Toshiba - từ tượng đài công nghệ đến kết cục bị mua lại

Trong hơn 140 năm, Toshiba tạo ra nhiều sản phẩm đầu tiên cho thế giới, trước khi bị nhấn chìm bởi những rắc rối liên tiếp kể từ 2015.

Hôm 23/3, Hội đồng Quản trị Toshiba chấp thuận đề nghị mua lại với giá 2.000 tỷ yen (15,3 tỷ USD) từ một nhóm doanh nghiệp, dẫn đầu bởi Japan Industrial Partners (JIP). Động thái này được kỳ vọng chấm dứt nhiều năm hỗn loạn tại Toshiba với hàng loạt bê bối, từ gian lận kế toán đến sai sót trong quản trị doanh nghiệp.

Toshiba là tập đoàn đa ngành của Nhật Bản, từng sản xuất mọi thứ, từ hàng điện tử tiêu dùng đến công nghệ năng lượng hạt nhân. Hãng gây dựng tên tuổi nhờ công nghệ tiên tiến trong nhiều sản phẩm, từ máy giặt đến tủ lạnh và sau này là TV màu đầu tiên trên thế giới. Toshiba hiện là một trong những thương hiệu điện tử tiêu dùng dễ nhận diện nhất trên toàn cầu.

Hai công ty tiền thân của Toshiba

Lịch sử của đại gia công nghệ này bắt đầu từ sự ra đời của 2 công ty độc lập. Đó là Tanaka Seizo-sho (Tanaka Engineering Works) và Hakunetsu-sha.

Năm 1873, Bộ Kỹ thuật Nhật Bản - cơ quan chịu trách nhiệm hiện đại hóa nước này - đề nghị Hisashige Tanaka phát triển thiết bị điện báo. Tanaka nổi tiếng từ khi còn trẻ, nhờ tạo ra nhiều sản phẩm như búp bê có thể cử động hay đồng hồ vĩnh cửu. Năm 1875, ông xây một nhà máy ở Tokyo để sản xuất các đơn hàng của chính phủ.

Đến năm 1882, công ty Tanaka Seizo-sho được thành lập. Năm 1893, họ đổi tên thành Shibaura Seisaku-sho.

Trong khi đó, năm 1878, Ichisuke Fujioka cũng tạo ra đèn hồ quang đầu tiên của Nhật Bản khi đang học tại Trường Kỹ thuật Hoàng gia (hiện là Khoa Kỹ thuật thuộc Đại học Tokyo), với sự hướng dẫn của một giáo sư thỉnh giảng nước ngoài. Khi đó, Nhật Bản còn phải nhập khẩu toàn bộ đèn điện.

Năm 1890, Fujioka thành lập công ty Hakunetsu-sha để sản xuất bóng đèn trong nước. Năm 1899, Hakunetsu-sha đổi tên thành Tokyo Denki.

Hai công ty này đi tiên phong trong việc phát triển các thiết bị điện tại Nhật Bản, như máy phát điện chạy bằng turbine bánh xe nước hay máy phát sóng. Lĩnh vực hoạt động của họ cũng liên tục mở rộng, sang các mảng như thiết bị y tế và radio. Ở thời kỳ này, họ đã ra mắt nhiều sản phẩm đầu tiên của Nhật Bản, như quạt điện, máy giặt, tủ lạnh.

Toshiba ra đời

Cùng là thành viên của một hiệp hội, Shibaura Engineering Works và Tokyo Electric Company hợp tác trong nhiều lĩnh vực và sở hữu chéo cổ phần của nhau. Năm 1939, hai công ty sáp nhập, lấy tên ghép là Tokyo Shibaura Denki. Tham vọng của họ là trở thành một trong những công ty sản xuất máy móc cơ khí hàng đầu thế giới.

>> Nhà sáng lập Kiichiro Toyoda xây dựng Toyota từ một công ty dệt

>> Nợ rất nhục nhã, và tôi phải quyết tâm, quyết tâm trả nợ

>> Bầu Đức - tôi đi thăm chuối thăm heo về thì ngủ rất ngon

Sau Đại chiến Thế giới II, Toshiba ban đầu tập trung vào máy móc hạng nặng, sau đó chuyển sang các thiết bị nhỏ gọn hơn. Họ mở nhiều chi nhánh bán hàng và bắt đầu xuất khẩu sang Đông Nam Á.

