Kính viễn vọng James Webb chụp chuỗi vòng đồng tâm bí ẩn

Các vòng đồng tâm giống hình vuông với góc bo tròn tỏa đều và dần biến mất xung quanh ngôi sao WR140 cách Trái Đất 5.600 năm ánh sáng.

Nhà khoa học nghiệp dư Judy Schmidt hôm 29/8/2022 chia sẻ trên mạng xã hội Twitter ảnh chụp của kính viễn vọng không gian James Webb về những vòng đồng tâm bí ẩn xung quanh ngôi sao WR140 xa xôi và thu hút sự quan tâm lớn.

Hình ảnh được James Webb chụp vào tháng 7, cho thấy WR140 được các vòng đồng tâm giống như gợn sóng bao quanh, tỏa đều và dần dần biến mất. Chúng có hình dạng kỳ lạ, không tròn hoàn toàn mà hơi vuông, khiến một số người suy đoán chúng liên quan đến người ngoài hành tinh.

Những lớp vỏ đồng tâm kỳ lạ bao quanh ngôi sao xa xôi WR 140 do kính viễn vọng James Webb chụp. Ảnh: NASA/ESA/CSA/Ryan Lau /Nhóm JWST ERS/Judy Schmidt

Những lớp vỏ đồng tâm kỳ lạ bao quanh ngôi sao xa xôi WR 140 do kính viễn vọng James Webb chụp. Ảnh: NASA/ESA/CSA/Ryan Lau /Nhóm JWST ERS/Judy Schmidt

"Tôi cho rằng chỉ là tự nhiên đang làm một việc đơn giản nào đó, nhưng khi chúng ta nhìn từ một góc độ, có vẻ thật khó để hiểu rằng đó là một hiện tượng tự nhiên. Tại sao nó lại có hình dạng như vậy? Tại sao lại đều như thế?", Schmidt nói.

Mark McCaughrean, nhà khoa học liên ngành thuộc Nhóm Công tác Khoa học Kính viễn vọng Không gian James Webb kiêm cố vấn khoa học cho Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), nhận xét cấu trúc này là "điên rồ".

"Cấu trúc 6 vệt nhọn màu xanh lam là một lỗi do nhiễu xạ quang học từ ngôi sao sáng WR140 trong ảnh. Nhưng cấu trúc đỏ vừa tròn vừa vuông vắn là có thật, chúng là một chuỗi những lớp vỏ bao quanh WR140. Chúng có thật ngoài vũ trụ, nằm xung quanh một ngôi sao", ông viết trên Twitter.

McCaughrean lưu ý, WR140 là sao Wolf-Rayet, loại sao đã phóng phần lớn hydro của chúng ra không gian. Chúng cũng bị bụi bao quanh. Một ngôi sao đồng hành có thể đã "điêu khắc" bụi thành những lớp vỏ kỳ lạ.

Ryan Lau, nhà thiên văn học tại NOIRLab, cùng các đồng nghiệp đang nghiên cứu về hiện tượng bí ẩn này. "Những hình vuông với góc bo tròn đó là có thật", Lau cho biết. Nghiên cứu mới đã được gửi đi và sẽ sớm xuất bản, giúp những người quan tâm hiểu rõ hơn về hiện tượng này.

WR140 nằm trong chòm sao Cygnus (Thiên Nga), cách Trái Đất khoảng 5.600 năm ánh sáng. Đây là một ngôi sao biến đổi, mờ đi và sáng lên theo chu kỳ. Chưa rõ sự biến đổi của ngôi sao có liên quan đến những gợn sóng bí ẩn hay không. Tuy nhiên, hình ảnh mới thể hiện sức mạnh của kính viễn vọng 10 tỷ USD James Webb - đài quan sát mạnh nhất từng phóng lên vũ trụ, được ca ngợi về khả năng quan sát vượt trội và cực kỳ sắc bén.

Kính James Webb lần đầu chụp ảnh trực tiếp ngoại hành tinh

Chưa đầy hai tháng sau khi bắt đầu hoạt động khoa học, kính viễn vọng không gian James Webb chụp bức ảnh trực tiếp đầu tiên của một hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời.

Hành tinh khí khổng lồ HIP 65426 trong ảnh chụp từ kính James Webb. Ảnh: NASA

Hành tinh khí khổng lồ HIP 65426 trong ảnh chụp từ kính James Webb. Ảnh: NASA

Hành tinh khí khổng lồ quay quanh ngôi sao HIP 65426 cách Trái Đất 385 năm ánh sáng xuất hiện trong ảnh dưới dạng vệt nhỏ gần sao chủ. Kính Webb chụp ảnh ngoại hành tinh này bằng Camera cận hồng ngoại (NIRCam) và Thiết bị hồng ngoại trung (MIRI), theo thông báo hôm 1/9 của NASA.

Các nhà khoa học phát hiện hành tinh vào năm 2017 thông qua Kính viễn vọng rất lớn ở Chile. Ngoại hành tinh cực kỳ khó quan sát trực tiếp do chúng mờ hơn nhiều so với ngôi sao mà chúng quay xung quanh. Nhóm nghiên cứu đứng đầu là nhà thiên văn học Sasha Hinkley ở Đại học Exeter có thể quan sát trực tiếp HIP 65426 b nhờ kết hợp nhiều yếu tố. Đầu tiên, hành tinh ở cực xa ngôi sao chủ, gấp 100 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời. Ngoài ra, HIP 65426 b có kích thước khổng lồ, gấp 12 lần sao Mộc, hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời.

Tuy nhiên, HIP 65426 b vẫn mờ hơn 10.000 lần so với ngôi sao chủ ở quang phổ cận hồng ngoại, và mờ hơn vài nghìn lần ở quang phổ hồng ngoại trung. Nhưng nhờ độ nhạy cao, kính Webb có thể phân biệt hai vật thể. "Đầu tiên, tất cả những gì tôi có thể nhìn thấy là ánh sáng từ ngôi sao chủ, nhưng sau khi xử lý hình ảnh cẩn thận, tôi có thể phân tách ánh sáng và phát hiện hành tinh", Aarynn Carter, nhà thiên văn học ở Đại học California, Santa Cruz, người phụ trách phân tích ảnh chụp, chia sẻ.

Cả NIRCam và MIRI đều trang bị thiết bị giúp chặn ánh sáng từ ngôi sao. Quan sát ngôi sao qua 4 bộ lọc khác nhau, các nhà khoa học thu được hình ảnh hé lộ hành tinh ở dạng chấm sáng nhỏ. Hình dạng của chấm sáng khác biệt ở mỗi hình ảnh do đặc điểm quang học của kính viễn vọng.

HIP 65426 b là một hành tinh rất trẻ, chỉ khoảng 15 - 20 triệu năm tuổi (so với độ tuổi 4,5 tỷ năm của Trái Đất). Do cấu tạo chủ yếu từ khí, hành tinh này chắc chắn không thể chứa sự sống. Các nhà thiên văn học có thể trả lời nhiều câu hỏi thú vị về HIP 65426 b và nhiều thế giới khác kính Webb sẽ chụp ảnh trong tương lai, bao gồm chi tiết về thành phần hóa học và độ tuổi của chúng.

Fivestar: 
No votes yet