CEO SVB đã bán 3,6 triệu USD cổ phiếu trước khi doanh nghiệp phá sản

Trước khi Ngân hàng SVB chính thức sụp đổ, CEO của doanh nghiệp này đã bán 3,6 triệu USD cổ phiếu.

Cổ phiếu của SVB đã giảm 62% trước khi bị tạm dừng giao dịch vào ngày 10/3.

Theo Bloomberg, ông Greg Becker, CEO của Ngân hàng SVB, đã bán 3,6 triệu USD cổ phiếu trước khi doanh nghiệp tiết lộ những khoản lỗ lớn dẫn đến phá sản.

Ông Becker đã bán 12.451 cổ phiếu vào ngày 27/2. Đây là lần đầu tiên sau hơn một năm, ông bán cổ phần của Công ty mẹ SVB Financial Group. Thực tế, ông đã đệ trình kế hoạch này từ ngày 26/1.

Vào ngày 10/8, Ngân hàng SVB đã chính thức dừng hoạt động sau một tuần đầy khó khăn. Trước đó, đơn vị này đã gửi thông báo tới các cổ đông rằng họ sẽ cố gắng huy động hơn 2 tỷ USD từ cổ phiếu sau khi thua lỗ. Tin tức này đã khiến cổ phiếu của công ty lao dốc, ngay cả khi ông Becker kêu gọi khách hàng giữ bình tĩnh.

Các hoạt động giao dịch của SVB cũng như những lần bán cổ phiếu của ông Greg Becker đều là hợp pháp. Đây là kế hoạch được Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) thiết lập vào năm 2000 để ngăn chặn hành vi giao dịch nội gián.

Tuy nhiên, một số người cho rằng kế hoạch bán cổ phần đã được sắp đặt trước với tên gọi là 10b5-1. Không chỉ vậy, một số sơ hở đã được ghi nhận trong kế hoạch này.

“Mặc dù vào ngày 26/1, Becker có thể không lường trước được việc ngân hàng sẽ sụp đổ vào 2 tuần sau đó. Tuy nhiên, việc huy động thêm vốn là kế hoạch quan trọng. Nếu họ thảo luận về việc đó vào đúng thời điểm kế hoạch bán cổ phiếu được thông qua, đó sẽ là vấn đề đáng được lưu tâm”, ông Dan Taylor, giáo sư tại ĐH Pennsylvania, cho biết.

Tháng 12 năm ngoái, SEC đã hoàn thiện các quy định mới. Trong đó, cơ quan này yêu cầu thời gian chờ xét duyệt tối thiểu là 90 ngày đối với các kế hoạch giao dịch cấp điều hành. Điều này đồng nghĩa với việc các lãnh đạo doanh nghiệp không được thực hiện giao dịch mới trong vòng 3 tháng sau lần giao dịch gần nhất.

'Đế chế' ngân hàng 40 năm của Silicon Valley quan trọng như thế nàoThúy Liên Thứ bảy, 11/3/2023 15:18 (GMT+7)Silicon Valley Bank là một trong những ngân hàng hàng đầu tại thung lũng Silicon. Đây là ngân hàng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008.

Sự sụp đổ của SVB đã gây sự hoảng loạn ở các công ty đầu tư mạo hiểm

Xếp hạng là ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ, Silicon Valley Bank (SVB) được xem như một tên tuổi lớn trong ngành, có vị trí không thể thay thế đối với các công ty khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm.

Với bề dày 40 năm hoạt động, ngân hàng này đã bành trướng và trở thành tổ chức tài chính trọng yếu của giới khởi nghiệp, hợp tác với hơn một nửa các công ty có vốn đầu tư mạo hiểm ở Mỹ cùng với hàng loạt doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ, chăm sóc sức khỏe.

Dịch vụ của SVB trải dài từ tiền gửi, cấp vốn cho các doanh nghiệp công nghệ, đầu tư mạo hiểm, cho vay và đến cả quản lý rủi ro tiền tệ. “Có rất nhiều cách để gọi tên chúng tôi. ‘Ngân hàng’ chỉ là một trong số đó”, SVB viết trên trang chủ.

