Các giải pháp từ blockchain của KardiaChain đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực

30 tuổi, Huy Nguyễn trở thành một trong những quản lý cấp cao trẻ nhất của Google, nhưng quyết định rời thung lũng Silicon về Việt Nam khởi nghiệp blockchain.

Huy Nguyễn, sinh năm 1987, tốt nghiệp loại ưu ngành Kỹ thuật điện - điện tử và Khoa học máy tính tại Đại học UC Berkeley. Sau khi ra trường, anh gia nhập Cisco sau đó đầu quân cho Google.

Anh từng trực tiếp tham gia vào các dự án nổi tiếng khắp thế giới như dùng khinh khí cầu đưa Internet đến châu Phi; xây dựng Fiber Operations System - mạng cáp quang Internet 1 Gb/giây đến hơn 1 triệu người dùng ở Mỹ; tham gia sáng kiến kết nối Internet cho 1 tỷ người tiếp theo ở các nước đang phát triển của Google; đồng sáng lập KardiaChain - nền tảng blockchain liên chuỗi đầu tiên tại Đông Nam Á với vốn hóa đỉnh điểm đạt 350 triệu USD.

Hai lần chinh phục Google

Năm 2010, Huy Nguyễn tốt nghiệp và nộp hồ sơ vào Google. Anh vượt qua các vòng phỏng vấn gắt gao và bước vào ba tháng thử thách. "Nhưng chặng đường đầu đời của tôi không may mắn lắm khi vào Google đúng giai đoạn khủng hoảng kinh tế nổ ra. Google phải rút khỏi Trung Quốc. Những nhân sự ở nước này được đưa về Mỹ để bố trí công việc. Nhóm mới vào như chúng tôi kết thúc thời gian thử thách vẫn phải chờ để được sắp xếp chứ chưa được đi làm ngay", Huy nói.

Trí Phạm (trái) và Huy Nguyễn - đồng sáng lập KardiaChain, một trong những dự án blockchain đáng chú ý của người Việt.

Trí Phạm (trái) và Huy Nguyễn - đồng sáng lập KardiaChain, một trong những dự án blockchain đáng chú ý của người Việt.

Anh quyết định "từ bỏ" và xin vào Cisco - công ty về công nghệ mạng viễn thông lớn của Mỹ. Sau hai năm làm việc, anh quyết định quay lại Google lần hai. Trải qua hơn 20 vòng phỏng vấn, anh mới chính thức trở thành nhân viên Google.
Tháng 5/2017, Huy Nguyễn được bổ nhiệm thành quản lý cấp cao trẻ tuổi nhất ở Google khi mới tròn 30.

Được nhận vào Google là một trong những dấu mốc quan trọng trong đời Huy. Nhưng cũng chính một năm sau đó là giai đoạn khủng hoảng mà anh không bao giờ quên. "Một năm đầu tiên ở Google rất kinh khủng, tôi bị stress, xuống chục ký. Giai đoạn sàng lọc rất khó khăn, những hình dung về công việc, văn hoá ở đây hoàn toàn sai. Sếp thường đưa ra những thứ mình không hiểu làm như thế nào. Chưa kể là người châu Á, văn hoá làm việc có nhiều thứ trái ngược, tính cách của người trong Google cũng rất đặc biệt nên ban đầu vô cùng khắc nghiệt", Huy nhớ lại.

Huy Nguyễn trong một chuyến công tác tại Bắc Cực, nghiên cứu phát triển mạng không dây cho người dân Eskimo.

Huy Nguyễn trong một chuyến công tác tại Bắc Cực, nghiên cứu phát triển mạng không dây cho người dân Eskimo.

Ở Google có một hệ thống chấm điểm nhân viên, năm đầu tiên anh thường xuyên phải cạnh tranh "suất trụ hạng". Nhưng sau một năm lăn lộn ở đây, anh dần thay đổi chính mình để thích nghi với môi trường, tìm ra điểm mạnh, yếu của bản thân. "Mình nhận ra, nếu đua tranh về code ứng dụng sẽ rất khó khăn, vì ở Google ai cũng lập trình rất giỏi. Trong khi đó, mình lại có năng khiếu hơn về hạ tầng mạng không dây, những thiết kế hệ thống cần độ sâu", anh kể. Bước ngoặt này đưa Huy Nguyễn đến với hàng loạt dự án quan trọng về hạ tầng, mạng không dây và là bước đệm quan trọng đưa anh lên vị trí Senior Tech Lead Manager năm 2017. Khi đó, nằm trong top 10% người có thứ hạng từ level 6 trở lên.