Kinh tế Nhật Bản bùng nổ vào thập niên 50, giúp các ngành máy móc công nghiệp, điện tử và truyền thông phát triển. Doanh thu và lợi nhuận của Toshiba cũng tăng mạnh. Toshiba sau đó mở rộng việc sản xuất và chi nhánh bán hàng trên thế giới. Thời gian này, họ ra mắt nhiều sản phẩm như lò vi sóng, TV màu, nồi cơm điện. Một số công nghệ còn đi đầu thế giới, như máy đọc zip code tự động, hay điều hòa inverter dùng trong gia đình.

TV màu đầu tiên của Nhật Bản. Ảnh: Toshiba

TV màu đầu tiên của Nhật Bản. Ảnh: Toshiba

Năm 1984, cái tên Toshiba ra đời, thay cho Tokyo Shibaura Denki. Đến thập niên 90, khi kinh tế Nhật Bản trì trệ, Toshiba phải áp dụng chiến lược "tập trung và lựa chọn" để tăng trưởng bền vững. Họ tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng và các lĩnh vực mới. Họ cũng phải hỗ trợ có chọn lọc với các mảng đã bão hòa hoặc đang đi xuống. Cuối cùng, Toshiba tập trung nguồn lực cho lĩnh vực bán dẫn và máy tính cá nhân (PC).

Gần một thập kỷ hỗn loạn

Vài năm gần đây, hoạt động kinh doanh của đại gia công nghệ gặp nhiều rắc rối. Năm 2015, họ bị phát hiện gian lận kế toán. Theo kết luận của một ủy ban điều tra độc lập khi đó, Toshiba đã phóng đại lợi nhuận lên thêm 151,8 tỷ yen (1,2 tỷ USD) trong 5 năm. Con số này gấp 3 lần dự tính ban đầu của hãng. Toshiba lỗ chủ yếu ở các mảng cốt lõi tại Trung Quốc, Hàn Quốc và phải chuyển sang tập trung vào cơ sở hạ tầng, điện hạt nhân. Sau khi điều chỉnh, Toshiba báo lỗ 37,8 tỷ yen năm 2014.

Kết quả điều tra cũng cho thấy công ty này quản trị kém và thường hạn chế nhân viên đặt câu hỏi với cấp trên. Ngay sau đó, hàng loạt lãnh đạo cao cấp của Toshiba, trong đó có CEO và phó chủ tịch đã phải từ chức. Toshiba bắt tay vào cải tổ, tái cấu trúc và cải thiện hình ảnh của công ty.

Tháng 6/2016, Midea Group (Trung Quốc) mua 80% cổ phần Toshiba Lifestyle Products & Services Corporation – mảng sản xuất đồ điện tử gia dụng – với giá 473 triệu USD. Midea được quyền sử dụng thương hiệu Toshiba cho các thiết bị này trên toàn cầu trong vòng 40 năm.

Cũng trong năm đó, Canon mua mảng thiết bị y tế của Toshiba - Toshiba Medical Systems Corporation. Hiện tại, mảng này có tên Canon Medical Systems Corporation.

Giới phân tích cho biết quá trình tái cấu trúc này lẽ ra đã phải thực hiện từ lâu. Toshiba là công ty sản xuất laptop đại trà đầu tiên trên thế giới năm 1985. Nhưng sau đó, mảng điện tử tiêu dùng của hãng dần đuối do cuộc cạnh tranh giá của các đối thủ châu Á.

Bên ngoài trụ sở của Toshiba tại Tokyo.

Bên ngoài trụ sở của Toshiba tại Tokyo.

Sau quá trình tái cơ cấu, Toshiba vẫn tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng. Đến đầu năm 2017, hãng liên tục trễ hạn công bố báo cáo tài chính do những rắc rối tại mảng điện hạt nhân ở Mỹ. Lãnh đạo hãng này đã không nghiên cứu cẩn thận việc mua lại CB&I Stone & Webster. Thương vụ này được coi là giải pháp để Westinghouse (chi nhánh của Toshiba tại Mỹ) hoàn thành các dự án lò phản ứng bị trì hoãn khi đó.

Các dự án này của họ sau đó đều bị vượt dự toán và chậm tiến độ. Toshiba buộc phải xin phá sản Westinghouse và rao bán khi thiệt hại hơn 6 tỷ USD. Chủ tịch Toshiba Shigenori Shiga lúc đó cũng phải từ chức để nhận trách nhiệm.

