Việc Microsoft giới thiệu MTB Surface cho thấy hãng đã sẵn sàng cải tổ mô hình kinh doanh. Với nguồn lực tài chính chênh lệch đến 60 tỉ USD so với các đối thủ, Microsoft đang có rất nhiều lợi thế.
Steve Ballmer trong buổi giới thiệu MTB Surface tại Los Angeles, California, Mỹ
Sự thành công của Microsoft trong 3 thập kỉ vừa qua chủ yếu dựa vào sự liên kết giữa hãng (mà ở đây là Windows) với Intel, tạo nên một mạng lưới Wintel phát triển mạnh, bao gồm cả các đối tác OEM cũng như các bên liên quan khác.
Các thống kê cho thấy, lợi nhuận từ kinh doanh máy tính để bàn đã đạt đỉnh điểm vào năm 2010, trong đó 90% con số lợi nhuận đến từ Microsoft. Và báo cáo quý gần đây cũng cho biết, tài sản của Microsoft đang sở hữu là 118 tỉ USD, xếp theo sau là Apple và HP với 59,5 tỉ USD, nghĩa là hãng đã hơn các đối thủ của mình đến 60 tỉ USD.
Theo hãng phân tích Cooper thì Microsoft sẽ cạnh tranh với Apple trong lĩnh vực phát hành các sản phẩm có kiểu dáng thiết kế đẹp mắt (đã thấy ở Surface) cũng như Windows Phone 8, nền tảng tiếp theo của Windows Phone với nhiều tính năng mới, chẳng hạn như hệ thống thanh toán di động hoàn chỉnh nhất.
Chắc chắn, mục tiêu cạnh tranh chính của Microsoft là Apple, thậm chí các đối tác OEM cũng nằm trong danh sách của Microsoft. Mặc dù vậy, theo các phân tích thì Surface có thể là một nỗ lực của Microsoft để khuyến khích các đối tác OEM đẩy mạnh thiết kế sản phẩm có phần cứng tốt hơn để phục vụ cho Windows 8; và hãng có thể thoát khỏi việc kinh doanh phần cứng ngay khi các đối tác OEM đáp ứng được điều mà Microsoft mong mỏi.
Trong thời kì hậu PC, tiếp cận với khách hàng là điều mà nhiều công ty cần phải nghĩ đến. Đó là cách duy nhất để đảm bảo một trải nghiệm khách hàng tốt hơn giống như những gì mà Apple đã làm để chứng minh lợi thế trong khả năng cạnh tranh của mình.
Apple đạt được điều này bằng cách thiết kế phần cứng và phần mềm tích hợp một cách liền mạch, thực hiện kiểm soát chặt chẽ toàn bộ hệ sinh thái của mình, bao gồm bán hàng, phân phối, dịch vụ, hỗ trợ và thậm chí cả các đối tác nhà cung cấp dịch vụ. Ngược lại, cho đến bây giờ Microsoft mới chỉ theo đuổi một chiến lược về cấp phép phần mềm đến các nhà cung cấp phần cứng, duy trì kiểm soát một cách khiêm tốn các sản phẩm cũng như trải nghiệm người dùng.
Microsoft sẽ hướng đến một hệ sinh thái như Apple đã và đang thực hiện
Một trong những yếu tố chiến lược mới của Microsoft chính là xây dựng một hệ sinh thái tốt để mang đến trải nghiệm mới cho người dùng. Rõ ràng, hiện tại khách hàng đang ưa chuộng phong cách thiết kế thanh lịch và khả năng tương tác cùng các ứng dụng tuyệt vời, nội dung hấp dẫn của Apple, nguyên nhân khiến khách hàng rất trung thành với quả táo. Đổi lại, Apple lại mất đi sự hỗ trợ từ các đối tác OEM trong việc phân phối sản phẩm phần cứng của mình.
Và để bắt đầu hướng đi mà Apple đã làm, Microsoft đã công khai cạnh tranh khách hàng với các đối tác OEM phần cứng lâu năm của mình, bao gồm Lenovo, Acer, Dell và HP. Đó quả là tin khủng khiếp dành cho các đối tác OEM của hãng.
Microsoft cũng sẽ tiến hành di dời các nhà phân phối và đại lí, đáp ứng nhu cầu về thời gian cũng như địa điểm tốt nhất dành cho khách hàng. Sẽ mất thêm vài năm nữa để Microsoft có thể bổ sung các cửa hàng bán lẻ thay thế các đại lí, tạo ra mối quan hệ khắng khít với khách hàng cũng như các dịch vụ cao hơn, nhưng điều này sẽ sớm xảy ra.
Tuy nhiên, hãy nhớ trong thời gian qua cũng không ít công ty đã không thực sự thành công trong lĩnh vực di chuyển sang một mô hình kinh doanh mới. Trong số này không thể không nhắc đến IBM, một công ty chuyển đổi từ kinh doanh phần cứng truyền thống sang phát triển dịch vụ cho doanh nghiệp. Nhưng với một chiến lược lâu dài Microsoft có thể đứng vững trong thời kì hậu PC, tác động đến các đối tác là đều Microsoft muốn hướng đến.
[Theo Thế giới @]