Ông Tú Nguyễn và ông Đặng Nam Hải - Giám đốc đổi mới sáng tạo và Giám đốc sản phẩm kỹ thuật tại Ohmnilabs Việt Nam tiếp nối hội thảo với chủ đề "Sống cùng trợ lý robot" tại Tech Awards 2018
Cách đây 68 năm, chú robot đầu tiên trên thế giới được ra mắt. Trải qua những phát triển vượt bậc của công nghệ, ngày nay không khó để chúng ta bắt gặp tin tức, trải nghiệm khả năng làm việc của những trợ lý robot đa nhiệm, trí tuệ. Tương lai thế giới sẽ diễn ra như thế nào khi con người sống cùng những trợ lý robot?
Diễn giả tiếp theo gây bất ngờ khi mang một chú robot lên sân khấu. Robot này được gọi là Ohmni, có thể tự động di chuyển và nghe theo khẩu lệnh của ông Hải. Khán giả vỗ tay reo hò khi ông Hải ra lệnh cho robot Ohmni di chuyển vòng quanh sân khấu để chào khán giả.
Consumer robots Ohmnilabs
Khi ông Hải ra lệnh cho Ohmni nghỉ ngơi, đứng sang một bên để ông tiếp tục trình bày, chú robot đã từ từ di chuyển sang một bên sân khấu.
Các tiêu chí của một robot: Giá cả phải chăng để tiếp cận thị trường, thân thiện, an toàn với con người, đáp ứng nhu cầu thiết thực trong đời sống hiện tại. Ohmni cho phép mọi người có thể kết nối và điều khiển, như các bạn đang thấy người đang kết nối là một đồng nghiệp của tôi, robot cho phép người dùng kết nối ở bất cứ đâu chỉ cần có Internet.
Ông Đặng Nam Hải - Giám đốc kỹ thuật tại Ohmnilabs Việt Nam
Ứng dụng quan trọng nhất là kết nối gia đình. Có nghĩa là thời đại hiện nay, người trẻ thường tự lập khá sớm, sống tách khỏi gia đình và nhu cầu kết nối rất quan trọng. Họ mua con robot này để gửi về cho người thân ở xa, bất cứ lúc nào muốn trò chuyện thì kết nối, điều khiển đi vòng quanh nhà để tìm thấy và trò chuyện với người thân.
Thiết kế thông minh của robot với màn hình hiển thị người điều khiển từ xa, đặt ở vị trí ngang tầm mắt người. Khi cần Ohmni có thể gật đầu theo người điều khiển, tạo cử chỉ gần gũi, làm cho người đối diện cảm thấy như đang trò chuyện trực tiếp với người thân.
Ông Hải trình chiếu video ngắn về cuộc sống của một gia đình có robot Ohmni.
Video mở đầu bằng những cảnh sinh hoạt bình thường của hai bố con, với những hoạt động đánh răng rửa mặt, đọc truyện trước khi ngủ...
Khi bố không có ở nhà, robot Ohmni đóng vai trò như một "người đại diện" cho ông bố, giao tiếp với cô con gái, trò chuyện cùng em và di chuyển vòng quanh nhà để người ở nhà có thể nhìn thấy ông bố thông qua màn hình của Ohmni.
Nhờ sự trợ giúp của Ohmni, ông bố không phải bó lỡ bất cứ sự kiện nào trong nhà như khi cô con gái đạt được huy chương, họp mặt gia đình, trò chuyện với con trước khi ngủ... Mỗi khung giờ sinh hoạt của con đều như có sự hiện diện của bố.
Nhờ Ohmni mà một khách hàng đã phát hiện và gọi trợ giúp khi mẹ mình xảy ra sự cố, cứu sống mẹ mình, bên cạnh lĩnh vực sức khỏe, Ohmni còn ứng dụng thành công trong các lĩnh vực khác như giáo dục, giúp các đơn vị giảng dạy từ xa, kết nối lớp học của mình, giảng dạy kiến thức AI. Đặc biệt, Ohmni còn cùng với nhóm phát triển tại Australia tham gia dự án giúp trẻ em không thể đến trường có cảm giác như mình đang ở trường. Các em thường mắc các bệnh phải ở trong các môi trường đặc biệt, nhờ Ohmni mà các em có cảm giác mình được tham gia vui chơi, học tập với các bạn. Giúp các em có nghị lực vượt qua bệnh tật, tái hòa nhập khi trở lại trường học.
Ohmni nhìn rất đơn giản, tạo cảm giác an toàn cho người đối diện. Điểm đặc biệt của nó là: sử dụng công nghệ in 3D, giúp cải tiến sản phẩm cực kỳ nhanh, không cần trải qua những giai đoạn sản xuất số lượng lớn mới đạt được hiệu quả. Trong 3 năm đã có 15 thế hệ robot, thế hệ sau luôn có cải tiến so với đời trước dựa trên phản hồi người dùng, nhu cầu thực tế.
Ohmnilabs Việt Nam
Từng được biết đến với việc là một trong những người trẻ nhất nhận bằng Tiến sỹ Khoa học máy tính tại Đại học Stanford cùng vai trò đồng sáng lập nhiều startup công nghệ (trong đó có hai startup được Google và Weeby.co mua lại), Vũ Duy Thức giờ đây lại tiếp tục con đường khởi nghiệp của mình với OhmniLabs – startup robot thành lập vào tháng 8/2015 tại Thung lũng Silicon đã xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện truyền thông tại Mỹ như New York Times, CNN, Techcrunch,... thời gian gần đây.
Anh Thức cũng cho biết dự kiến ở các phiên bản sau, Ohmni sẽ được phát triển thêm các tính năng mới như hỗ trợ người già nâng đỡ đồ vật, mở cửa, bật tắt đèn, giặt quần áo, quét dọn nhà cửa hay xa hơn nữa là chăm sóc sức khỏe. Những tính năng như đo và theo dõi nhịp tim, huyết áp, lượng đường trong máu,… sẽ giúp người cao tuổi và con cháu ở xa theo dõi sức khỏe một cách nhanh gọn mà không cần phải mua về quá nhiều máy móc hay tới bệnh viện liên tục.
Một điều thú vị khác là Ohmni ngay từ đầu đã được tạo ra như một nền tảng mở qua OhmniAPI – API được thiết kế giúp cho việc lập trình robot trở nên nhanh chóng như phát triển web app. Các doanh nghiệp và nhà phát triển bên ngoài hoàn toàn có thể xây dựng các ứng dụng đồng bộ vào phần mềm của Ohmni. Hiện tại, robot Ohmni đã được đồng bộ với trợ lý ảo Alexa trên Amazon Echo để thực hiện các tác vụ tự động trong nhà khi không có cuộc gọi.
OhmniLabs cũng vừa thông báo chính thức nhận vốn từ Monk’s Hill Ventures - một trong những quỹ đầu tư hàng đầu Singapore vào ngày 12/4 vừa qua.