Để bù đắp khoản lỗ khổng lồ trên bảng cân đối kế toán, Toshiba quyết định bán mảng chip nhớ. Thời điểm đó, Toshiba vẫn là hãng sản xuất chip nhớ NAND lớn nhì thế giới, chỉ sau Samsung Electronics. Cuối năm 2017, mảng này được bán cho quỹ đầu tư Bain Capital của Mỹ với giá 2.000 tỷ yen (18 tỷ USD).

Cũng trong năm đó, Toshiba huy động được 600 tỷ yen từ 60 nhà đầu tư nước ngoài sau đợt phát hành cổ phiếu khẩn cấp. Khoản tiền này cùng với tiền bán mảng chip nhớ đã giúp hãng không bị rút niêm yết trên sàn chứng khoán.

Doanh thu của Toshiba giai đoạn 2008 - 2021 (đơn vị: tỷ yen). Biểu đồ: Statista

Doanh thu của Toshiba giai đoạn 2008 - 2021 (đơn vị: tỷ yen). Biểu đồ: Statista

Doanh thu của Toshiba liên tục đi xuống trong giai đoạn 2013 – 2020. Chuỗi khủng hoảng của họ cũng nối dài bằng loạt bê bối khác. Năm 2020, hãng tiếp tục bị phát hiện sai sót kế toán trong một công ty con. Năm 2021, nhà đầu tư cũng thông qua đề xuất của Effissimo Capital Management - cổ đông lớn nhất của Toshiba - để điều tra tính công bằng về biểu quyết trong đại hội cổ đông năm trước đó.

Tháng 4/2021, quỹ đầu tư CVC Capital Partners (Anh) ra giá 2.300 tỷ yen (21 tỷ USD) để mua Toshiba. Đề nghị này đã bị Toshiba từ chối. Vài tháng sau, một cuộc điều tra thực hiện dưới đề nghị của các cổ đông cho thấy Toshiba đã bắt tay với giới chức Nhật Bản, ngăn nhà đầu tư ngoại tăng ảnh hưởng tại đại hội cổ đông năm 2020.

Chỉ trong vài năm, loạt bê bối khiến vị trí CEO và Chủ tịch của Toshiba liên tục xáo trộn. Tương lai của đại gia công nghệ này cũng mờ mịt theo. Cuối năm 2021, Toshiba cho biết đang cân nhắc kế hoạch tách làm 3. Một công ty sẽ tập trung vào cơ sở hạ tầng. Một theo mảng thiết bị điện tử. Công ty thứ ba - sẽ giữ lại tên Toshiba - quản lý cổ phần của doanh nghiệp này tại nhà sản xuất chip nhớ Kioxia Holdings và các tài sản khác.

Vài tháng sau, họ công bố kế hoạch mới, rằng chỉ tách làm 2. Tuy nhiên, các cổ đông đã không thông qua việc chia tách. Toshiba phải thành lập một ủy ban đặc biệt, nghiên cứu phương án rao bán.

Tháng 6/2022, Toshiba nhận được 8 lời chào mua. Họ chọn ra 4 cái tên tiềm năng, trong đó có Bain Capital, CVC Capital Partners, JIP và Japan Investment Corp (JIC). Đến hôm qua (23/3), Hội đồng Quản trị Toshiba chấp thuận đề nghị của JIP với giá 15,3 tỷ USD.

Câu hỏi hiện tại là liệu các nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng lớn có chấp thuận điều khoản của thỏa thuận này hay không. Và liệu Toshiba có thể tìm lại hào quang trước đây không.

Trong thời gian qua, các đối thủ của họ đã có những bước tiến dài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học vật liệu và công nghệ lượng tử. Nhu cầu yếu cũng ảnh hưởng đến doanh thu từ sản phẩm bán dẫn và ổ cứng của Toshiba.

Một thách thức khác là xung quanh Toshiba "có quá nhiều bên liên quan khác nhau", Jesper Koll – chuyên gia tại Monex Group đánh giá trên Bloomberg. Thương vụ của công ty này được chính phủ theo sát, vì Toshiba sở hữu nhiều công nghệ liên quan đến an ninh quốc gia. Liên minh do JIP dẫn đầu cũng bao gồm tới 17 công ty Nhật Bản.

Bloomberg trích nguồn tin thân cận cho biết việc vạch kế hoạch kinh doanh cũng cần hơn 20 bên thảo luận. Mỗi bên lại muốn một thứ khác nhau từ thỏa thuận. Vì không có kế hoạch kinh doanh khả thi, các ngân hàng đã không thể cho JIP vay kịp hạn chót ban đầu là tháng 11 năm ngoái.