Do đó, sự sụp đổ chớp nhoáng của ngân hàng Silicon Valley không chỉ là cú sốc đến giới công nghệ mà còn được xem vụ phá sản ngân hàng lớn nhất nước Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ảnh hưởng sâu rộng đến lĩnh vực tài chính

Một trong những nhiệm vụ cơ bản nhất của SVB là vận hành như một ngân hàng truyền thống. Ngân hàng Silicon Valley quản lý khoản gửi tiết kiệm, thẻ tín dụng và các tài khoản thị trường tiền tệ với mức lãi suất 4,5%/năm.

SVB còn cung cấp các dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp để thực hiện các giao dịch thanh toán, xuất hóa đơn, quản lý các hợp đồng đăng ký dịch vụ dài hạn và trả nợ định kỳ.

Hàng người đứng trước lối vào ngân hàng Silicon Valley ở thành phố Santa Clara, California.

Nhưng điều khiến cú sụp đổ của SVB ảnh hưởng sâu rộng đến lĩnh vực tài chính là bởi ngân hàng này còn đóng vai trò như một nhà đầu tư. Trong suốt 20 năm qua, quỹ đầu tư mạo hiểm và mảng tín dụng đầu tư của SVB chuyên đầu tư cho về quản lý quỹ và những công ty đình đám như Sequoia Capital, Accel, Kleiner Perkins, Ribbit Capital…

Trong danh mục các khoản ghi nợ đến ngày đáo hạn của SVB năm 2022, có đến hơn 56% khoản nợ là đến từ các công ty đầu tư mạo hiểm và công ty cổ phần tư nhân, Bloomberg cho biết.

SVB còn được biết đến như công ty đi đầu trong hình thức tài trợ nợ mạo hiểm (venture debt). Nợ mạo hiểm thường đến từ các nhà đầu tư giàu có, các ngân hàng đầu tư hoặc bất kỳ định chế tài chính nào khác. Theo Bloomberg, phần lớn các công ty hoạt động dựa trên vốn mạo hiểm hiện nay thường được tài trợ bởi ngân hàng SVB.

Một trong những cách thức cho vay vốn phổ biến nhất của họ là vay thế chấp tài sản, thế chấp cổ phần và vay theo hạn mức tín dụng. Dịch vụ cho vay của SVB không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp công nghệ, tư nhân mà còn liên quan đến các tổ chức phi lợi nhuận như trường bán công, trường tư và những tổ chức phi chính phủ…

Bên cạnh đó, SVB cũng có dịch vụ ngân hàng tư nhân, quản lý tài sản như lên kế hoạch tài chính, nộp thuế, hạn mức tín dụng dựa trên vốn chủ sở hữu nhà, dành cho giới siêu giàu như các giám đốc, lãnh đạo lớn.

“Chủ nợ” của hàng loạt startup

Ngân hàng Silicon Valley còn đầu tư vào nhiều công ty khác trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm công nghệ, y tế, đồng thời cung cấp các dịch vụ như tư vấn mua bán, sáp nhập (M&A advisory), quản lý thị trường vốn và các khoản nợ, thực hiện các nghiên cứu hay giao dịch độc quyền…

SVB được coi là đơn vị cho vay hàng đầu đối với các start-up công nghệ.

Ngân hàng khẳng định đã thực hiện hơn 1.000 giao dịch khác nhau với đa dạng vai trò bao gồm bảo lãnh tài chính, chuyên viên tài chính độc quyền và bên trung gian giúp các doanh nghiệp huy động vốn từ các quỹ đầu tư.

SVB luôn tự hào vì là đơn vị cung cấp mọi dịch vụ mà một startup cần từ khi thành lập, trải qua các vòng gọi vốn đến khi được thu mua hay chào bán chứng khoán lần đầu (IPO).

Một khi đã thuộc về hệ sinh thái của SVB, các startup sẽ được tiếp cận với hàng loạt sự kiện giúp kết nối các nhà đầu tư, nhà sáng lập và những cá nhân khác có liên quan trong lĩnh vực.

