Drupal Consultant
Started my career as a drupal8 developer in EM Solutions . I love learning Web technologies like HTML, CSS, PHP, Jquery Ajax and Drupal backend . Currently working as a drupal backend developer.
Theo luật sư Jeff Ifrash (Hội Luật sư Mỹ), cáo buộc của FBI với Megaupload tương tự như vụ kiện không thành của Viacom đối với YouTube về khoảng 160.000 nội dung vi phạm bản quyền hồi năm 2010.
Ngày 19/1, Cục điều tra Liên bang Mỹ FBI đột ngột đóng cửa trang chia sẻ dữ liệu Megaupload. Ông chủ trang này là Kim Dotcom cũng bị bắt vì tội danh vi phạm bản quyền, rửa tiền và kiếm tiền phi pháp. Sự việc xảy ra sau khi nhiều website đồng loạt ngừng hoạt động nhằm phản đối dự luật SOPA (Chống vi phạm bản quyền trên mạng) và PIPA (Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) của Mỹ.
Các công tố viên Mỹ cho rằng nội dung trên Megaupload phần lớn đều vi phạm bản quyền, gây thiệt hại khoảng 500 triệu USD cho các nạn nhân nhưng lại giúp ông Dotcom kiếm được 175 triệu USD kể từ năm 2005. Theo họ, một số tài liệu bị cho là vi phạm bản quyền trên Megaupload đã được lưu tại các máy chủ của trang web này ở Virginia (Mỹ). Sự việc đang được tiến hành điều tra.
Về phần mình, ông Dotcom khăng khăng đây là hoạt động kinh doanh hợp pháp bởi họ thu tiền từ quảng cáo và các khoản phí thành viên cho người sử dụng.
Nếu Megaupload bị chứng minh là phạm luật thì sự việc này sẽ có thể trở thành một ví dụ về cách các cơ quan thực thi luật pháp truyền thống giải quyết vấn đề liên quan tới các trang chia sẻ tài liệu.
Tuy nhiên, luật sư Jeff Ifrash cho biết: “Chính phủ Mỹ dường như bỏ qua một thực tế rằng các trang chia sẻ nội dung nổi tiếng khác đã thành công trong việc tự bảo vệ mình trước những vụ kiện dân sự bằng cách sử dụng điều khoản của Đạo luật Bản quyền kĩ thuật số Thiên Niên kỷ (DMCA) của Mỹ”. Theo Đạo luật này, một trang web sẽ được miễn truy cứu nếu họ không nắm được thông tin về những tài liệu vi phạm bản quyển mà các thành viên tải lên, đồng thời nhanh chóng dỡ bỏ các nội dung đó sau khi nhận được thông báo từ người giữ bản quyền hay các cơ quan chức năng.
Như vậy, các công tố viên buộc phải chứng minh được rằng DMCA không có hiệu lực trong trường hợp của Megaupload. Song ông Ifrah cho rằng chưa thể khẳng định rằng việc không dỡ bỏ một số nội dung của Megaupload là phạm pháp, bởi có thể họ không nhận được thông báo vi phạm, hoặc chưa đồng tình với những yêu cầu này.
Sau khi FBI đóng cửa Megaupload, người sử dụng khi truy cập vào trang này chỉ nhận được thông báo về việc trang web “bị thu hồi theo quyết định do Tòa án Tối cao Mỹ ban hành”, mà không có bất cứ thông tin chỉ dẫn về nơi lưu trữ tài liệu hay kho hình ảnh cá nhân của họ.
Phát biểu với tờ Sydney Morning Herald (Úc) , giảng viên Steve Chu bức xúc: “Nó giống như thể tịch thu điện thoại của mọi người chỉ vì những kẻ khủng bố cũng sử dụng chúng”. Ông cho biết ông không thể tiếp cận với các tài liệu hợp pháp mà ông tải lên để chia sẻ cho các sinh viên của mình.
Tuy nhiên, Bộ Tư Pháp Mỹ lại cho rằng điều khoản dịch vụ của Megaupload đã cảnh báo người sử dụng phải tạo bản lưu dự phòng cho tài liệu của mình.
Theo Pirate Party, một tổ chức chính trị quốc tế đấu tranh vì tự do thông tin, sự việc này là “không công bằng và hoàn toàn không xứng với mục tiêu đề ra”.
Họ đã lên kế hoạch nộp đơn khiếu nại chống lại các cơ quan chức trách Mỹ “ở tất cả các nước có thể, nhằm đảm bảo một kết quả tích cực và công bằng”. Tổ chức này cũng đang kêu gọi người dùng Megaupload liên kết với nhau để cùng kiện ngược lại FBI vì quyết định đóng cửa trang này “đã làm gián đoạn việc truy cập hàng triệu tài liệu lưu trữ của các tổ chức, cá nhân, đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng về hình ảnh, lợi ích kinh tế và các vấn đề riêng tư của nhiều người”.