Tổng trữ lượng khí đá phiến (shale gas) Argentina 22,7 nghìn tỷ mét khối

Là một trong những nước có trữ lượng khí đốt hàng đầu thế giới, Argentina vẫn phải nhập khẩu nhiên liệu và người dân có thể đối mặt mùa đông dài lạnh giá.

Tổng thống Argentina Alberto Fernandez sắp hội đàm với người đồng cấp Bolivia Luis Arce để thảo luận về nguồn cung khí đốt, tài nguyên chiến lược và tối cần thiết với Argentina khi mùa đông sắp đến. Nhiều quan chức Argentina đã cảnh báo rằng nước này có thể phải phân phối khí đốt theo hạn mức nếu không ký được các hợp đồng cung cấp mới.

Điều trớ trêu là Argentina lại nằm trong số những quốc gia giàu dầu khí nhất thế giới. Theo đánh giá của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, quốc gia này sở hữu trữ lượng dầu đá phiến có thể khai thác khoảng 27 tỷ thùng, đứng thứ tư thế giới. Tổng trữ lượng khí đá phiến (shale gas) của Argentina khoảng 22,7 nghìn tỷ mét khối, xếp thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Khí đốt Vaca Muerta ở tỉnh Neuquen

Công nhân trên giàn khoan tại khu khai thác đá phiến dầu và khí đốt Vaca Muerta ở tỉnh Neuquen, Argentia, hồi tháng 1/2019.

Các mỏ khí đá phiến của Argentina có thể sánh ngang với bồn trũng Appalachia, vốn giúp Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu dầu khí lớn. Tuy nhiên, ngành sản xuất khí đốt Argentina không được đầu tư đúng mức trong suốt nhiều năm, khiến nó thậm chí không thể đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Argentina từ lâu đã ôm tham vọng trở thành cường quốc dầu và khí đá phiến nhờ trữ lượng khổng lồ tại mỏ Vaca Muerte, nằm ở Patagonia, miền bắc nước này. Theo Marcos Bulgheroni, CEO của tập đoàn năng lượng Pan American Energy, trữ lượng khí đốt tại mỏ Vaca Muerte có thể đáp ứng gấp 6 lần nhu cầu năng lượng của Argentina trong 20 năm tiếp theo.

Nhưng những trì trệ trong chính sách và bất cập trong môi trường kinh doanh đã khiến Argentina không thể thu hút được các nhà đầu tư rót vốn vào dự án Vaca Muerte. Nền kinh tế thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu tiền cũng khiến ngành này không thể phát triển.

Mặt khác, Argentina cũng chưa thể xây dựng được hệ thống đường ống để vận chuyển khí đốt từ khu vực Patagonia xa xôi đến các khu đô thị và công nghiệp, nơi nhu cầu đang tăng lên từng ngày.

Kết quả là Argentina đã không thể tận dụng được nguồn tài nguyên khổng lồ của mình để trở thành cường quốc xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu, cũng như không thể xây dựng khả năng độc lập về năng lượng. Dù nằm trên hàng nghìn tỷ mét khối khí đốt, họ hiện phải nhập khẩu LNG, chủ yếu từ Mỹ, Qatar và nước láng giềng Bolivia.

Khi thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu do chuỗi cung ứng đứt gãy sau đại dịch và ảnh hưởng dây chuyền từ xung đột ở Ukraine, tình hình với Argentina càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Khi nguồn cung khan hiếm, chính phủ Argentina phải cạnh tranh với các nền kinh tế lớn hơn nhiều để đặt mua các lô hàng LNG quý giá trên thị trường quốc tế, trong bối cảnh mùa đông chuẩn bị đến ở Nam Bán cầu và nhu cầu về năng lượng ngày càng cao. Bolivia có thể sẽ không tăng lượng khí đốt bán cho Argentina, khi phải ưu tiên xuất khẩu tới Brazil.

Argentina nhiều khả năng sẽ không thể nhập khẩu đủ lượng LNG mà họ cần cho mùa đông sắp tới. Nước này đang thiếu ngoại tệ mạnh để trả cho khí đốt nhập khẩu, trong khi giá năng lượng tăng chóng mặt càng đẩy Argentina vào tình thế khó khăn hơn.

"Sẽ là một mùa đông khó khăn phía trước với nguồn cung nhiên liệu và lượng ngoại tệ mạnh của đất nước hiện nay", Agustin Gerez, lãnh đạo công ty năng lượng nhà nước Ieasa, cho hay.

Tình trạng thiếu nhiên liệu đang gây ra bất ổn chính trị và xã hội ở Argentina, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, khi các nhà vận chuyển ngũ cốc tại quốc gia Nam Mỹ này kêu gọi đình công do giá nhiên liệu tăng quá cao.

