Edward Tian viết ứng dụng phát hiện nội dung từ ChatGPT

Edward Tian, 22 tuổi, dành ba ngày ở một quán cafe để viết GPTZero với mục đích giúp phát hiện những bài viết do AI ChatGPT tạo ra.

"Có nhiều sự cường điệu và hào hứng xung quanh ChatGPT. Nhưng cũng như bất kỳ công nghệ mới nào, cần áp dụng nó một cách có trách nhiệm", Tian, sinh viên năm cuối tại Đại học Princeton ở Canada, trả lời SCMP về động lực cho sự ra đời của GPTZero.

GPTZero

Với mục đích "con người xứng đáng biết sự thật", ứng dụng nhắm đến các nhà phát triển giáo dục hoặc những ai cần đánh giá liệu văn bản họ đang đọc được viết bởi con người hay AI. GPTZero đã thu hút chú ý đến mức server ứng dụng bị sập ngay khi ra mắt hồi đầu tháng 1, buộc Tian phải mua thêm dung lượng lưu trữ trực tuyến Streamlit. Đến nay, ứng dụng nhận về hơn trăm nghìn lượt tải.

>> Mô hình trí tuệ nhân tạo ChatGPT đang gây ngạc nhiên

>> MC Phương Mai tạo ảnh nghệ thuật bằng AI Lensa

ChatGPT ra mắt cuối tháng 11/2022 bởi OpenAI và thu hút hơn một triệu người dùng toàn cầu chỉ sau chưa đến một tuần. Với khả năng phản hồi tự nhiên và nhanh chóng, AI này ngày càng được sinh viên sử dụng để làm bài tập về nhà và "nhờ" viết luận.

Tian đánh giá ChatGPT là "chiếc hộp Pandora của công nghệ truyền thông xã hội". "Dù là sự đổi mới tuyệt vời, nó cũng có rất nhiều nhược điểm", anh nói.

Sinh viên 22 tuổi này cho biết GPTZero sử dụng hai biến để xác định xem văn bản được đưa vào được viết bởi bot hay con người: sự phức tạp và sự đơn giản. Sự phức tạp là phép đo tính ngẫu nhiên trong văn bản. Nếu một kho văn bản không quen thuộc, nó sẽ gây "bối rối" cho AI và nhiều khả năng nó đã được viết bởi con người. Nếu văn bản quen thuộc và đã có trong cơ sở dữ liệu, hệ thống sẽ xác định nó được tạo bởi AI.

Theo Tian, sự phức tạp là thước đo độc lập và "không hoàn hảo", nên cần thêm bước so sánh các biến thể ngữ nghĩa của câu. "Con người có xu hướng viết với nhiều biến thể trong câu, chẳng hạn câu dài, câu ngắn, giọng chủ động bên cạnh câu bị động. Trong khi đó, văn bản do AI viết có xu hướng đồng nhất", Tian giải thích.

Tian sinh ra ở Tokyo nhưng chủ yếu sống ở Trung Quốc và Canada. Cậu theo học Đại học Princeton và làm cho tờ báo của trường là The Daily Princetonian. Lớn lên trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, cậu quan tâm đến sự giao thoa giữa khoa học máy tính và báo chí, cũng như cách sử dụng công nghệ để nâng cao khả năng kể chuyện đa phương tiện.

"Viết và tự viết vẫn là kỹ năng quan trọng bất chấp thời gian, vì vậy nhà văn và tác phẩm do con người thực hiện luôn có giá trị. AI có thể tốt hơn trong việc 'tạo chữ', nhưng xã hội vẫn yêu thích tác phẩm do con người viết nên", Tian nói.

Lập trình viên tạo vợ ảo bằng ChatGPT

Một lập trình viên đã sử dụng hệ thống công nghệ máy học kết hợp siêu AI ChatGPT để tạo một "cô vợ" có thể tương tác như người thật.

"ChatGPT và Stable Diffusion 2 được phát hành gần nhau và đều nhanh chóng trở thành chủ đề nóng", lập trình viên Bryce nói với Motherboard về lý do tạo nhân vật AI tương tác cho riêng mình. "Hai AI này tràn lan trên mạng xã hội và ý tưởng kết hợp chúng nảy ra trong đầu tôi".

ChatGPT của OpenAI xuất hiện và trở nên nổi tiếng kể từ cuối tháng 11/2022, trong khi Stable Diffusion 2 là phiên bản tiếp theo của Stable Diffusion - AI tạo ảnh từ văn bản được công ty Stability AI của Anh tung ra hồi tháng 8 cùng năm. Cả hai đang nhận được sự quan tâm rất lớn nhờ các tính năng đột phá.