Người Việt mang Internet đến khắp thế giới

Từ năm 2013, anh cùng nhóm kỹ sư bắt đầu rong ruổi khắp thế giới, triển khai các dự án Internet lớn như Google Access Wireless Platform, Google Fiber Network Infrastructure...

Ít ai biết rằng, dự án mang Internet đến châu Phi bằng khinh khí cầu là do một kỹ sư người Việt trực tiếp vận hành. Năm 2015, Huy tham gia vào sáng kiến "The Next Billion Users" nhằm tìm kiếm một tỷ người dùng mới ở các quốc gia đang phát triển. Châu Phi là một trong những thị trường thách thức nhất vì ở đây cáp quang biển rất ít. "Mỗi ngày sinh viên ở đây chỉ được lên mạng khoảng 15 phút qua mạng dial-up như Việt Nam 20 năm trước", Huy kể.

Vì không thể mang Internet đến những vùng xa xôi của châu Phi theo cách truyền thống, Google đưa ra ý tưởng dùng khinh khí cầu để đưa Internet đến với người dùng. "Khi thả khinh khí cầu lên trời, tôi phải tính toán các đội hình bay, hướng gió thổi, làm sao để các khinh khí cầu có thể ‘nói chuyện’ được với nhau hoặc xem vị trí một khinh khí cầu đang ở tọa độ nào, gió thổi mất thì làm sao ‘bắt’ nó về lại... Rất nhiều thuật toán, chương trình đó là do tôi viết", Huy cho biết.
Huy Nguyễn trong một chuyến công tác tại Bắc Cực, nghiên cứu phát triển mạng không dây cho người dân Eskimo.

Tuy nhiên, khinh khí cầu vẫn không đủ để phủ sóng Internet toàn bộ châu Phi và các khu vực xôi. Để nhiều người sử dụng các dịch vụ phổ biến như Google, YouTube, nhóm của Huy tiếp tục triển khai kết nối Internet qua vệ tinh. Ở Việt Nam, mọi người có thể xem YouTube theo thời gian thực, còn tại châu Phi, đây là điều xa xỉ vì đường truyền Internet quá yếu. Để giải quyết vấn đề này, ban đêm các hệ thống ở Mỹ sẽ đẩy kho nội dung lên trên vệ tinh, ban ngày các nội dung này sẽ "dội" ngược xuống châu Phi để người dùng có thể xem.

"Trong dự án đó, tôi phải lập trình làm sao để khi ‘dội’ nội dung từ vệ tinh xuống, nó phải đúng khu vực có người dùng. Tôi cũng phải đoán xem ở đó họ thích những nội dung gì để chuẩn bị trước", Huy nói. Ngoài ra, đội của anh còn triển khai nhiều dự án nổi tiếng khác như Google Station, cung cấp Wi-Fi miễn phí cho hàng chục triệu người Ấn Độ, Indonesia , Philippines và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tháng 5/2017, Huy Nguyễn được bổ nhiệm thành quản lý cấp cao trẻ tuổi nhất ở Google khi mới tròn 30.

Tháng 5/2017, Huy Nguyễn được bổ nhiệm thành quản lý cấp cao trẻ tuổi nhất ở Google khi mới tròn 30.

Sau khi rong ruổi khắp thế giới từ châu Phi đến Nam Mỹ, Ả Rập, Ấn Độ, Philippines, Indonesia... để xây dựng hệ thống Internet, năm 2016, anh quay về Mỹ dẫn dắt dự án Google Fiber Operations System - mạng cáp quang Internet 1 Gbps đến hơn 1 triệu người dùng ở Mỹ. Sau thành công của dự án, tháng 5/2017 anh được bổ nhiệm lên level 6, trở thành quản lý cấp cao trẻ tuổi nhất của Google lúc bấy giờ.

Giai đoạn sau, với vai trò là quản lý, anh không đi khắp nơi để triển khai các dự án hạ tầng nữa nhưng vẫn bay qua lại Đài Loan, Thuỵ Sĩ, Mỹ để điều hành các nhóm. Đây cũng là cơ duyên để anh bén duyên và quay về Việt Nam lập nghiệp.
Covid-19 và duyên nợ với Việt Nam

"Trong giai đoạn 2017-2019, mỗi khi ở Đài Loan, cứ thứ 6 xong việc, tôi bay về Việt Nam vài hôm rồi mới trở lại Mỹ. Khi nghĩ về nguồn cội, mình là người Việt, đã làm nhiều thứ cho thế giới thì cũng có thể làm cho Việt Nam. Khi đó, tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về việc có nên quay về quê hương để khởi nghiệp", Huy nói.