Argentina đang vào mùa thu hoạch đậu nành và ngô, nên bất cứ cuộc đình công nào của các nhà vận chuyển cũng có thể giáng đòn mạnh vào hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, tiềm ẩn nguy cơ gây ra những hậu quả sâu rộng hơn cả trong lẫn ngoài nước, giới chuyên gia đánh giá.

Jonathan Gilbert, bình luận viên kinh tế kỳ cựu của Bloomberg, cho rằng nếu ngành khai thác dầu khí đá phiến của Argentina phát triển tương xứng với tiềm năng, họ sẽ không chỉ xây dựng được vị thế độc lập về năng lượng mà còn có thể trở thành cường quốc xuất khẩu LNG. Nhưng Gilbert cho rằng Argentina đã bỏ lỡ thời cơ lịch sử khi không có những biện pháp hỗ trợ chính sách và đầu tư đúng mức trong lĩnh vực này.

"Cuối cùng, với nền kinh tế eo hẹp của đất nước và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu tiếp tục tạo ra nhiều biến động thị trường, Argentina có trong tay rất ít lựa chọn tốt. Sẽ là một mùa đông dài phía trước ở Buenos Aires", bình luận viên Haley Zaremba từ trang Oil Price đánh giá.

DẦU KHÍ ĐÁ PHIẾN LÀ GÌ?

Quá trình hình thành dầu khí bắt nguồn từ hàng trăm triệu năm trước, khi xác các sinh vật chìm dưới đáy biển và bị chôn vùi rất sâu trong lòng đất, hình thành lớp bùn lắng hữu cơ. Năm này qua năm khác, quá trình này tiếp diễn, các lớp bùn lắng hữu cơ trộn lẫn với trầm tích và nhiều vật chất khác tiếp tục bị chôn vùi sâu hơn và hình thành nên những lớp đá phiến hạt mịn.

Càng nhiều trầm tích chồng lên nhau thì càng tạo ra môi trường áp suất lớn và nhiệt độ cao, khiến lớp bùn lắng hữu cơ bị phân giải, hình thành dầu và khí (gọi tắt là dầu khí), len lỏi trong các lớp đá có độ thấm và độ rỗng cao, và dồn về nơi có áp suất thấp hơn tạo thành các túi dầu thô và khí đốt mà con người đã và đang khai thác trong hơn 100 năm qua. Đây được gọi là dầu khí truyền thống (conventional oil & gas)

Nhưng, khi ở độ sâu chưa đủ tạo ra áp suất và nhiệt độ cao và ở những lớp đá có độ thấm và độ rỗng thấp thì dầu khí không thể tập trung vào một chỗ mà tích tụ trong các lỗ hổng nhỏ, không liên thông, nằm xen kẽ giữa các lớp đá phiến. Các lớp đá phiến này thường nằm ở độ sâu chừng hơn 1-6 km trong lòng đất, tùy theo cấu tạo địa chất từng vùng. Dầu khí được hình thành trong trạng thái như vậy được gọi là dầu khí bị “nhốt” trong đá phiến, gọi tắt là dầu khí đá phiến (shale oil & gas) hay dầu khí phi truyền thống (unconventional oil & gas).

AI LÀ CHA ĐẺ CỦA KỸ THUẬT KHAI THÁC DẦU KHÍ ĐÁ PHIẾN?

Thực ra, người ta đã biết về dầu khí đá phiến từ rất lâu nhưng lại không biết cách nào để khai thác nó một cách hiệu quả và ít tốn kém nhất. Vào cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, một kỹ sư dầu khí sống ở thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ tên George Mitchell tiên phong phát triển kỹ thuật nứt vỡ thủy lực (hydraulic fracturing) kết hợp công nghệ khoan ngang (horizontal drilling).

Quá trình khai thác dầu khí đá phiến gồm các công đoạn chính như sau:

