Cobalt giúp quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng sạch hơn

Trong hơn một thập kỷ, doanh nghiệp Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để mua các công ty khai thác mỏ của Mỹ và châu Âu ở vành đai cobalt thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) - quốc gia sở hữu trữ lượng lớn nhất loại khoáng sản chủ chốt đối với quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng sạch hơn.

Hiện các doanh nghiệp Trung Quốc đang vấp phải rắc rối sau khi một tòa án Congo ra phán quyết cho một trong những công ty lớn nhất tạm thời nhượng quyền kiểm soát mỏ cobalt, theo Wall Street Journal.

Một chiếc xe điện có thể cần tới 4,5-13,6 kg cobalt để chế tạo pin, tùy thuộc vào nhà sản xuất, dù cho các nhà sản xuất ôtô khác đang cố gắng rời xa vật liệu này. Cobalt có khả năng tăng tốc độ sạc và có tác dụng ổn định, kéo dài tuổi thọ pin, ngăn chặn sự ăn mòn cực âm có thể dẫn đến cháy pin.

Cobalt tại nhà máy ở Lubumbashi, Congo.

Congo chiếm 70% tổng sản lượng cobalt của thế giới, theo số liệu năm 2021, và các nhà đầu tư Trung Quốc kiểm soát tỷ lệ sản xuất cobalt tương tự.

Nhu cầu đang gia tăng nhanh chóng và Mỹ lo ngại bị bỏ lại phía sau. Đầu năm nay, chính quyền Biden đã cử một nhóm tới thủ đô Kinshasa để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Congo, nhằm tìm cách để Mỹ có thể đảm bảo quyền tiếp cận kim loại màu xám bạ này.

Daleep Singh, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, chỉ trích cái mà ông gọi là các hợp đồng khai thác "không rõ ràng" của Trung Quốc và cho biết nhiều thế hệ nhà đầu tư đã bóc lột tài nguyên của Congo.

Giờ đây, chính Congo cũng đang tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường, đẩy lùi dấu ấn kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Phi, sau khi một tòa án tuần trước tước quyền kiểm soát quản lý mỏ Tenke Fungurume của công ty China Molybdenum - niêm yết ở Hong Kong.

China Molybdenum sẽ phải “án binh bất động” trong 6 tháng sau khi bị công ty khai thác mỏ Gécamines SA - thuộc sở hữu nhà nước Congo - cáo buộc cố gắng trốn hàng triệu USD tiền phí thuê mỏ bằng cách trình báo báo trữ lượng khai thác thấp hơn vốn có.

China Molybdenum, công ty đã mua mỏ này với giá 2,65 tỷ USD từ Freeport McMoRan Inc. vào năm 2016, đã đề nghị dàn xếp và nói rằng họ hy vọng vấn đề sẽ sớm được giải quyết. Tuy nhiên, quá trình này đang diễn ra chậm chạp.

Hợp đồng khai thác "không rõ ràng"

Công ty này không trả lời yêu cầu bình luận thêm. Nhưng giờ đây, các cuộc điều tra đã mở rộng sang một số công ty khai thác khác của Trung Quốc.

Trong bối cảnh giá cobalt tăng lên mức cao trong nhiều năm, bế tắc trên có thể trở thành bước ngoặt đối với nỗ lực can dự của Trung Quốc với lục địa này.

Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh ít phải đối mặt với sự phản đối tại châu Phi khi đẩy mạnh khai thác khoáng sản có giá trị tại đây, thường để đổi lại các dự án xây dựng đường sá và cơ sở hạ tầng quan trọng khác.

“DRC có thể giữ được tình thế trong một thời gian, đặc biệt là vì tòa án có thể gia hạn phán quyết thêm 6 tháng nữa”, Geraud Neema, nhà phân tích của tổ chức phi lợi nhuận China Africa Project, cho biết.

Gần đây nhất là vào mùa thu năm ngoái, Molybdenum dường như cho rằng vị thế của công ty đã vững chắc hơn ở Congo.

Họ đã bắt đầu thực hiện kế hoạch mở rộng 2,51 tỷ USD để tăng gần gấp đôi sản lượng cobalt và đồng tại mỏ Tenke Fungurume, nằm trong vùng đất khô cằn rộng khổng lồ của tỉnh Lualaba. Triển vọng có vẻ tốt. Giá cobalt đang gia tăng khi sự lạc quan đi lên về việc tiêu thụ nhanh hơn các loại xe điện.

Mỏ Tenke Fungurume năm 2013

Tuy nhiên, kể từ tháng 12/2021, Gécamines - công ty sở hữu 20% cổ phần của mỏ - đã thúc đẩy loại bỏ sự quản lý của doanh nghiệp Trung Quốc. Họ cáo buộc Molybdenum đánh giá thấp trữ lượng của mỏ và trả phí dưới tầm cho phía Congo.

Các khoản thanh toán tiền thuê mỏ đã tăng gấp ba lần trong những năm gần đây sau khi Congo tuyên bố cobalt là khoáng sản chiến lược.

