Giới chuyên gia cho rằng Luna 2.0 sẽ tồn tại như một hồn ma

Giới chuyên gia cho rằng Luna 2.0 sẽ tồn tại "như một hồn ma" do tính ứng dụng kém, không khác biệt so với các nền tảng khác.

"Tôi nghĩ Terra 2.0 sẽ phải tìm ra một thị trường ngách để tiếp tục hoạt động và cạnh tranh với các đối thủ", Giáo sư Omid Malekan của trường Columbia Business School, nói với Fortune. "Nếu không, Terra mới có thể trở thành một blockchain ma, tức một blockchain tồn tại nhưng có rất ít hoặc không có hoạt động".

Ngày 25/5/2022, CEO Do Kwon của Terraform Labs đã thực hiện kế hoạch hồi sinh blockchain Terra 2.0 (token mới là Luna, còn token cũ đổi thành Lunc) sau hơn hai tuần hệ sinh thái Terra cũ là Luna và stablecoin UST sụp đổ.

Luna mới sau đó được niêm yết trên các sàn giao dịch với giá biến động lớn. Sàn Binance cũng niêm yết tiền số này ở "Khu vực đổi mới" - nơi chứa những token đặc biệt rủi ro khi đầu tư, đồng thời cảnh báo người dùng nên thận trọng.

Trong kế hoạch hồi sinh, Kwon không hề nhắc đến stablecoin nào. Điều này trái ngược với hệ sinh thái Terra đời đầu, khi token quản trị dự án Luna luôn gắn chặt với UST.

"Blockchain Terra mới sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút người dùng", Malekan nhận định. "Trong phiên bản đầu, Terra thu hút nhờ Anchor Protocol, ứng dụng cho vay và đi vay hỗ trợ lãi suất tới 20% mỗi năm, bất chấp khoản tiền gửi thế nào. Bên cạnh đó, một điểm thu hút lớn khác là UST được quảng cáo là hoàn toàn phi tập trung mà không phụ thuộc vào các ngân hàng truyền thống".

Theo ông, blockchain Terra mới hiện thiếu đi cả tính năng cho vay với lãi suất hai chữ số cũng như gắn kết với một loại tiền số ổn định. "Luna 2.0 giờ giống với bao loại tiền số khác, không có sức hấp dẫn với mọi người. Đó chính là vấn đề", Malekan nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia này, hiện tượng "blockchain ma" từng xảy ra trước đây, như với Litecoin. Trong giai đoạn đầu, Litecoin là một dự án phát triển mạnh, được đánh giá có thể cạnh tranh sòng phẳng với blockchain của Bitcoin. Tuy nhiên, theo dữ liệu của CryptoFees ngày 3/6, phí giao dịch trên toàn hệ thống chưa đến 1.000 USD - một mức rất thấp. Đây là phí được thu bất cứ khi nào người dùng giao dịch trên blockchain và là thước đo tốt cho mức độ mà blockchain đang sử dụng.

"Nếu Terra 2.0 đi theo con đường của các 'blockchain ma' khác, nó có thể tiếp tục tồn tại. Tỷ lệ sống sót của nó vẫn rất cao", Malekan đánh giá. "Nhưng để phát triển mạnh và thực sự trở thành một thế lực lớn của ngành công nghiệp tiền điện tử nói chung, đó là điều vô cùng khó".

Một số chuyên gia khác cũng có cái nhìn bi quan về Luna mới. Theo ông Eric Tran, người đồng sáng lập quỹ Maxx Capital Ventures, Luna 2.0 chỉ đơn giản là để xoa dịu cơn đau cho các nhà đầu tư đã đổ nhiều tiền vào Luna 1.0. "Về bản chất, Luna 2.0 không tạo ra được nhiều lợi ích. Các sản phẩm thuộc hệ sinh thái đều dùng Luna 1.0. Bên cạnh đó, khi Luna 2.0 không còn đồng tiền số ổn định giá (stablecoin) UST, nó không còn quá nhiều giá trị", ông Eric nói.

"Nhiều nhà đầu tư đã mất sạch tiền vào Luna thế hệ đầu tiên và khó có thể tin tưởng Terra lần thứ hai", Vijay Ayyar, đứng đầu mảng quan hệ quốc tế của sàn giao dịch tiền điện tử Luno, nói với CNBC.

Fortune cảnh báo nhà đầu tư có thể ôm hận nếu tiếp tục đầu tư vào Luna mới bởi nó giống "lỗ đen ảo" để hút tiền người chơi, đồng thời cho rằng nó có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. "Khi đó, hãy sẵn sàng cho sự xuất hiện của Luna 3.0", trang này bình luận.

Ngộ nhận về blockchain

Đầu năm 2021, chúng tôi cùng nhau lập một cộng đồng chia sẻ kiến thức dưới tên gọi Phổ cập Blockchain.

Lúc đó, chúng tôi cũng chưa rõ phải bắt đầu thế nào, phổ cập tới đâu cho ai cần. Chúng tôi đã tập hợp các chuyên gia mật mã hàng đầu tại Việt Nam, các nhà lập trình những hệ thống blockchain core, các nhà làm luật, các thợ đào crypto... và bắt đầu thảo luận.

