Trong khi phần lớn người dân vẫn trông chờ giá bất động sản sẽ giảm thêm thì trên thị trường bắt đầu xuất hiện động thái gom hàng giá rẻ của một bộ phận giới đầu cơ.
Phần lớn số ôtô đỗ trước dự án Dream Town này là của nhà đầu tư tại lễ mở bán cuối tuần qua
Động thái này được xuất phát từ sự tuột dốc không phanh của thị trường bất động sản trong suốt hơn 1 năm qua. Theo đó, giá bán sơ cấp lẫn thứ cấp tại nhiều dự án tính trung bình đã giảm khoảng gần 50% so với thời điểm thị trường đang ở giai đoạn sôi động.
Song cũng có không ít chuyên gia lẫn nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm lại nhìn nhận, thị trường vẫn chưa qua được khó khăn, thanh khoản vẫn sẽ thấp, nên việc sớm mua gom vào thời điểm này cho dù giá đã khá hấp dẫn thì cũng không khác gì “đánh bạc” với thị trường.
Tiền dịch chuyển từ ngân hàng sang nhà đất
Trong tuần qua, thị trường bất động sản như được hâm nóng phần nào bởi những thông tin về các dự án chào bán có giá khoảng 14 - 17 triệu đồng/m2. Điển hình trong số đó là dự án chung cư Đại Thanh (Thanh Trì), dự án Dream Town (Từ Liêm), dự án The Sun Garden (Hà Đông)...được khá nhiều khách hàng quan tâm.
Theo tìm hiểu của VnEconomy, ngoại trừ một số người dân có mức thu nhập trung bình, đặc biệt là người ngoại tỉnh mới về Hà Nội có nhu cầu mua nhà ở thực, còn có một lượng không nhỏ các nhà đầu tư cũng tham gia tìm hiểu, ký hợp đồng mua thực sự với hy vọng sẽ có lãi khi thị trường ấm lên trong năm tới.
Anh Nguyễn Văn Tính (một nhà đầu tư) cho hay, ngay sau khi trần lãi suất huy động giảm về 9%/năm, hai vợ chồng đã quyết định rút toàn bộ số tiền tiết kiệm gần 500 triệu đồng về để tìm kênh đầu tư mới. Sau khi có thông tin một số dự án chung cư giá mềm mở bán, anh đã quyết định đặt cọc và ký hợp đồng mua căn hộ tại dự án Dream Towm với giá hơn 17 triệu đồng/m2. Được chủ đầu tư thỏa thuận là số tiền trả góp được kéo dài trong 20 năm nên anh cũng không quá lo về tiến độ nộp tiền.
“Tôi quyết định đầu tư trở lại vào bất động sản vì gửi tiết kiệm hiện giờ không có nhiều lợi nhuận nữa. Nếu mạnh dạn đầu tư, sang năm bất động sản ấm dần thì sẽ bán lại nếu thấy có lãi, còn không cứ để đấy sau này cho con cái ở cũng không thừa”, anh Tính nói.
Trong lần tham dự mở bán căn hộ tại dự án Đại Thanh, Dream Town, IPH... tuần qua, người viết cũng chứng kiến không ít nhà đầu tư bất động sản có cùng quan điểm và động thái như anh Tính. Nghĩa là họ cũng có chút ít vốn liếng sau một thời gian gửi ngân hàng, giờ lãi suất giảm đành phải rút ra và bất động sản là địa chỉ họ tìm đến đầu tiên.
Trong số đó, cũng có người lạc quan, mạnh bạo tuyên bố rằng “không mua vào bất động sản bây giờ là dại, bởi giá đã quá thấp và chủ đầu tư khó mà giảm thêm nữa”. Tất nhiên, vị này cũng lưu ý, nếu mua vào cần phải thẩm định thật kỹ càng từng dự án cũng như tiến độ, uy tín của chủ đầu tư, tránh tình trạng mua nhà trên giấy như một số dự án mà báo chí phản ánh gần đây.
Chủ đầu tư cũng “đánh bạc”
Thị trường bất động sản trầm lắng quá lâu có thể đã khiến không ít chủ đầu tư đã phải điêu đứng, mất lòng tin vào thị trường. Thậm chí có một số đã phải rời bỏ thị trường, phá sản kế hoạch, chiến lược của mình với những dự án nổi đình, nổi đám trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, vẫn có những chủ đầu tư, dù là phải đi vay ngân hàng hàng trăm tỷ đồng vẫn cố chen chân vào thị trường, bất luận viễn cảnh ra làm sao.
Trong lần trao đổi mới đây với VnEconomy, Bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty May Hồ Gươm (chủ đầu tư dự án Hồ Gươm Plaza - Hà Đông) đã tuyến bố “chúng tôi mở bán dự án vào thời điểm này vì đã có kế hoạch từ trước. Do đó, bất luận thị trường tốt hay xấu, chúng tôi cũng không quan tâm”.
Với một số chuyên gia, tuyên bố của chủ dự án nói trên không khác nào hành động “nhắm mắt làm liều”, ngay cả khi dự án đó không phải vay tiền ngân hàng, theo như lời của vị chủ tịch May Hồ Gươm.
Song cũng có người lại nhìn nhận, nếu các chủ đầu tư hiện đang nắm giữ trong tay hàng trăm căn hộ thì khôn ngoan nhất là tìm cách giảm giá, đẩy hàng vì thị trường sẽ còn giảm sâu hơn nữa trong năm tới. Khi đó, không chỉ làm giảm lãi mà nguy cơ vỡ nợ là rất dễ xảy ra vì giá bất động sản sẽ giảm thêm khoảng 20% và thanh khoản thì vẫn chưa ai nói trước được điều gì.
Không chỉ dự án Hồ Gươm Plaza, tại thời điểm hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, có không ít chủ đầu tư cũng đang đánh cược với "canh bạc" thị trường khi quyết định mở bán vào thời điểm thị trường ế ẩm. Theo họ, việc mở bán vào thời điểm này là việc làm bất đắc dĩ vì có vô số bất lợi thuộc về chủ đầu tư, đặc biệt là giá bán và các điều khoản đi kèm. Tuy nhiên, trước sức ép trả nợ ngân hàng và vốn để đảm bảo tiến độ dự án, không mở bán cũng không xong.
Thậm chí, nếu không bán hàng vào thời điểm này, chờ đến cuối năm nay hoặc đầu năm tới, thị trường không ai dám chắc là sẽ đi theo chiều hướng nào, trong đó viễn cảnh thê thảm hơn cũng không phải là không có khả năng xảy ra. Mua – bán trong thời điểm thị trường nhạy cảm như hiện nay được ví như canh bạc là vậy.
Chia sẻ với VnEconomy, nhiều nhà đầu tư thứ cấp cùng quan điểm cho hay, trong bối cảnh hiện tại, việc mua vào hay không cũng giống như chơi trò chơi đánh bạc hay chơi xổ số. Có nghĩa rằng, nếu có vốn và dám chấp nhận rủi ro, cơ hội thắng là hoàn toàn có thể nếu thị trường ấm lên trong những tháng tới. Trong trường hợp ngược lại, thị trường vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí xấu hơn, giá tiếp tục giảm thì nhà đầu tư phải chấp nhận vì canh bạc này là “5 ăn 5 thua”.
VnEconomy