Suốt hàng thập kỷ qua, hầu hết sự kiện trong giới startup đều do SVB tài trợ. Điều này giúp ngân hàng ảnh hưởng sâu rộng đến lĩnh vực khởi nghiệp, khiến nhiều nhà sáng lập trẻ dần hình thành suy nghĩ phải hợp tác với họ để phát triển.

Sarika Bajaj, CEO của startup mới Refiberd, cho biết cô chọn ngân hàng Silicon Valley là vì muốn nâng cao độ uy tín của công ty. “Mọi người đều nói rằng bạn phải hợp tác với SVB nếu không bạn sẽ bị loại khỏi tầm mắt họ”, nữ CEO chia sẻ.

Ngân hàng Silicon Valley (SVB), đơn vị cho vay hàng đầu đối với các start-up công nghệ bất ngờ sụp đổ được coi là cú sốc với ngành tài chính.
Chỉ trong vòng vỏn vẹn 48 giờ, ngân hàng Silicon Valley (SVB) đã bị buộc phải dừng hoạt động và trở thành ngân hàng lớn nhất đóng cửa kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.

Đến sáng 10/3, cổ phiếu SVB bị tạm dừng giao dịch, và ngân hàng đã từ bỏ nỗ lực tăng vốn hoặc tìm người mua. Cổ phiếu một số ngân hàng khác như First Republic, PacWest Bancorp và Signature Bank cũng bị tạm dừng giao dịch.

Ngân hàng Silicon Valley (SVB) đã bị buộc phải dừng hoạt động và trở thành ngân hàng lớn nhất đóng cửa kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008

Sự sụp đổ chớp nhoáng của ngân hàng Silicon Valley được coi là cú sốc với ngành tài chính. Bên cạnh đó, vụ việc đã gây ra làn sóng chấn động khắp lĩnh vực công nghệ nước Mỹ.

"Nguồn sữa" chính của giới công nghệ

SVB là ngân hàng giao dịch công khai có trụ sở tại Santa Clara, California - trái tim của thung lũng Silicon.

Với vị trí đặc biệt này, SVB nhanh chóng trở thành đơn vị cho vay hàng đầu đối với các start-up công nghệ đang phát triển tại đây.

Vox nhận định SVB là cái tên cực kỳ quen thuộc với những người đã từng làm việc trong lĩnh vực công nghệ ở Mỹ, nhưng lại ít được biết đến với những người không hoạt động trong ngành.

SVB là cái tên cực kỳ quen thuộc với những người đã từng làm việc trong lĩnh vực công nghệ ở Mỹ.

Dù sở hữu hàng tỷ USD tiền gửi, SVB chỉ có chưa tới 20 chi nhánh và thường phục vụ cho một nhóm đặc thù gồm các start-up, những nhà đầu tư mạo hiểm và các công ty công nghệ.

SVB tự gọi mình là “đối tác tài chính của nền kinh tế đổi mới”, đồng nghĩa rằng ngân hàng này kết hợp chặt chẽ với cơ sở hạ tầng tài chính của ngành công nghệ, đặc biệt là các start-up.

Điều này rất tuyệt đối với SVB khi ngành công nghệ nước Mỹ phát triển vũ bão. Từ một ngân hàng mới được thành lập, SVB nhanh chóng phát triển thành tổ chức tài chính quan trọng nhất với ngành công nghệ.

Số liệu từ Bloomberg cho thấy ngân hàng này là đơn vị tài chính của các quỹ đầu tư mạo hiểm đứng sau 44% công ty công nghệ và chăm sóc sức khỏe đã lên sàn chứng khoán vào năm 2022.

Tuy nhiên, mọi chuyện lại trở thành thảm họa khi mọi thứ đi chệch hướng. Trong một thời gian dài, mọi thứ vẫn diễn ra rất tốt, khi các nhà đầu tư mạo hiểm liên tục rót tiền cho rất nhiều start-up công nghệ thông qua SVB.

Với số tiền khổng lồ trong tay, SVB lập tức đem đi đầu tư để nắm giữ lượng lớn trái phiếu kho bạc và trái phiếu chính phủ khác, trị giá hơn một nửa tài sản của ngân hàng.