Giới chức trách Congo cũng đang điều tra 6 tỷ USD trong các giao dịch do Trung Quốc tài trợ, đổi xây dựng cơ sở hạ tầng lấy khai thác khoáng sản.

Một số nhà phân tích trong ngành đang đặt câu hỏi về sự ổn định của công nghiệp cobalt ở Congo. Sự thiếu chắc chắn đã đe dọa đẩy giá cao hơn. Giá cobalt đã tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 1/2020 khi các nhà sản xuất xe điện gấp rút đảm bảo nguồn cung.

Alexandre Raymakers, nhà phân tích của công ty tư vấn rủi ro Maplecroft, cho biết: “Chính phủ Congo từng có tiếng về việc gây sức ép lên các nhà khai thác nước ngoài để yêu cầu các khoản thanh toán bổ sung. Quy mô sự hiện diện của Trung Quốc trong ngành khai thác mỏ của nước này khiến các tài sản do Trung Quốc kiểm soát là mục tiêu hàng đầu”.

Trong chuyến thăm tới khu vực khai thác mỏ vào giữa năm ngoái, Tổng thống Congo Félix Tshisekedi tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ tiếp tục xem xét các hợp đồng khai thác để đảm bảo người dân được hưởng lợi từ các ngành công nghiệp khai khoáng lớn của mình và sau cùng là phá vỡ cái gọi là lời nguyền tài nguyên, bằng cách trả lương cao hơn và thu phí thuê mỏ lớn hơn.

Tổng thống Congo Félix Tshisekedi tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ tiếp tục xem xét các hợp đồng khai thác.

Congo là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, với ngân sách hàng năm khoảng 7 tỷ USD. Hơn 60% trong số 90 triệu dân Congo sống dưới mức 1,90 USD/ngày, theo Ngân hàng Thế giới (WB).

Khi đến rỗng túi, khi về thành tỷ phú

“Tôi phát mệt khi chứng kiến ​​những người nước ngoài đến đây với chiếc túi rỗng và ra đi như những tỷ phú trong khi chúng tôi vẫn nghèo khó”, Tổng thống Tshisekedi nói với đám đông hưởng ứng ở thành phố Kolwezi.

“Những vấn đề tại mỏ Tenke Fungurume vượt ra ngoài các câu hỏi về kỹ thuật. Cơ chế quản lý mới cần gấp rút xử lý các vấn đề về mức lương đang quá thấp”, Anneke Van Woudenberg, Giám đốc điều hành tại tổ chức Rights and Accountability in Development có trụ sở tại Vương quốc Anh, nói. Tổ chức này chuyên ghi nhận những cáo buộc lạm dụng lao động trong ngành công nghiệp cobalt ở Congo.

Ngoài ra, câu hỏi cần được đặt ra về việc Tổng thống Kinshasa có thể để cuộc tranh chấp kéo dài tới đâu, có khả năng làm ảnh hưởng tới uy tín của Congo với các nhà đầu tư. China Molybdenum và chính phủ Congo đã có các cuộc đàm phán nhiều tháng trước khi tòa án tước quyền kiểm soát quản lý của công ty này tại Tenke Fungurume.

Giám đốc điều hành của China Molybdenum, Sun Ruiwen, đã có các cuộc trao đổi hàng giờ với ông Tshisekedi tại phủ tổng thống nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn giữa hai bên.

Một số nhà quan sát nói rằng các mối lo ngại của công ty Congo là phía doanh nghiệp Trung Quốc đã mua lại các mỏ dựa trên những điều khoản không công bằng, ngay khi Congo đang hồi phục sau nhiều năm xung đột, vẫn hợp pháp.

Các nhà quản lý China Molybdenum hiện vẫn ở bên lề cho đến khi công ty kế toán Mazars đánh giá việc công ty này không tuyên bố phát hiện hàng chục nghìn tấn đồng và cobalt trên trang web Tenke Fungurume, khiến Gécamines mất hàng triệu USD tiền phí thanh toán thường niên. Mazars cần làm rõ có yêu cầu công bố trên trang web Tenke Fungurume khi các nguồn khoáng sản mới được phát hiện hay không.

Trong khi đó, công dân Trung Quốc đang trở thành mục tiêu cho tội phạm và các nhóm phiến quân vũ trang. Năm công dân Trung Quốc đã bị bắt cóc ở miền Đông Congo vào tháng 11/2021 sau một cuộc tấn công vào mỏ vàng do doanh nghiệp Trung Quốc điều hành.

Một tháng sau, Đại sứ quán Trung Quốc ở Kinshasa kêu gọi công dân rời khỏi ba tỉnh tới an toàn hơn vì bạo lực trở nên tồi tệ hơn trong những khu vực giàu khoáng sản.

"Xin hãy nắm đầy đủ về mức độ nghiêm trọng và sự phức tạp của tình hình an ninh hiện tại", Đại sứ quán cho biết trong một khuyến nghị đưa ra ngày 2 và 3/3. "Cẩn thận chuẩn bị các kế hoạch khẩn cấp để điều chỉnh sự sắp xếp sản xuất, vận hành và nhân sự trong trường hợp khẩn cấp".

Fivestar: 
No votes yet