chỉ còn có thêm khuyến mãi như mua 3.000 “sub” được tặng thêm 500 “sub”, 10.000 “sub” tặng thêm 1.000 “sub”; khách hàng nào mua càng nhiều thì càng có cơ hội hưởng thêm vài ưu đãi khác.
Theo đó, “sub” không thể ăn được song nó là món ăn tinh thần rất phổ biến trên Facebook. Với một người bình thường, để đạt tới con số vài nghìn hay vài chục nghìn “subscribe” là điều dường như “không tưởng”. Bỏ ra một khoản chi phí “phải chăng” và đạt được lượng “sub” khủng sẽ là cách nhanh chóng, tiện lợi để các bạn trẻ “tóm gọn” sự nổi tiếng trong tay.
Không dễ để có lượng “sub" khủng như của CEO Facebook Mark Zuckerberg
Những lời quảng cáo này thường đánh trực diện vào khát khao trở thành tâm điểm chú ý của người dùng Facebook: “Bạn đang cần danh tiếng và sự nổi tiếng, bạn muốn phá đảo thế giới ảo, muốn được “hot” trên Facebook. Bạn đang muốn nhiều người biết đến bạn? Vậy đừng bỏ qua cơ hội này!…
Ai nhiều “sub” hơn, người ấy là kẻ mạnh. Có thể ngoài đời, bạn không bằng ai nhưng hãy để trên mạng xã hội này không ai bằng bạn. Hãy đến với chúng tôi đến với sự nổi tiếng của bạn!”; “Ai muốn mua “sub” thì đừng khúm núm sau bàn phím với vẻ ngại ngần, hãy tiến gần lại với cánh cửa mới để bước tới đỉnh cao khi là những người đầu tiên chạm vào những tính năng mới”…
Kèm theo đó là rất nhiều lời quảng cáo hấp dẫn: “10.000 “sub” các bạn được mở tính năng “reply” trong “comment”; 15.000 “sub” tên các bạn sẽ được in đậm; 50.000 “sub” tên các bạn sẽ in đậm mãi mãi ở bất cứ nơi đâu khi “bình luận”, trả lời trên bất cứ chỗ nào”.
Để thu hút khách hàng, có nơi còn tổ chức những event khuyến mãi vào các giờ vàng, tặng “sub” bất kỳ cho một số khách hàng may mắn… Tiền mua “sub” thường được khách hàng chuyển cho người bán thông qua thẻ điện thoại.
Việc mua bán này dường như rất đắt khách nên trên Facebook, các diễn đàn, các trang rao vặt ngày càng xuất hiện những chủ tài khoản tự nhận là bán “sub” có uy tín. Lee Seven, một chủ tài khoản khá có “máu mặt” trong cộng đồng buôn “sub” từng thừa nhận rằng, lượng khách đặt mua “sub” và gửi tin nhắn đến Facebook của Lee Seven rất lớn: “248 “inbox” trả lời không hết được. Cả nhà thông cảm nhé, giờ toàn “online” điện thôi nên cả nhà cần bảo mình gì cứ bình luận “status” này, mình sẽ kiểm tra và trả lời từng người nhé!”.
Tăng “sub” bằng cách nào?
Số người “theo dõi” thực tế là những người nhấn nút thêm bạn (add friends) nhưng chưa được đồng ý, hoặc những người click vào nút “theo dõi” trên Facebook. Có thể coi số lượng người theo dõi này là thực tế, mỗi bài đăng của bạn trên Facebook để chế độ công khai, họ đều có thể nhìn thấy trên trang chủ.
Còn “sub” ảo, tức là số người “theo dõi” qua các “danh sách” (lists) – gián tiếp theo dõi hoạt động của bạn. Trên thực tế, đây là cách người dùng tự tạo một danh sách bạn bè, sau đó, những người click nút “theo dõi” danh sách đó, sẽ đồng thời “theo dõi” toàn bộ những người trong danh sách mà không hay biết.
