Một nhân viên đứng bên ngoài trụ sở Google ở Mountain View, California

Nguồn cơn khiến Google, Facebook sa thải hàng loạt

Nguyên nhân gây ra làn sóng sa thải công nghệ được cho là do các công ty tuyển quá nhiều nhân viên để làm "công việc hữu danh vô thực".

Theo Business Insider, việc cắt giảm trong loạt công ty công nghệ như Meta, Amazon hay Alphabet (công ty mẹ của Google) từ cuối năm ngoái là do hiện tượng bùng nổ trước đó: tuyển dụng quá nhiều để làm những công việc không thực sự cần thiết.

"Các công ty công nghệ lớn phải chịu trách nhiệm về việc tuyển dụng quá nhiều rồi lại sa thải hàng loạt. Họ tuyển người mới cho làm những vị trí ảo chỉ để đáp ứng thước đo phù phiếm về tuyển dụng", Keith Rabois, nhà đầu tư công nghệ và CEO công ty hỗ trợ tài chính OpenStore, nói tại sự kiện ngân hàng Evercore ở Miami (Mỹ) tuần trước.

Rabois, từng làm CEO PayPal đầu những năm 2000, ước tính Alphabet và Meta có tới hàng nghìn nhân viên không làm gì cả. "Họ không có gì để làm. Thực tế họ đảm nhận vị trí hữu danh vô thực", ông nói. "Mọi thứ đang được phơi bày. Có những người chẳng làm gì ngoài đi họp".

>> Foxconn tăng 16 đến 25% lương cho công nhân

>> 5 cách để copywriter cần làm đối với Google

Theo tỷ phú này, các công ty tại Thung lũng Silicon cố tình tuyển quá nhiều kỹ sư và tài năng công nghệ chỉ với mục đích ngăn họ chuyển sang công ty đối thủ. "Một chiến lược khá mạch lạc", Rabois nhận xét.

Một số chuyên gia khác có chung quan điểm. Theo Marc Andreessen, đồng sáng lập quỹ Andreessen Horowitz (a16z) và từng nằm trong ban giám đốc của Meta, Thung lũng Silicon đang tồn tại lớp nhân viên gọi là "Laptop Class". Ông từng nhắc đến cụm từ này trên Twitter đầu năm ngoái khi làn sóng tuyển dụng tại các công ty công nghệ Mỹ đạt đỉnh. "Laptop Class" chỉ những người thường xuyên sử dụng máy tính xách tay để làm việc, nhưng vai trò và hình ảnh của họ "hoàn toàn trừu tượng, không có thực tế vật lý hữu hình", còn ý kiến từ họ cũng không được ghi nhận.

Giữa 2022, Andreessen tiếp tục nêu trên Twitter rằng các công ty công nghệ lớn tại Silicon đang thừa nhân lực gấp hai lần những năm trước, trong đó "các công ty lớn tồi tệ" còn thừa gấp bốn lần trở lên.

Tỷ phú công nghệ Thomas Siebel,CEO công ty AI C3, cho biết những ông lớn như Meta và Google đã tuyển nhiều đến mức họ không có đủ vị trí công việc để sắp xếp cho nhân viên.

"Thật lạ khi Google và Meta tiếp nhận hàng loạt nhân viên nhưng không xếp việc làm cho họ. Đúng là họ thực sự không làm gì", Siebel nói.

Giữa tháng 3, Britney Levy, một cựu nhân viên Meta, cũng nói trên TikTok rằng công ty xem nhân viên như một loại thẻ Pokemon để sưu tập. "Tôi nằm trong nhóm nhân viên được tuyển vào một vị trí kỳ lạ: nhóm không phải làm việc", cô nói. "Tôi có thể nghỉ cả một ngày mà không ai biết".

Giữa tháng 2, hai nhân viên Meta tiết lộ trên FT rằng nhiều người trong công ty chưa được sắp xếp công việc, ngồi chơi vẫn có lương vì cấp quản lý không thể lên kế hoạch do việc phê duyệt các quyết định kéo dài cả tháng.

Trong làn sóng sa thải, tỷ phú Rabois dành lời khen cho Elon Musk, người đã mạnh tay loại bỏ 70% nhân viên Twitter kể từ khi tiếp quản mạng xã hội cuối tháng 10 năm ngoái. "Mọi người đang theo dõi Elon và Twitter. Rõ ràng ông ấy đang làm gương, dù là một tấm gương cực đoan," Rabois nói. "Trọng tâm của ngành công nghệ sẽ chuyển từ mô hình tăng trưởng bằng mọi giá sang tập trung vào khả năng sinh lời, như doanh thu được tạo ra trên mỗi nhân viên".