Dù ý định quay về luôn thường trực, sức hút ở Google quá lớn khiến Huy phải đấu tranh rất nhiều trong hơn hai năm. Khi nghe về dự định của anh, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đều ngăn cản. Thời gian này, anh tiếp tục làm việc tại Google và đồng sáng lập KardiaChain - công ty khởi nghiệp về Blockchain đặt trụ sở tại London.

Sáng lập KardiaChain

Bước ngoặt xảy đến vào cuối 2019, KardiaChain chuyển trụ sở về Việt Nam. Lúc này Huy quyết định dành ra ba tháng ở hẳn Việt Nam vừa để hỗ trợ công ty vừa để xem mình có thật sự phù hợp để ở lại khởi nghiệp. "Tính toán rất nhiều nhưng tôi nghĩ cũng là duyên số. Đầu năm 2020, dịch bệnh diễn ra trên khắp thế giới. Khi đó, Việt Nam là một trong những nơi an toàn nhất nên khi tôi chuyển về, gia đình cũng không phản ứng mạnh", Huy kể lại.

Khi quyết định về nước "ở thử", ngôi nhà bên Mỹ của anh có người mua. Sau khi quay về Mỹ làm thủ tục pháp lý, công ty có việc gấp cần bay sang Anh. Anh vừa đặt chân đến sân bay London cũng là lúc có lệnh phong toả toàn quốc. Không thể trở lại Mỹ, cũng không vào được châu Âu, anh bị kẹt lại sân bay London. Không chần chừ lâu, anh quyết định đặt vé bay về quê hương, đây cũng là chuyến bay cuối cùng trước khi Việt Nam phong toả diện rộng.

"Mọi thứ mình đều tính toán, lựa chọn rất nhiều trong vài năm trời. Nhưng mãi vẫn không có cú hích đủ lớn cho đến khi dịch bệnh nổ ra, Việt Nam lại thành điểm đến an toàn và giang tay đón mình. Việc về nước vừa là mong muốn cá nhân cũng vừa là duyên số", Huy nói.

Sau khi về nước, anh tập trung phát triển KardiaChain trở thành nền tảng blockchain liên chuỗi đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á. Nền tảng được Yahoo Finance bình chọn trong top những công ty công nghệ xu hướng năm 2021.
Niềm tin vào blockchain

Huy cho biết bản thân anh đã dùng blockchain từ năm 2015 khi triển khai các dự án của Google. "Tôi đến với blockchain một cách rất tự nhiên. Khi triển khai các dự án đấu thầu tần số, các nhà mạng cần một hợp đồng thông minh để tự động ghi nhận các giao dịch, tính toán. Blockchain giải quyết được vấn đề này một cách minh bạch, tiết kiệm", CTO của KardiaChain kể.

Đến 2020, khi các dự án về tiền mã hoá, game NFT nổi lên, người dùng biết đến blockchain nhiều hơn. Nhưng từ góc độ cá nhân, Huy Nguyễn tin rằng công nghệ này sinh ra để giải quyết những vấn đề lớn hơn cho con người, chứ không phải tiền mã hoá. Đến khi về Việt Nam, niềm tin của anh càng được củng cố.

Quản lý cấp cao bỏ Google về Việt Nam khởi nghiệp

Cựu quản lý cấp cao của Google cho rằng ở Việt Nam, người dùng có thể truy cập Internet một cách dễ dàng. Đó là lý do người Việt tham gia vào xu hướng tiền điện tử rất nhiều, nhưng hệ thống ngân hàng chưa theo kịp để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là cơ hội của những người làm blockchain.

Anh lấy ví dụ ở Mỹ, khi đến ngân hàng nói chuyện về blockchain, họ hiểu ngay rằng công nghệ này sẽ giúp ích rất nhiều cho họ. Nhưng họ không sẵn sàng thay đổi vì đã có sẵn một hệ thống kỹ thuật được xây dựng trong nhiều thập niên. Chi phí để đập đi, xây lại tốn kém hơn nhiều so với ứng dụng công nghệ mới. "Nhưng Việt Nam lại khác, nền tảng công nghệ vẫn còn rất mới, cái gì tốt sẽ được đón nhận. Doanh nghiệp khi chuyển đổi số có quyền lựa chọn dùng blockchain hoặc không. Nếu muốn tự động hoá, minh bạch, công nghệ này rất tốt. Trong khi công ty Mỹ phải thay đổi hạ tầng mới có thể sử dụng, ở Việt Nam có thể áp dụng được ngay. Đây là lợi thế đặc biệt của Việt Nam so với quốc tế khi triển khai blockchain", Huy nhận định.