  • Đầu tiên người ta khoan thẳng xuống từ 1-3 km tùy theo độ sâu của các vỉa đá phiến có chứa dầu khí. Thường thì độ sâu này sâu hơn các mạch nước ngầm.
  • Với kỹ thuật khoan ngang, mũi khoan được bẻ cua góc 90 độ và tiếp tục khoan ngang vào các mạch đá phiến từ 1-2 km tùy theo độ rộng vỉa. Công đoạn đặt ống và trám xi măng thành giếng tương tự như khai thác dầu khí thông thường được tiến hành liên tục.
  • Sau khi đã có giếng khoan rồi, người ta dùng một thiết bị đặc biệt để cách ly từng vùng một trong giếng khoan ngang và tạo ra các lỗ nhỏ trên thành giếng lẫn đá phiến bằng việc kích nổ các chất nổ chứa trong thiết bị đó.
  • Một hỗn hợp dung dịch gồm nước, cát và hóa chất (trong đó, nước và cát chiếm đến 99,5%) được bơm thẳng xuống giếng ngang với áp lực cao. Thành phần hóa chất trong hỗn hợp này thường được các công ty cung cấp dịch vụ khoan bảo mật như là bí quyết nghề nghiệp.
  • Dưới áp lực cao, hỗn hợp dung dịch bị đẩy mạnh vào các lỗ nhỏ trên thành giếng, tiếp xúc trực tiếp với đá phiến và khiến cấu trúc đá phiến bị phá vỡ tạo thành nhiều khe nứt li ti về mọi hướng. Có thể hình dung các khe nứt li ti này với hình ảnh các rễ con của một rễ cây tỏa ra mọi hướng trong lòng đất.
  • Khi dừng bơm, hỗn hợp dung dịch sẽ được rút lên, tuy nhiên cát có mặt trong hỗn hợp dung dịch đã được đẩy lọt vào trong những khe nứt li ti của đá phiến và sẽ nằm kẹt lại trong đó khi nước rút. Bề rộng của các khe nứt này cao nhất chỉ vào khoảng vài mm.
  • Dầu và khí sẽ theo những khe nứt này di chuyển ngược lên và được tách lọc trên mặt đất bằng những phương pháp tương tự như đã áp dụng với dầu khí truyền thống.

Chi phí cho một lần khoan phi truyền thống này vào khoảng 6 triệu USD (khoảng 120 tỉ đồng) tại Mỹ tùy theo độ sâu và đặc tính địa chất từng vùng. Chi phí sẽ giảm dần theo thời gian khi các kỹ thuật phụ trợ được phát triển và có hiệu quả cao.

Kỹ thuật khoan nêu trên của kỹ sư George Mitchell được xem là khai phá vĩ đại nhất trong lĩnh vực năng lượng của thế kỷ XXI.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA DẦU KHÍ ĐÁ PHIẾN

Nhờ thành tựu vượt bậc trong kỹ thuật khai thác dầu khí đá phiến nên Mỹ sớm vượt qua các nước khác trong lĩnh vực này. Từ năm 2005-2013, sản lượng khai thác dầu khí đá phiến của Mỹ tăng từ 5% lên đến 35% tổng lượng dầu khí khai thác ở nước này. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), trữ lượng dầu khí đá phiến của Mỹ hiện vào khoảng 58 tỉ thùng, chiếm 1/4 tổng trữ lượng dầu mỏ của nước này, trong khi trên thế giới, dầu khí đá phiến chỉ chiếm 1/10 tổng trữ lượng.

Hiện Mỹ đã vượt Nga để trở thành quốc gia sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới. Vẫn theo thống kê của tổ chức trên, nếu tính tổng sản lượng dầu thô quy đổi – bao gồm dầu thô và các loại khí thiên nhiên dạng lỏng (natural gas liquids) – thì Mỹ đã đạt mức 11,5 triệu thùng/ngày, hiện vẫn dẫn đầu thế giới.

Viện Nghiên cứu McKinsey dự báo, ngành công nghiệp dầu khí đá phiến sẽ giúp GDP của Mỹ tăng bình quân 4% hàng năm (tương đương 690 tỉ USD Mỹ), đem lại 2,1 triệu việc làm và đóng góp 74 tỉ USD tiền thuế cho ngân sách của Mỹ năm 2012. Dự báo đến năm 2020, ngành công nghiệp này sẽ đem lại cho Mỹ hơn 3 triệu việc làm mới.

Ghê gớm hơn, nhờ những tiến bộ khoa học kỹ thuật nên chi phí sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ ngày một giảm, giúp sản lượng khai thác ngày càng tăng. Cụ thể, chi phí sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ từ 60 USD/thùng năm 2014 được dự báo sẽ hạ không phanh đến mức chỉ còn trên 12 USD/thùng vào cuối năm 2015. Do đó, giá dầu thô dù có giảm xuống tới 30 USD/thùng thì Mỹ vẫn có lãi trong khai thác.

Giá nhiên liệu lại tác động rất lớn đến nền kinh tế của mỗi quốc gia. Một khi giá nhiên liệu giảm, dân chúng sẽ là người được hưởng lợi: cước vận tải giảm, giá lương thực giảm, chi phí sinh hoạt giảm… Mặt khác, quốc gia nào làm chủ công nghệ khai thác dầu khí đá phiến sẽ giữ thế thượng phong trên bản đồ địa chính trị thế giới.

Fivestar: 
Average: 5 (4 votes)