Theo số liệu từ website chuyên theo dõi sa thải Layoffs.fyi, trong năm 2022, hơn 1.000 công ty đã cắt giảm 160.000 nhân viên. Tuy nhiên, chỉ trong ba tháng đầu năm nay, con số bị sa thải đã vượt mốc 100.000 người. Trong đó, những công ty như Meta, Amazon đã thực hiện đợt sa thải thứ hai chỉ trong vài tháng, với con số lên tới hàng chục nghìn người. Hầu hết lý do lãnh đạo các công ty đưa ra là do tình hình kinh tế ảm đạm, bất ổn chính trị hay chiến lược tinh gọn bộ máy và cắt giảm chi tiêu. Dù vậy, giới chuyên gia đánh giá quyết định sa thải có thể là hành động bắt chước nhau, chứ không mang lại hiệu quả thực sự về chi phí.

Amazon lại sa thải 9.000 người

Amazon tiến hành đợt cắt giảm tiếp theo với 9.000 nhân viên, sau đợt sa thải lên đến 18.000 người hồi tháng 1.

Quyết định trên được CEO Andy Jassy đăng trên website của công ty trong ngày làm việc đầu tuần. Theo đó, công ty sẽ cho nghỉ việc nhân viên thuộc các bộ phận điện toán đám mây, nhân sự, quảng cáo và dịch vụ livestream Twitch.

"Đây là quyết định khó khăn, nhưng chúng tôi nghĩ là tốt nhất cho công ty trong dài hạn", Jassy viết.

Theo CEO Amazon, đợt sa thải mới là giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch tinh gọn bộ máy của công ty sau thời gian tuyển dụng ồ ạt những năm trước. Hồi tháng 1, công ty này cũng đã hoàn thành quá trình cho 18.000 nhân công thôi việc. Quá trình này chia thành nhiều giai đoạn, theo CEO Amazon, là do các bộ phận cần thời gian thực hiện các phân tích, thay vì vội vàng quyết định. Một số nhóm trong công ty thậm chí chưa thể xem xét vị trí nào sẽ bị cho nghỉ. Vì vậy, đợt sa thải mới sẽ mất vài tuần, dự kiến xong vào cuối tháng 4.

Theo Reuters, Amazon đã cho nghỉ việc 27 nghìn người, chiếm 9% trong 300 nghìn lao động chính của công ty. Đợt cắt giảm mới thậm chí tác động đến cả mảng quảng cáo và điện toán đám mây, vốn là những mảng mang lại lợi nhuận cao và từng được đánh giá "không thể chạm tới". Còn theo CNBC, lực lượng lao động toàn cầu của Amazon từng đạt hơn 1,6 triệu người, tính cả lao động thời vụ, vào cuối 2021, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2019.

"Với tình hình kinh tế không chắc chắn trong tương lai gần, chúng tôi chọn cách sắp xếp hợp lý hơn về chi phí và số lượng nhân viên", Jassy nói thêm.

Ông cho biết việc tinh gọn bộ máy giúp công ty có thể đầu tư mạnh mẽ hơn vào các trải nghiệm cho khách hàng cũng như cải thiện cuộc sống của người dùng, của đội ngũ. Ông cũng khẳng định "lạc quan về tương lai và các cơ hội" mà Amazon đang có, bao gồm ở những mảng quan trọng nhất là mảng cửa hàng bán lẻ và AWS.

Tuần trước, một Big Tech khác là Meta cũng tiến hành sa thải đợt hai, với 10 nghìn người bị cho thôi việc, sau đợt sa thải 11 nghìn người cuối năm ngoái.

Amazon nói gì khi sa thải 18.000 nhân viên

Amazon thông báo thực hiện đợt cắt giảm lớn nhất lịch sử công ty, lên đến 18.000 người, vì họ đã tiêu tốn quá nhiều trong đại dịch.

Kế hoạch được Amazon đưa ra giữa tuần này, tác động lớn đến bộ phận bán lẻ và nhân sự. Nhân viên công ty cho biết họ được thông báo cho nghỉ việc qua email chứ không được gặp trực tiếp quản lý của mình để nghe giải thích.

