Sổ tay sinh hoạt năm học 2015-2016 phát cho học sinh của trường THPT công lập Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình) ngoài nội quy về trường lớp quen thuộc, còn có nội dung 'Những điều cần lưu ý khi lên Facebook'.
Mục "Những điều cần lưu ý khi lên Facebook" ghi trong Sổ tay sinh hoạt năm học 2015-2016 phát cho mọi học sinh của THPT Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình) ghi rõ các lưu ý:
1. Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những thứ viết tắt (...). Phải sử dụng ngôn ngữ trong sáng, thuần Việt.
2. Tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai.
3. Chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm. Bởi vậy, cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh.
4. Tuyệt đối không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status. Bởi vậy viết status phải rõ ràng.
5. Facebook cũng là nơi thể hiện được sự văn hóa của mỗi cá nhân, bởi vậy nên cân nhắc kỹ trước khi lên like vào một comment nào đó, hoặc viết status thể hiện tâm trạng của bản thân.
6. Facebook không phải là nhật ký, bởi thế mọi riêng tư không nên đưa lên Facebook".
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Vinh, Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Đức Cảnh cho biết, năm học 2015-2016 lần đầu tiên nhà trường bổ sung "Những điều lưu ý khi sử dụng Facebook" trong sổ tay sinh hoạt phát cho học sinh để giúp các em sử dụng mạng xã hội đúng với mục đích trong sáng, thuần túy. Điều này xuất phát từ thực trạng có nhiều học sinh lên mạng xã hội để nói xấu thầy cô, bạn bè hoặc đưa thông tin không có thực, không lành mạnh... rồi xảy ra mâu thuẫn. Bản lưu ý không phải nội quy nhà trường.
Lưu ý khi lên Facebook dành cho học sinh THPT Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình). Ảnh chụp màn hình.
Bản lưu ý học sinh của THPT Nguyễn Đức Cảnh nhận được nhiều phản hồi tích cực từ dư luận. Nhiều phụ huynh và chính các học sinh đều cho rằng, việc nhà trường giáo dục văn hóa sử dụng Facebook cho học trò rất thiết thực khi mạng xã hội này đã trở thành công cụ giải trí quen thuộc của giới trẻ.
"Những nội dung này rất hay và rất cần thiết, đặc biệt là điều thứ 6 khuyên mọi điều riêng tư không nên đưa lên Facebook. Theo em, các lưu ý trên sẽ giúp học sinh tránh được những mâu thuẫn không hay hoặc đơn giản là tình trạng cãi nhau trên Facebook rồi chia bè cánh gây mất đoàn kết trong lớp học", Đỗ Phương Thảo (THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) nói và kể từng chứng kiến không ít chuyện học sinh cãi vã, chửi tục, nói xấu nhau trên Facebook.
Lưu ý viết status phải rõ ràng, không nên gây hiểu nhầm, theo Thảo cũng hay, thiết thực. Bản thân em đã rơi vào tình trạng đó - viết status không rõ ràng để bị bạn giận đến mấy tháng. "Dù hơi khó quản lý, thực hiện nhưng em nghĩ nên nhân rộng bản lưu ý này đến học sinh nhiều trường hơn", nữ sinh nói.
Bùi Hải, một học sinh khác cho biết, khi học lớp 10, trong status đăng trên Facebook của em có một từ viết bậy. Em đã bị cô giáo chủ nhiệm mắng và khuyên bảo. Kể từ đó, Hải hạn chế tối đa chia sẻ những điều riêng tư không hợp với văn hóa lên trang cá nhân. Việc nhà trường có bản lưu ý văn hóa sử dụng Facebook sẽ có tác dụng định hướng, giáo dục tốt cho học trò", Hải nói.
Chị Lê Thị Phượng (38 tuổi, Hà Nội) có con học lớp 6 đã biết sử dụng thành thạo Facebook. Chị thường xuyên phải bằng cách này, cách khác, kiểm soát các hoạt động trên mạng xã hội đó của con, xem con có làm gì không đúng mà nhắc nhở. "Con kể, ở lớp mỗi giờ ra chơi các bạn lại cùng nhau vào Facebook nên tôi không thể cấm đoán vì càng cấm, trẻ càng tò mò tìm hiểu. Tuy nhiên, tôi rất lo lắng khi để con sử dụng mạng xã hội rất khó kiểm soát như thế. Việc nhà trường ra một bản lưu ý để khuyên răn, giáo dục văn hóa dùng Facebook cho các con, tôi thấy rất nên làm", phụ huynh này chia sẻ.
Bản lưu ý học sinh không nói tục, chửi bậy trên Facebook không phải lần đầu tiên xuất hiện trong trường học. Năm 2013, THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã ra quy định những điều cấm kỵ khi lên Facebook để khuyên nhủ học sinh. Hiệu trưởng nhà trường khi ấy - PGS Văn Như Cương cho biết, lý do ra quy định xuất phát từ thực tế, rất nhiều học sinh dành thời gian vào các diễn đàn và mạng xã hội, lơ là học hành, thậm chí nhiều em nghiện, nếu không có cách quản lý tốt sẽ rất nguy hiểm. Ở trường Lương Thế Vinh từng có 2 học sinh bị đình chỉ một năm học vì những phát ngôn không hay trên Facebook.
Mới đây cũng từ mâu thuẫn trên Facebook, 2 thiếu nữ 18 tuổi ở TP HCM thách đố nhau rồi kéo theo hàng trăm người gây náo loạn ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1). Hai thiếu nữ này cùng một số thành phần khác đã bị công an bắt giữ, xử phạt hành chính vì hành vi Gây rối trật tự công cộng.