"Có quá nhiều người muốn những thứ khác nhau từ Toshiba. Việc trông chờ Toshiba làm vui lòng tất cả sẽ là điều không tưởng", Mio Kato – nhà phân tích tại LightStream Research kết luận.

Quý trước, lợi nhuận hoạt động của Toshiba giảm 88%, xuống 5,3 tỷ yen. Con số này thấp hơn rất nhiều so với dự báo của hãng dữ liệu Refinitiv là 37 tỷ yen. Toshiba cũng ước tính lợi nhuận tài khóa kết thúc vào tháng 3/2023 giảm 25%, còn 95 tỷ yen.

Toshiba sắp bán mình với giá hơn 15 tỷ USD

Tượng đài công nghệ Nhật 140 năm tuổi - Toshiba, sắp kết thúc giai đoạn khó khăn khi chấp nhận đề nghị bán với 2.000 tỷ yen.

Theo tuyên bố hôm nay (23/3), HĐQT Toshiba cho biết đã duyệt đề nghị trên của một nhóm doanh nghiệp do Japan Industrial Partners (JIP) đứng đầu. Toshiba cho biết 17 công ty Nhật và 6 tổ chức tài chính trong nước sẽ tham gia vào thương vụ này.

Đề nghị 2.000 tỷ yen (15,3 tỷ USD) tương ứng với 4.620 yen mỗi cổ phiếu của tượng đài công nghệ Nhật Bản. Con số này cũng cao hơn 9,7% so với mức giá chốt phiên cổ phiếu Toshiba hôm 23/3.

Động thái này có thể chấm dứt nhiều năm hỗn loạn tại Toshiba với loạt bê bối khiến công ty gặp khó khăn dẫn đến quyết định phải bán mình. Ban lãnh đạo Toshiba, chính phủ Nhật và các cổ đông lớn nước ngoài bất đồng về tương lai doanh nghiệp này. Các nhà đầu tư muốn tối ưu hoá lợi nhuận, còn chính phủ Nhật lại ưu tiên giữ các mảng kinh doanh và công nghệ nhạy cảm khỏi tay nước ngoài.

Theo Toshiba, trước khi nhu cầu về chip nhớ và ổ cứng đi xuống, nhóm doanh nghiệp trên đã đề nghị mua với giá 5.500 yen mỗi cổ phiếu. Tuy nhiên, JIP đã hạ giá mua nhiều lần do thị trường xấu đi, triển vọng doanh thu của Toshiba đi xuống. Họ cũng phải đối mặt với khó khăn trong việc thu xếp nguồn lực tài chính khi các nhà băng thận trọng hơn trong việc cấp vốn cho giao dịch lớn trong lúc kinh tế không thuận lợi.

Bloomberg nhận định nếu thương vụ thành công, đây sẽ là một trong những giao dịch lớn nhất châu Á năm nay trong bối cảnh thị trường M&A sụt giảm. Nó cũng sẽ là một trong những thương vụ mua cổ phần doanh nghiệp tư nhân lớn nhất từ trước tới nay tại Nhật Bản.

Nhà phân tích Mio Kato tại LightStream Research đánh giá đây sẽ là một điều tích cực vì một trong những vấn đề với Toshiba là thiếu một chiến lược nhất quán. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng vẫn còn một số việc phải làm trong việc thiết lập các động lực tăng trưởng và tối đa hoá tiềm năng một số mảng kinh doanh mới nổi của Toshiba.

Trụ sở của Toshiba tại Nhật Bản.

Toshiba liên tiếp gặp nhiều khủng hoảng trong 8 năm qua, khởi đầu từ vụ bê bối kế toán năm 2015. Điều này khiến lợi nhuận bị thâm hụt và công ty phải tái cơ cấu toàn diện. Theo kết luận của một ủy ban điều tra độc lập khi đó, Toshiba đã phóng đại lợi nhuận lên thêm 151,8 tỷ yen (1,2 tỷ USD) trong 5 năm. Con số này gấp 3 lần dự tính ban đầu của hãng. Toshiba lỗ chủ yếu ở các mảng cốt lõi tại Trung Quốc, Hàn Quốc và phải chuyển sang tập trung vào cơ sở hạ tầng, điện hạt nhân. Sau khi điều chỉnh lại, Toshiba báo lỗ 37,8 tỷ yen năm 2014.