Trong thư gửi nhân viên của nhóm phát triển công nghệ và trải nghiệm người dùng, Beth Galetti, Giám đốc nhân sự Amazon, nói đây là quyết định khó khăn, nhưng cần thiết để công ty duy trì hoạt động dài hạn. Họ đã tiến hành các bước đầu tiên như kêu gọi tự nguyện nghỉ việc, đóng băng tuyển dụng nhưng vẫn cần hành động quyết liệt hơn. Theo ông, việc điều chỉnh phù hợp với kế hoạch mà công ty đề ra trong quý I/2023 nhằm thích nghi với thực tế môi trường kinh tế vĩ mô hiện tại.

Trong email gửi nhóm các cửa hàng toàn cầu, Doug Herrington, Giám đốc điều hành bán lẻ cấp cao của Amazon, bày tỏ tiếc nuối khi phải tạm biệt những người đồng nghiệp. Ông giải thích về động thái sa thải hàng loạt: "Tình trạng thừa lao động, khó khăn trong chuỗi cung ứng, lạm phát, năng suất tăng vọt do phát triển mạng lưới vận chuyển trong Covid-19 làm gia tăng chi phí. Amazon cần thực hiện các bước cải thiện cơ cấu chi phí nhằm tiếp tục đầu tư vào trải nghiệm, thu hút khách hàng và phát triển hoạt động kinh doanh của mình".

Herrington cho biết, ngoài cắt giảm nhân sự, công ty cũng đang tăng lượng hàng tồn kho đối với những mặt hàng phổ biến, giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm và tạo cơ hội mua sắm nhu yếu phẩm giá rẻ. Tất cả nhằm mục đích giảm tải mạng lưới và chi phí giao hàng. Việc điều chỉnh cơ cấu chi phí có thể giúp công ty tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng cao như tạp hóa, kinh doanh Amazon, mua sắm bằng Prime và chăm sóc sức khỏe.

Amazon cam kết hỗ trợ nhân viên bị ảnh hưởng trực tiếp do sự chuyển đổi này. Ở Mỹ, công ty cung cấp gói 60 ngày không làm việc nhưng vẫn nhận đủ lương và phúc lợi, cộng thêm vài tuần nghỉ phép. Tùy vào thời gian gắn bó với công ty, nhân viên có thể chọn các gói về nghỉ việc trợ cấp thất nghiệp hoặc giới thiệu công việc khác.

Thông báo cắt giảm chi tiết được gửi đến từng nhân viên ở Mỹ, Canada, Costa Rica hôm 18/1. Trong khi đó ở Trung Quốc, nhân viên Amazon sẽ nhận được email sau Tết Nguyên đán. Một số khu vực khác nhận thông báo muộn hơn do vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật sở tại.

Vì sao công ty công nghệ đồng loạt sa thải nhân viên

Việc sa thải tại các hãng công nghệ được nhận định có thể là hành động bắt chước nhau, chứ không mang lại hiệu quả thực sự về chi phí.

Mở đầu 2023, Microsoft và Google thông báo sa thải lần lượt 10.000 và 12.000 nhân viên trên toàn cầu. IBM cũng cho thôi việc gần 4.000 người, còn Spotify điều chỉnh khoảng 6% nhân sự. Trước đó, Meta, Amazon, HP... cũng cắt giảm hàng nghìn người. Các chuyên gia cho rằng có thể các công ty đang sao chép nhau và học hỏi quyết định của nhau.

Sự giống nhau trong các tuyên bố cắt giảm

Theo The Verge, có sự tương đồng trong tuyên bố của các hãng công nghệ lớn. Phần lớn đều cho biết đã phát triển nhanh chóng trong đại dịch, nhưng đến nay nhu cầu của thị trường giảm, khiến họ phải giảm bớt nhân viên.

Khi cho 11.000 người thôi việc cuối năm ngoái, Meta nói đã ghi nhận doanh thu vượt bậc khi thế giới chuyển sang môi trường trực tuyến nhanh chóng, cùng sự bùng nổ của thương mại điện tử trong Covid-19. "Nhiều người dự đoán một đợt tăng tốc sẽ tiếp tục diễn ra ngay cả khi đại dịch kết thúc. Tôi cũng vậy, vì vậy tôi đã quyết định tăng đáng kể các khoản đầu tư. Thật không may, điều này không diễn ra theo cách tôi mong đợi", CEO Mark Zuckerberg nói.

