Khanh Hoang - Kenn
Kenn is a user experience designer and front end developer who enjoys creating beautiful and usable web and mobile experiences.
Là admin của một fan page, ai cũng muốn có được thật nhiều fan trung thành, từa lưa like và tá lả comment. Thế nhưng làm sao để chinh phục trái tim của họ ? 4 cách cơ bản dưới đây sẽ giúp bạn có được thật nhiều fan “chất”.
1. Fan Page cũng là một “con người
Sai lầm thường thấy của bất cứ doanh nghiệp nào khi bắt đầu sử dụng fan page để tiếp thị đó là chưa “nhân cách hoá” thương hiệu của mình. Bản chất của mạng xã hội là nơi chúng ta liên kết, chia sẻ và vui vẻ với nhau. Phải nhấn mạnh là người dùng chủ yếu lên facebook để giải trí và xây dựng mối quan hệ. Chính vì vậy thương hiệu cũng phải là một con người thì các facebook user mới muốn liên kết. Không ai muốn nói chuyện và like với một cái máy bán hàng tự động phải không nào.
Dẫu rằng mục tiêu sau cùng của mọi doanh nghiệp vẫn là bán được hàng và có doanh số. Ok, cứ cho rằng bạn rất muốn bán hàng thông qua Social Media, nhưng bạn cũng đừng quên một điều quan trọng rằng: "People love to buy but hate to be sold"
Vì vậy, một thương hiệu thành công trên facebook phải là một thương hiệu biết bước ra khỏi phạm vi của cái Logo để trò chuyện và thể hiện tính cách của mình với người dùng facebook. Hãy để cá tính của thương hiệu chảy trong từng nội dung mà bạn post. Đừng quá khô cứng và giao tiếp như một người bán hàng truyền thống. Có như vậy khách hàng sẽ cảm thấy bạn đang tâm giao và giúp họ giải quyết những vấn đề vướng mắc của họ chứ không chỉ đơn thuần là bán hàng.
Để thực hiện được chiến lược này, đầu tiên bạn cần xác định được tính cách của thương hiệu. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chủ thương hiệu. Theo kinh nghiệm cá nhân thì các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí chỉ là 1 shop be bé sẽ làm điều này tốt và nhanh nhất. Các doanh nghiệp lớn thì thông thường có khá nhiều người muốn chi phối tính cách thương hiệu, vì vậy để tìm ra tính cách chủ đạo cần rất nhiều cuộc họp cũng như ban bệ vào cuộc và dĩ nhiên là…mất khá nhiều thời gian (có khi cũng chưa đi đến đâu).
Sau đó trong quá trình sản xuất nội dung, bạn có thể áp dụng tỉ lệ 80/20. 80% khối lượng nội dung của bạn sẽ xoay quanh chủ đề về sản phẩm, dịch vụ. 20% chủ đề còn lại sẽ cho thấy một bộ mặt khác của thương hiệu với những nội dung phá cách từ chủ đề sản phẩm của mình.
Hãy để cá tính của thương hiệu chảy trong từng nội dung mà bạn post
Nếu bán gấu bông bạn có thể chia sẻ hình ảnh của một chú gấu bông to và độc nhất thế giới, nếu bạn bán đồ handmade bạn có thể chia sẽ những tác phẩm nghệ thuật bằng giấy (origami)…với fan để cùng nhau thưởng thức….hay thậm chí bạn có thể chia sẻ các hình ảnh offline, sự kiện, các hoạt động xã hội của nhân viên công ty hoặc shop… Dẫu sao, một thương hiệu cũng được tạo ra từ những con người mà phải không nào.
Người điều khiển fan page cần có trí tưởng tương và một chút “bựa” để có thể vừa “đùa giỡn” với fan mà vẫn hướng họ vào sản phẩm và dịch vụ của mình.
2. Phong phú về nội dung
Nếu bạn không có nội dung để chia sẻ thì đừng nghĩ tới việc làm fan page. Và nếu chỉ muốn dùng wall để show hàng hoá thì cũng khó lòng thành công.