Đến đầu năm 2017, Toshiba liên tục trễ hạn công bố báo cáo tài chính do những rắc rối tại mảng điện hạt nhân ở Mỹ. Lãnh đạo hãng này cũng không nghiên cứu cẩn thận việc mua lại CB&I Stone & Webster – thương vụ được coi là giải pháp để chi nhánh Westinghouse (chi nhánh của Toshiba tại Mỹ) hoàn thành các dự án lò phản ứng bị trì hoãn tại Georgia và Nam Carolina khi đó. Các dự án này của họ sau đó đều bị vượt dự toán và chậm tiến độ.

Việc đầu tư vào mảng năng lượng hạt nhân tại Mỹ khiến Toshiba lỗ 6,3 tỷ USD và mấp mé bờ vực bị huỷ niêm yết. Công ty buộc phải bán viên ngọc quý - đơn vị kinh doanh chip nhớ cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Đầu năm ngoái, các cổ đông đã không chấp nhận đề xuất chia tách Toshiba của ban lãnh đạo hãng. Đây như biện pháp thay thế cho việc bán tập đoàn cho quỹ đầu tư tư nhân - phương án mà nhà đầu tư mong muốn. Thất bại của kế hoạch này đã thúc đẩy ban lãnh đạo tìm kiếm các lựa chọn chiến lược cho tương lai Toshiba, trong đó có việc bán mình. JIP được chọn là người mua ưu tiên vào tháng 10/2022

Toshiba sẽ tách thành 3 công ty

Tập đoàn Toshiba sẽ chia tách trước áp lực của cổ đông, cũng như để cải thiện lợi nhuận của các mảng kinh doanh cốt lõi.

Toshiba hôm nay thông báo kế hoạch tách làm 3 sẽ hoàn thành trước tháng 3/2024. Cách đây vài ngày, đối tác lâu năm của hãng - General Electric cũng quyết định tương tự. Hơn 6 năm qua, Toshiba đã chứng kiến một loạt khủng hoảng, trong đó có việc chủ tịch bị phế truất và nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến cổ đông nước ngoài.

Sau khi chia tách, một công ty sẽ tập trung vào cơ sở hạ tầng. Một theo mảng thiết bị điện tử, như chất bán dẫn điện. Công ty thứ ba - sẽ giữ lại tên Toshiba - quản lý cổ phần của doanh nghiệp này tại nhà sản xuất chip nhớ Kioxia Holdings và các tài sản khác.

Toshiba tin rằng sau chia tách, các nhóm doanh nghiệp này sẽ được định giá cao hơn với tư cách là các thực thể riêng biệt thay vì được kết hợp dưới một công ty duy nhất. Các nhà đầu tư có xu hướng giảm định giá các tập đoàn lớn vì khó giám sát từ bên ngoài. Bộ máy phức tạp cũng được cho là khó quản lý hơn so với các doanh nghiệp có trọng tâm rõ ràng.

Sau động thái này, mỗi doanh nghiệp của Toshiba cũng được kỳ vọng sẽ hoạt động theo hướng năng động, có chiến lược kinh doanh riêng, huy động được nhiều vốn và đạt mức tăng trưởng cao hơn.

Khủng hoảng của Toshiba bắt đầu từ một vụ bê bối kế toán năm 2015. Một báo cáo được công bố vào tháng 6 cho thấy bằng chứng về sự thông đồng giữa các giám đốc điều hành của Toshiba và quan chức tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp để ngăn chặn tiếng nói của các cổ đông nước ngoài trước cuộc họp cổ đông thường niên vào tháng 7/2020. Sau đó, các cổ đông của Toshiba đã cách chức Chủ tịch Osamu Nagayama.

"Toshiba đã để mất lòng tin sau khi bê bối kế toán được đưa ra ánh sáng. Hãng cho biết đã tự cải tổ. Nhưng sau đó, Toshiba lại nảy sinh thêm vấn đề khác. Vì thế, việc tách thành 3 công ty và xây dựng lại hệ thống quản trị là một quyết định đúng đắn", chiến lược gia Masayuki Kubota tại Công ty chứng khoán Rakuten Securities nhận xét. Kubota cho rằng Toshiba sẽ rất khó vận hành cùng lúc cả mảng kinh doanh đã bão hòa và mảng liên quan đến công nghệ thay đổi nhanh.

Fivestar: 
No votes yet