Mặc dù vậy, động thái này trở thành nguồn cơn cho sự sụp đổ khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) liên tục tăng lãi suất trong năm 2022. Lãi suất tăng, đồng nghĩa giá trị trái phiếu giảm, buộc ngân hàng này phải thu hồi khoản lỗ.

"Hiệu ứng domino" sau đó xảy ra với tốc độ cực kỳ nhanh, trong bối cảnh lập trường cứng rắn của Fed đã gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế. Chính sự lo ngại này đã khiến định giá của các quỹ đầu tư mạo hiểm và start-up công nghệ tụt dốc không phanh.

Việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) liên tục tăng lãi suất trong năm 2022 khiến các khoản đầu tư của SVB lỗ nặng, dẫn đến việc sụp đổ vì mất thanh khoản.

Như một lẽ tất yếu, những khách hàng chính của SVB ồ ạt tìm đến ngân hàng này để rút tiền. Thậm chí nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm còn lấy ví dụ sự sụp đổ của Ngân hàng tiền điện tử Silvergate để cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn và gửi email hướng dẫn các start-up rút gửi khỏi SVB.

Sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley bắt đầu vào ngày 8/3, khi SVB thông báo sẽ bán tháo một loạt chứng khoán và phải huy động vốn 2,25 tỷ USD để củng cố bảng cân đối kế toán.

Đến ngày 10/3, Cơ quan quản lý Mỹ thu giữ tài sản của SVB, chính thức biến đây thành ngân hàng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008.

Cơn cuồng loạn của giới công nghệ

Vấn đề cấp bách nhất nhất hiện nay đối với các công ty công nghệ có tiền gửi liên quan đến SVB vẫn chưa được giải quyết: Điều gì sẽ xảy ra nếu các công ty này cần trả tiền cho ai đó, chẳng hạn như nhân viên của mình?

Bảng lương của các công ty công nghệ có tiền gửi liên quan đến SVB sẽ bị ảnh hưởng lớn

Mặc dù Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) sẽ đảm bảo khoản tiền gửi cho các khách hàng lên tới 250.000 USD tùy thuộc vào quy mô của công ty, số tiền đó này vẫn là không đủ.

Điều này không chỉ áp dụng cho các công ty gửi tiền mặt thông qua SVB, mà còn là câu hỏi đối với những đối đang sử dụng các dịch vụ khác của ngân hàng này như tín dụng quay vòng hoặc thẻ tín dụng.

Ngoài ra, cũng có những lo ngại thực sự về hiệu ứng dây chuyền sau cú sụp đổ này. Ngay cả khi start-up không sử dụng SVB, vẫn có khả năng nhà cung cấp của họ là khách hàng ở đây.

Do đó, việc SVB đóng cửa dẫn đến việc các đối tác này có thể sẽ không thể xoay sở và cung cấp dịch vụ như mong đợi cho công ty.

Ngay cả trong trường hợp lạc quan nhất, khi SVB bằng cách nào đó được mua lại bởi một ngân hàng khác và dòng tiền bắt đầu chảy trở lại, những trục trặc trong thời gian ngắn vẫn gây khó chịu cho nhiều bên liên quan.

Thông báo của FDIC đóng cửa SVB được dán trước cửa ngân hàng.

Ashley Tyrner, CEO của công ty chăm sóc sức khỏe FarmboxRx ở Boston, cho biết cô đã gửi ít nhất 10 triệu USD vào SVB.

Khi thông tin về ngân hàng này sụp đổ, Tyrner điên cuồng gọi cho nhân viên ngân hàng của mình và gọi đó là "18 giờ tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi".

Tyrner cho biết cô đã nhiều lần cố gắng gọi cho dịch vụ khách hàng và nhân viên ngân hàng cá nhân của mình tại SVB. “Cậu ấy chỉ đơn giản là không trả lời điện thoại và sau đó đã gửi một tin nhắn nói rằng mình rất xin lỗi. Họ đang cố khắc phục sự cố để giúp chúng tôi đăng nhập vào tài khoản', Tyrner nói với New York Post.

Bạn thấy bài viết này như thế nào?: 
Average: 10 (1 vote)