Trong thông báo của mình, Microsoft đề cập đến việc "chứng kiến khách hàng tăng chi tiêu kỹ thuật số trong đại dịch". Đến nay, các khách hàng chuyển sang tối ưu hóa, cắt giảm chi tiêu kỹ thuật số, khiến công ty cũng phải thay đổi.

Tương tự, CEO Sundar Pichai của Google cũng nhắc đến giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ hơn hai năm qua. "Để phù hợp và thúc đẩy sự tăng trưởng đó, chúng tôi đã tuyển dụng cho một thực tế kinh tế khác với thực tế mà chúng ta phải đối mặt ngày nay", ông nói.

Nội dung giống như trên cũng được ghi nhận trong các thông báo của Amazon, Stripe, Spotify hay Salesforce. The Verge cho rằng việc sa thải tại các công ty công nghệ hiện nay giống như một trào lưu. Họ làm vậy vì công ty khác cũng làm như vậy.

Vì sao đồng loạt sa thải?

Các nhà phân tích chỉ ra một thực tế ở những công ty cắt giảm hàng nghìn nhân viên: Không bên nào đang ở bờ vực phá sản. Thậm chí một số vẫn có doanh thu tốt và kiếm được nhiều tiền sau đại dịch.

Theo Michael Cusumano, Phó trưởng khoa Trường Quản lý MIT Sloan, nguyên nhân có thể là do sự thay đổi trong cách nhà đầu tư đánh giá hoạt động của một công ty. Trước đây, khi doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu ở mức 20-30%, sẽ không ai quan tâm đến lợi nhuận. Tuy nhiên, thời kỳ tăng trưởng mạnh đã qua, họ trở nên thận trọng hơn. Lúc này, một trong những chỉ số đo lường giá trị đầu tư vào công ty là doanh thu trên mỗi nhân viên. Việc bổ sung nhân viên trong giai đoạn đại dịch khiến chỉ số này giảm xuống.

Cusumano lấy ví dụ những công ty phần mềm như Microsoft "nên có doanh thu trên mỗi nhân viên là 500.000 USD hoặc ít nhất là 300.000 USD". "Khi con số này giảm dưới mức đó, họ bắt đầu lo lắng về việc có quá nhiều nhân viên. Vì vậy đó là thứ được xem xét hàng năm, thậm chí hàng quý", ông nói.

Trên lý thuyết, việc sa thải sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, như tiền lương. Nhưng thực tế, họ sẽ phải bỏ ra khoản tiền lớn ban đầu cho việc này để đền bù hợp đồng. Số tiền đó với những công ty như Google, Microsoft có thể lên tới hàng tỷ USD.

Jeffrey Pfeffer, giáo sư tại Đại học Stanford, đánh giá cắt giảm nhân viên chưa chắc giúp các công ty tiết kiệm chi phí. Dẫn một số nghiên cứu trước đây, ông cho biết có rất ít bằng chứng cho thấy giảm nhân sự giúp công ty tăng lợi nhuận hay tăng giá cổ phiếu. "Nhưng lại có một số bằng chứng rằng chúng làm tổn hại đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp", ông nói.

Ông đánh giá làn sóng sa thải là "chuyện ngu ngốc" và "các công ty công nghệ đang sao chép lẫn nhau". Thậm chí, theo chuyên gia này, việc sa thải có thể làm tăng sự căng thẳng ở cả người ra đi và ở lại, dẫn đến giảm năng suất lao động. "Thông thường công ty không gặp vấn đề về chi phí. Họ gặp vấn đề về doanh thu. Sa thải nhân viên không làm tăng doanh thu, thậm chí còn khiến nó giảm", Pfeffer nhận định.

Apple làm gì để tránh làn sóng sa thải?

Apple đang thực hiện hàng loạt thay đổi, như hoãn trả thưởng, lùi thời gian phát triển sản phẩm mới để cắt giảm chi phí.

Theo Bloomberg, Apple đã tránh được làn sóng sa thải đang diễn ra nhờ chiến lược cắt giảm chi phí gắt gao. Một số nguồn tin nội bộ cho biết Apple đã thay đổi kế hoạch trả thưởng. Thông thường, hãng chia khoản này một hoặc hai lần mỗi năm tùy bộ phận trả vào tháng 4 và tháng 10. Còn theo chính sách mới, các bộ phận chỉ nhận một lần duy nhất vào tháng 10.

CEO Tim Cook cũng nằm trong danh sách cắt giảm lương thưởng. Theo hồ sơ Apple gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) giữa tháng 1, tổng số tiền công ty trả cho ông trong 2023 dự kiến là 49 triệu USD, thấp hơn 40% so với 2022.