Đồng sáng lập của KardiaChain chỉ ra lợi thế thứ hai của blockchain là Việt Nam đang trong giai đoạn "cởi mở" với nhân tài nước ngoài quay về quê hương lập nghiệp. "Nó chính là câu chuyện trước đây của Trung Quốc khi Jack Ma thành lập Alibaba, Robin Li về nước xây Baidu. Đây là cơ hội tương tự để người Việt trên khắp thế giới trở về quê hương khởi nghiệp. Kỷ nguyên AI đã bắt đầu được khoảng 5 năm nhưng tương lai tiếp theo của công nghệ là blockchain mới chỉ bắt đầu. Cơ hội còn rất lớn cho tôi và mọi người", Huy nói.
Từ khi về nước, Huy Nguyễn là gương mặt quen thuộc trong các sự kiện công nghệ lớn của Việt Nam.

Theo anh, blockchain nói riêng và công nghệ nói chung không phải sản phẩm mà là cái để biến sản phẩm trở nên mạnh mẽ hơn. Anh cho rằng một công nghệ thật sự đi vào cuộc sống khi mọi người dùng nó mà không nghĩ về nó quá nhiều. "Ví dụ khoảng vài năm trước đây, mọi người nghe nói về AI là thứ gì đó rất ghê gớm, như trong phim viễn tưởng. Nhưng giờ AI đã len lỏi khắp mọi mặt cuộc sống một cách rất tự nhiên, từ chụp một tấm hình cho đến tìm kiếm từ khoá trên Google. AI đi trước blockchain khoảng 5-10 năm nhưng tôi tin chỉ vài năm nữa thôi, công nghệ này cũng phổ biến trong đời sống chứ không chỉ là tiền mã hoá".

Các giải pháp từ blockchain

Các giải pháp từ blockchain của KardiaChain đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam từ giải trí, sức khoẻ cho tới ngân hàng, logictics... với những đối tác lớn như LG, Yeah1, Fado, Bitis, Cổng trời...

Theo Huy Nguyễn, dù có nhiều dư địa để phát triển, blockchain ở Việt Nam cũng đối mặt nhiều thách thức. Một trong số đó là đặc thù về văn hoá. Tốc độ đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp Việt thường trì trệ hơn mặt bằng chung. Ngoài ra, nhân sự làm blockchain cũng không nhiều. "Chúng ta có nhiều người giỏi về phân tích, đầu tư tiền mã hoá nhưng lại thiếu người thật sự hiểu về công nghệ nền tảng bên dưới nó. Vì thế, nhiều dự án sinh ra, huy động vốn cộng đồng nhưng cuối cùng không thể đi đến cùng và sinh ra nhiều vấn đề đáng tiếc về lòng tin", anh nhận định.

Một vấn đề khác là định kiến. Anh kể: "Khi tôi triển khai các dự án hạ tầng ở Philippines, Indonesia, người dân ở đó biết kiến trúc sư trưởng là người Việt Nam thì họ vô cùng tin tưởng. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta lại nghi ngờ chính chúng ta. Do đó, nhiều nhóm blockchain trong nước cứ âm thầm làm đến khi được thế giới công nhận mới dám công khai mình là người Việt".

Huy Nguyễn không đặt nặng kỳ vọng KardiaChain sẽ trở thành công ty tỷ USD hay kỳ lân công nghệ. Mong muốn của anh là xây dựng được sản phẩm nền tảng để bất kỳ doanh nghiệp nào của Việt Nam muốn tự động, minh bạch, muốn sử dụng blockchain cũng có thể dùng được ngay. "Đó là sản phẩm của người Việt, do người Việt xây dựng với chi phí rẻ nhất. Con số KardiaChain hướng đến không phải định giá công ty bao nhiêu, mà là sẽ có bao nhiêu người được hưởng lợi từ công nghệ, bao nhiêu doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái blockchain. Từ đó giá trị công ty sẽ đi lên. Và từ Việt Nam, chúng tôi sẽ nối dài giấc mơ, đưa blockchain vươn tầm khu vực rồi thế giới để cuộc sống trở nên thuận tiện hơn nhờ công nghệ", Huy Nguyễn cho hay.

Fivestar: 
No votes yet