Để chuẩn bị cho chiến lược nội dung bạn cần 3 công đoạn cơ bản:
Nguồn nội dung (Nếu bạn không phải là người có khả năng sáng tạo nội dung)
Trí tưởng tượng kèm một chút “bựa”: để có thể biến tấu nội dung và tạo ra nhiều sự bất ngờ cho fan. Người làm nội dung cần biết khơi gợi và khiến cho fan phải bấm like và comment. Điều đó hoàn toàn tuỳ thuộc vào khả năng thiên phú của chính bạn đó.
Lịch trình: Bạn không thể post một cách vô tổ chức mà cần lập một lịch post nội dung cụ thể để đón đầu những đợt sóng người dùng và tạo hiệu ứng lan truyền tốt nhất. Bạn có thể tham khảo loạt bài viết về Thuật toán Edge Rank để hiểu rõ hơn về cơ chế viral của Facebook.
3. Giao tiếp 2 chiều
Khi đã có nội dung và post lên, bạn còn cần phải có trách nhiệm với nội dung đó. Đừng nghĩ rằng chỉ cần post nội dung lên wall là xong. Social Media là một quá trình giao tiếp hai chiều. Bạn phải trò chuyện với fan xoay quanh nội dung mà mình đã post. Đó cũng có thể coi là là phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp trên môi trường Social Media.
Mỗi khi post xong một nội dung, dù có bận rộn đến mấy, bạn cũng phải nán lại một chút để sẵn sàng đỡ comment, điều phối thảo luận và trả lời các câu hỏi của fan. Đây là một công việc nghiêm túc và cần thiết, bạn không nên xem nhẹ. Không phải ở môi trường nào bạn cũng có cơ hội tiếp xúc mật thiết với fan như ở trên facebook, vì vậy hãy tận dụng lấy cơ hội này.
Cơm thêm: Mạng xã hội là nơi người dùng dễ dàng cởi mở và thể hiện ý kiến cá nhân. Vì vậy, trong mỗi nội dung post, bạn nên có những câu hỏi hay yêu cầu kích thích fan biểu lộ ý kiến chủ quan của mình. Bạn sẽ tìm hiểu được rất nhiều điều về tâm lý của khách hàng khi lắng nghe quan điểm của họ.
4. Kết nối Fan với Fan
Đỉnh cao trong nghệ thuật phát triển Fan Page là khi bạn biến nó trở thành nơi mà fan luôn tìm đến để chia sẻ nội dung và kết nối với những fan khác. Khi đó chính fan đang tự nguyện góp sức vào việc xây dựng và viral cho thương hiệu của bạn đấy.
Để có được thành công đó, bạn phải bắt đầu từ những bước đi đầu tiên đó là hãy trở người trung gian kết nối fan với nhau. Hãy bắt đầu tìm ra những fan ruột, năng động, hay đóng góp cũng như “tám” khoẻ nhất trong fan page và “biểu dương” họ một cách chính thức trên wall.
Bạn có thể phỏng vấn và nói về những điểm đặc biệt ở các fan ruột này. Thậm chí, bạn lại càng nên làm việc này nếu họ là những người có ảnh hưởng trong cộng đồng. Điều đó sẽ có ảnh hưởng 2 chiều:
Thứ nhất: về phía fan được “tuyên dương”, họ sẽ cảm thấy ấm lòng và happy khi được “show off” trước rất nhiều fan khác, một cách tưởng thưởng hợp lý.
Thứ hai: Các fan khác sẽ tò mò và muốn thử trò chuyện, tìm hiểu những người này. Nếu fan mà bạn “show off” là người nổi tiếng thì thôi không cần phải nói gì nữa. Họ sẽ y hệt như “hũ mật ong” và hút các fan khác vào cuộc trò chuyện.
Cứ như vậy bạn đã vô hình “huấn luyện” cho các fan thói quen “tám” với nhau. Không khí gia đình sẽ bắt đầu xuất hiện và bạn cần phải là người giữ lửa cho mái ấm này. Là môt admin, bạn sẽ thấy cực kì hạnh phúc khi nhìn thấy mọi người hồ hởi và nhiệt tình trao đổi với nhau về các nội dung mà bạn đưa lên.