Apple hiện không thiếu tiền mặt với khoảng 165 tỷ USD. Dù vậy, công ty muốn duy trì sự ổn định. Theo một số chuyên gia, việc trả thưởng một lần vào cuối năm sẽ giúp hãng có thêm nguồn tiền để giải quyết các vấn đề của công ty. Hành động này cũng một phần giúp tinh gọn hoạt động của bộ máy quản lý nhân sự.

Để tiết kiệm, Apple cũng được cho là đã lùi tiến độ nhiều dự án. Trước đó, theo WSJ, công ty đã chuyển thời gian phát triển một số thiết bị gia đình, chẳng hạn loa HomePod có màn hình, sang đầu năm sau. Điều này giúp hãng có thêm vốn cho các hạng mục dự án cấp bách hơn.

Bên cạnh đó, Apple cũng hạn chế ngân sách cho một số nhóm. CEO Tim Cook được cho đã ra chỉ thị cho các phó chủ tịch điều hành nên sử dụng số tiền được phân bổ hiệu quả hơn, nghiêm khắc hơn với cấp dưới. Các lãnh đạo nhóm hiện yêu cầu nhân viên phải có mặt tại văn phòng đúng giờ, đặc biệt các ngày thứ ba, thứ tư và thứ năm hàng tuần. Một số nhân viên tin đây có thể là "điềm báo trước cho việc sa thải những nhân sự không đáp ứng yêu cầu".

Hầu hết bộ phận tại Apple đã ngừng tuyển dụng từ tháng 9 năm ngoái khi Cook bắt đầu đề ra chính sách thắt chặt chi tiêu, đồng thời kiểm soát nghiêm ngặt việc tuyển mới ở vị trí bất khả kháng. Tuy nhiên, một nguồn tin nói khi một người rời vị trí, Apple sẽ để ngỏ vai trò đó thay vì nhanh chóng lấp đầy chúng.

Từ nửa cuối 2022, ít nhất 11 giám đốc cấp cao của Apple đã nộp đơn xin nghỉ. Công ty sau đó phân bổ vai trò của những người cũ bằng cấp dưới thay vì tuyển dụng mới, hoặc để trống vị trí. Hãng cũng hạn chế thuê nhân sự bên thứ ba. Từ cuối năm ngoái, công ty sa thải nhiều nhân viên hợp đồng, cũng như cắt giảm số nhà thầu để giảm chi phí.

Công ty cũng thắt chặt phúc lợi nhân viên, như ngân sách du lịch. Các chuyến công tác giờ cần có sự chấp thuận của giám đốc điều hành cấp cao và phải "có lý do quan trọng trong kinh doanh".

"Chúng tôi lo bị sa thải nếu không đảm bảo số giờ làm theo quy định", một nhân viên bán lẻ nói với Bloomberg. "Công ty không sa thải hàng loạt, nhưng vẫn cho nghỉ việc các nhóm đơn lẻ".

Tại sao Apple không sa thải hàng loạt?

Theo chuyên gia Mark Gurman của Bloomberg, Apple đang có lợi nhuận lớn hơn bất kỳ công ty công nghệ nào. Công ty cần bảo vệ hình ảnh khi sắp ra mắt một số sản phẩm mới như kính thông minh. Sa thải hàng loạt gây tổn hại nhiều hơn đến tinh thần và nhận thức của công chúng về hoạt động kinh doanh của công ty.

Cũng theo ông, lãnh đạo Apple vốn được coi là những người có đầu óc chiến thuật bậc nhất trong ngành. Việc cắt giảm nhân sự là dấu hiệu công ty đã mắc sai lầm chiến lược. Theo Tom Forte, chuyên gia phân tích của ngân hàng đầu tư DA Davidson&Co, Apple vẫn có thể sa thải một lượng nhân sự thời gian tới, nhưng chỉ chiếm một phần rất nhỏ và sẽ thực hiện lặng lẽ.

Trong khi đó, Google, Meta, Microsoft, Amazon đang gây xáo trộn ngành công nghệ khi tuyển dụng dư thừa, sau đó sa thải hàng chục nghìn người. Daniel Morgan, nhà quản lý cấp cao tại Synovus Trust, đánh giá Apple đã sáng suốt khi không tuyển dụng hàng loạt, đặc biệt ở các vị trí vốn không phải thế mạnh của mình. "Cả Meta và Google đều mắc lỗi nghiêm trọng về điều này", Morgan nói với WSJ.