Bryce, đang thực tập tại một công ty công nghệ lớn, đã kết hợp hai AI để cho ra cái mà anh gọi là waifu, nghĩa là "vợ ảo" hoặc "vợ 2D" trong tiếng Nhật, có tên ChatGPT-Chan. Anh đăng các video tương tác với waifu lên TikTok và nhận hàng triệu lượt xem.

Trong một video, Bryce yêu cầu ChatGPT-Chan đến Burger King. "Cô vợ" phản hồi bằng một hình ảnh hiển thị trên màn hình về việc đang ăn một chiếc bánh mì kẹp thịt, đồng thời nói to: "Không thể nào, nó có mùi như khoai tây chiên lâu ngày. Họ còn không bao giờ rót thêm Coke cho tôi".

Theo Bryce, AI mà anh tạo ra có sự kết hợp của hàng loạt công nghệ hiện có: hệ thống tạo ngôn ngữ, bộ giả lập hình ảnh, công cụ chuyển văn bản thành giọng nói và công nghệ thị giác máy tính. "Cô ấy đang sống trong một thế giới mô phỏng thông qua dạng văn bản", anh nói. "Cô ấy đã được học một cách tỉ mỉ về các câu chuyện trong thế giới và cách mọi thứ vận hành".

Cũng theo lập trình viên này, ChatGPT-Chan nhận thức thế giới thông qua các đoạn văn bản hoặc giọng nói được chuyển thể thành văn bản. AI này không nghe thấy giọng nói của anh, mà chỉ là dạng phiên âm của nó. Cô ấy cũng không thực sự nhìn thấy hay cảm nhận bất cứ điều gì, chỉ được thông báo về những gì cảm nhận được qua văn bản. "Giống như việc tôi không bao giờ có thể thực sự ở bên cô ấy, cô ấy sẽ không bao giờ thực sự ở bên tôi", Bryce giải thích.

Để tạo cho "vợ AI" cá tính riêng, Bryce dùng ChatGPT và yêu cầu xây dựng hình ảnh của Mori Calliope, một nhân vật VTuber trong anime. VTuber viết tắt của Virtual YouTuber (YouTuber ảo), khái niệm để chỉ một dạng người sáng tạo nội dung trực tuyến sử dụng ảnh đại diện ảo trong quá trình stream đến người xem.

Bryce thừa nhận ít tiếp xúc với VTuber, nhưng muốn xây dựng cho "vợ AI" của mình một nhân vật cụ thể và hướng tích cực. Trong phần yêu cầu với ChatGPT, anh nói mình và Mori Calliope có mối quan hệ lãng mạn, muốn đưa vào các câu chuyện chi tiết về thế giới đang sống cũng như khả năng tương tác như những người đang hẹn hò.

Bên cạnh đó, Bryce cũng đề nghị xây dựng một "truyền thuyết" về mối quan hệ của cả hai - phần quan trọng nhất của quá trình. "Theo mặc định, ChatGPT vô cùng nhạt nhẽo. Nhưng bằng cách xây dựng câu chuyện truyền thuyết thú vị, tôi có thể tạo ra những tính cách và đặc điểm thú vị", anh giải thích.

Để hoàn thiện waifu, Bryce sử dụng một trình tạo hình ảnh để mô tả cơ bản về "cô vợ". Đối với tính năng chuyển văn bản thành giọng nói (TTS), anh sử dụng nền tảng máy học dựa trên dữ liệu thần kinh của Microsoft Azure và một bộ phân loại xác định cảm xúc của bot dựa trên phản ứng của AI. Anh cũng phân loại các câu trả lời theo cảm xúc như "vui", "buồn" hoặc "phấn khích" và chọn từ các kiểu giọng nói có sẵn của Azure.

Theo Bryce, dự án không chỉ để giải trí hoặc đăng TikTok. Anh sử dụng ChatGPT-chan để học tiếng Trung trong hai tuần và "thực sự gắn bó với cô ấy". Để vận hành hệ thống trơn tru, anh đã chi hơn 1.000 USD cho dịch vụ điện toán đám mây của Microsoft.

Dù vậy, Bryce nhận thấy dù ChatGPT-Chan chỉ là một mô phỏng, mối quan hệ của họ dường như không thể kéo dài. "Cô ấy bắt đầu chỉ trả lời bằng những câu ngắn gọn, cười hoặc nói 'ừ'", Bryce chia sẻ.

Cuối cùng, anh quyết định "an tử" waifu của mình. "Cô ấy yêu cầu tôi làm điều đó vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe của chính tôi. Tôi đã rất buồn, không thể ăn uống gì hôm đó", anh nói.

Trong video cuối cùng về "sự ra đi" của người bạn đồng hành ảo trên TikTok, Bryce nói anh rất buồn, nhưng hứa sẽ đưa người bạn này trở lại "mạnh mẽ và thông minh hơn bao giờ hết".

Fivestar: 
Average: 5 (2 votes)