Tôi nhớ như in, khi đề cập tới ý định viết giáo trình Phổ cập Blockchain như một nhánh của môn tin học cho cấp THPT thì một tiến sĩ mật mã phản đối kịch liệt và cho rằng đó là "một ý tưởng bệnh hoạn".

Thái độ của tiến sĩ mật mã khiến tôi nhận ra rằng blockchain bấy lâu nay vẫn là cái gì đó được định danh phức tạp, chỉ dành cho giới "tinh hoa" - những người trong ngành lập trình rất sâu. Và khi chúng tôi muốn nhìn nhận dưới góc độ đa chiều hay phổ cập thì thường vấp phải thái độ cảnh giác và hoài nghi. Có người thậm chí rời bỏ nhóm phổ cập kiến thức.

Covid-19 cùng các chính sách giãn cách xã hội là thời điểm vàng để các công ty công nghệ lên ngôi. Hành vi tiêu dùng các dịch vụ sản phẩm online có một bước tiến dài. Các chính phủ ồ ạt bơm tiền và hạ lãi suất. Blockchain là một công nghệ chạy trên nền tảng mạng Internet đã được khai thác, kích thích sự bùng nổ giá trị của một làn sóng tài sản mã hoá (crypto). Giá trị vốn hóa các sản phẩm crypto đã tăng trưởng vượt bậc cả về giá trị lẫn khái niệm mới như NFT, Metavese, web3...

Làn sóng GameFi (ứng dụng kiếm tiền qua các trò chơi) tác động to lớn tới nguồn nhân lực làm phần mềm tại Việt Nam. Mức lương lập trình blockchain hay làm đồ họa tăng gấp rưỡi rồi gấp đôi mà vẫn thiếu nhân lực. Nhân viên marketing cũng ồ ạt chuyển sang làm quản lý cộng đồng với mức lương tăng vọt. Tại Việt Nam, các công ty khởi nghiệp giật mình với những sản phẩm ứng dụng crypto của từng nhóm bạn trẻ mới chỉ manh nha thiết kế đã huy động vốn dễ dàng hàng chục hàng trăm nghìn USD. Các quỹ đầu tư bất động sản cũng hướng sang tìm hiểu đầu tư crypto...

Đáng sợ hơn là các nhóm bán đất dự án nông nghiệp hay bán đa cấp như Alibaba chuyển sang bán đồng tiền thông minh siêu lợi nhuận với lãi suất cam kết hàng tháng từ 10-20%, vượt xa mức lãi suất của các sản phẩm tài chính truyền thống. Chúng tôi gọi đó những dự án token (dãy ký tự đặc biệt định danh cho tài sản, cá nhân, giao dịch... và liên tục thay đổi) đa cấp.

Ngoài sự hưởng ứng, kỳ vọng thái quá về lợi nhuận của người đầu tư, thái độ lạc quan cũng lan toả ở hàng loạt hội thảo blockchain ở khắp nơi với những ứng dụng được kỳ vọng cao siêu như thành phố thông minh, tokenize (quy trình bảo mật tự động bằng token) đất đai siêu lợi nhuận, siêu vũ trụ... tiêu tốn rất nhiều chi phí hội họp nhưng kết quả thật thì hết sức khiêm tốn.

Theo báo cáo của KPMG năm 2021, dòng tiền mới đầu tư toàn cầu vào thị trường blockchain/crypto là hơn 30 tỷ USD, gấp sáu lần năm 2020. Câu hỏi đặt ra là thị trường Việt Nam đã hấp thụ được nguồn vốn này chính thức và không chính thức là bao nhiêu? Hay chúng ta mới chỉ tự hào là nơi có nhiều hội thảo GameFi sôi động nhất toàn cầu? Hoặc hoạt động DeFi (tài chính phi tập trung với ứng dụng blockchain) mạnh mẽ nhất? Blockchain là động lực của chuyển đổi số nhưng chính xác là bắt đầu từ sản phẩm gì nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào quá trình đó? Nếu dùng những sản phẩm đó ai cam kết đem lại giá trị cho doanh nghiệp?

Hàng loạt câu hỏi đang mở ra cho cộng đồng nghiên cứu và ứng dụng blockchain tại Việt Nam. Câu trả lời còn ở phía trước, nhưng cá nhân tôi luôn tin rằng lần đầu tiên với quyết định của Bộ Nội vụ cho phép Hiệp hội Blockchain Việt Nam được thành lập, chúng ta sẽ có câu trả lời nhanh và chính xác hơn rất nhiều trong tương lai.

Trong thời gian tới, blockchain sẽ được phổ cập kiến thức và ứng dụng tại Việt Nam, không chỉ trong lập trình, nghiên cứu từ phổ thông tới sau đại học, ứng dụng mà còn trong các chính sách. Sự tham khảo chính sách trong môi trường hội nhập quốc tế để từng bước Việt Nam có hành lang pháp lý sẽ là động lực để blockchain không còn dành riêng cho giới tinh hoa lập trình; hay bị nhầm lẫn là thuốc thần chữa bách bệnh hoặc đem lại những siêu giá trị.

Fivestar: 
Average: 5 (2 votes)