Mark Zuckerberg sa thải tiếp 10.000 nhân viên

Trong đợt cắt giảm lớn thứ hai của Meta, 10.000 người mất việc và 5.000 vị trí tuyển dụng bị đóng băng.

Trong thông báo ngày 14/3, Mark Zuckerberg, CEO Meta, cho biết công ty đang hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy, loại bỏ những lớp quản lý không cần thiết. Sau đợt sa thải 11.000 người tháng 11 năm ngoái, công ty sẽ tiếp tục cho 10.000 người thôi việc trong vòng hai tháng tới. Tuyển dụng chính là bộ phận bị "thanh lọc" đầu tiên, ngay tuần này. Đến tháng 4, nhóm kỹ thuật sẽ được xem xét. Cuối cùng, bộ phận kinh doanh sẽ "chốt sổ" vào tháng 5.

Bên cạnh đó, 5.000 vị trí tuyển dụng mới của Meta cũng bị dừng lại. Một số dự án có mức độ ưu tiên thấp bị giải thể. "Tôi hy vọng năm nay có thể thực hiện xong các thay đổi, càng sớm càng tốt. Công ty cần hành động để vượt qua giai đoạn bấp bênh và tập trung vào mục tiêu quan trọng phía trước", Zuckerberg viết trong thư gửi nhân viên. Ông lặp lại tuyên bố này trên tài khoản Facebook cá nhân.

Trong vòng 4 tháng, Meta đã có hai lần cắt giảm nhân sự lớn.

Ông đánh giá sự sụt giảm doanh thu của Meta năm ngoái là "lời cảnh tỉnh" và nhắc nhở nhân viên "chuẩn bị cho những khó khăn mới còn kéo dài trong nhiều năm nữa". Nhà sáng lập Facebook nói: "Lãi suất tăng sẽ khiến nền kinh tế hoạt động kém hơn. Bất ổn địa chính trị nhiều hơn dẫn đến các biến động, chi phí đổi mới bị nâng lên trong khi tăng trưởng chậm lại".

Với những dự đoán đó, ông nhấn mạnh công ty cần hoạt động hiệu quả bằng việc giảm số nhân viên. Trong hồ sơ gửi lên Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC), Meta cho biết các đợt cắt giảm mới sẽ giúp công ty tiết kiệm khoảng ba tỷ USD.

Số lượng nhân viên của Meta tăng vọt trong giai đoạn đại dịch, từ 48.000 người vào tháng 3/2020 lên 87.000 người vào tháng 9/2022, trước khi bắt đầu sa thải. CEO Meta cảnh báo việc cắt giảm vẫn chưa kết thúc.

Từ đợt điều chỉnh nhân sự đầu tiên cách đây bốn tháng, Zuckerberg hướng đến việc giảm bớt quản lý. Nhiều quản lý cấp thấp đã được yêu cầu chuyển về công việc như nhân viên. "Một tổ chức tinh gọn hơn sẽ nhanh chóng thực hiện các ưu tiên. Mọi người sẽ làm việc hiệu quả và công việc sẽ hoạt động trôi chảy hơn", ông khẳng định.

Zuckerberg cho biết Meta cũng sẽ hủy các dự án có mức độ ưu tiên thấp trong toàn công ty. Ông thừa nhận đã "đánh giá thấp chi phí gián tiếp" mà các dự án này đang tiêu tốn. Một trong những hành động đầu tiên là bỏ dự án thử nghiệm NFT trên Facebook và Instagram.

Trong Covid-19, Zuckerberg từng là một trong những CEO tiên phong ủng hộ làm việc từ xa. Còn giờ đây, ông yêu cầu các kỹ sư phải đến văn phòng ít nhất ba ngày một tuần. "Tôi giả định việc xây dựng lòng tin giữa người với người dễ dàng hơn khi đối mặt. Nó giúp gắn bó mối quan hệ để mọi người làm việc hiệu quả", Zuckerberg nói.

Động thái mới của Meta nối dài làn sóng sa thải chưa có dấu hiệu dừng lại trong lĩnh vực công nghệ. Mở đầu 2023, Microsoft và Google lần lượt thông báo cắt giảm 10.000 và 12.000 nhân viên trên toàn cầu. Amazon giảm 18.000 lao động còn IBM cho gần 4.000 người thôi việc.

Fivestar: 
No votes yet