Thông thường, số lượng người “theo dõi” qua lists sẽ được cập nhật 2 ngày/lần. Vì thế, cộng đồng mạng Việt Nam đã tự “chế” ra rất nhiều cách để câu lượng “theo dõi” ảo. Đó là lý do khi mua “sub”, người đặt mua phải ấn vào những đường link do người bán yêu cầu và thường phải tham gia cùng lúc tới 5, 6 danh sách bạn bè, đồng thời “inbox” cho chủ danh sách để nhận hàng ngàn lượt “follow”, sau 2 ngày.
Với cách “theo dõi” qua danh sách, những bài đăng sẽ bị hạn chế hiển thị hơn trên trang chủ, mức tương tác không cao và có thể nói chỉ để làm đẹp, để tăng độ “hot” của chủ tài khoản khi một facebooker nào đó vô tình ghé vào thăm trang cá nhân.
Thực tế, cách “nổi tiếng ảo” này rất dễ bị phát hiện. Chỉ cần một thao tác đơn giản, click trực tiếp vào số theo dõi trên trang cá nhân của người dùng đó, Facebook sẽ liệt kê rõ ràng 2 loại: Người “theo dõi” và người “theo dõi” qua danh sách. Sự nổi tiếng kia ngay tắp lự sẽ bị “lột trần”.
Nổi tiếng “ảo” để làm gì?
Theo Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (khoa Tâm lý Giáo dục, trường ĐH Sư phạm TP. HCM), mạng xã hội là “không gian ảo” nhưng lại có những con người thật nên sự nổi tiếng cũng là nổi tiếng thật. Nổi tiếng cũng không xấu, xấu hay không là tùy thuộc vào 2 câu hỏi bản chất: Nổi tiếng để làm gì? Nổi tiếng bằng cách nào?
Nếu nổi tiếng chỉ để có nhiều “like”, có nhiều “comment” thì cái “like” và cái “comment” ấy chẳng để làm gì. Thay vì số tiền bỏ ra để đi mua “follow” và sung sướng ngồi đếm “like” thì ta có thể đầu tư đi học kỹ năng để phát triển bản thân, trang bị thêm một “vũ khí” nào đó để lập nghiệp và thành công thì sẽ tốt hơn là chỉ ngồi đếm “follow”.
“sub” và nổi tiếng làm “mờ mắt" nhiều người trẻ
ThS Hiếu cũng cho rằng, thích nổi bật là nhu cầu tự nhiên của tuổi trẻ, thích nổi tiếng là sở thích phổ biến. Chúng ta không nên phê phán nhu cầu này mà chúng ta cần phê phán cách làm sai, cách nông nổi để nổi tiếng bằng mọi giá.
“Bất kỳ việc gì cũng có tính chất hai mặt, nếu nghề nghiệp của bạn không cần sự nổi tiếng thì đừng nổi tiếng làm gì. Còn nếu muốn nhiều người biết, hãy chứng tỏ bằng tài năng.
Nếu mua “follow” cả trăm nghìn mà bạn không có tài thì trăm nghìn người “theo dõi” đó cũng không ủng hộ bạn, nhiều khi ngược lại họ còn “ném đá”. Nếu gây sốc để nổi tiếng thì người ta bị “sốc” nhiều hơn là “ấn tượng”. Nổi tiếng nửa vời sẽ không mang đến kết quả mà lại phải trả giá rất nhiều bằng tiền bạc, tuổi trẻ, công sức.
Hãy cân đo đong đếm lợi và hại trước khi quyết định trở thành người nổi tiếng trên mạng ảo. Hãy đầu tư thời gian và tiền bạc đúng chỗ, gieo hạt mầm đúng mảnh đất, bạn sẽ phát triển thật sự. Gieo hạt sai chỗ thì dù có bơm cỡ nào đi chăng nữa thì hạt mầm ấy chỉ phình to một cách sống sượng rồi teo tóp một cách nhanh chóng”, ThS Hiếu phân tích.