Mọi người đều có tế bào ung thư, và sẽ phát triển ung thư 6 – 10 lần trong đời

Sự thật là: Dưới ánh sáng khoa học hiện đại, ung thư được xem là một căn bệnh về gen, gây ra do sự tổ hợp của các đột biến, mà các đột biến này có thể bắt nguồn từ cha mẹ, hoặc từ chính lỗi sao chép tự nhiên của tế bào, nhưng thường thì chúng bắt nguồn từ các hoạt động sống, như ăn uống, phơi nhiễm phóng xạ, phơi nhiễm tia cực tím… Các tổ hợp đột biến này thay đổi cách điều hòa của tế bào, khiến chúng sinh trưởng vượt các giới hạn của cơ thể, và chống lại sự kiềm hãm hoặc tiêu diệt của cơ thể, theo lời giải thích của Luis Diaz, một bác sĩ - nhà khoa học tại Trung tâm Di truyền học ung thư Ludwig, thuộc Trung tâm Ung thư Johns Hopkins Kimmel.

Loại tế bào này được gọi là tế bào ác tính hay tế bào ung thư. Trong số hàng nghìn tỷ tế bào trong cơ thể, mỗi ngày chúng ta đều sinh ra hàng trăm, thậm chí hàng ngàn các tế bào bị đột biến, nhưng hầu hết chúng đều tự sửa chữa, hoặc bị tiêu diệt và không bao giờ dẫn đến ung thư, Diaz nói.

Mọi người đều có tế bào ung thư, và sẽ phát triển ung thư 6 – 10 lần trong đời

Mô phỏng quá trình chọn lọc và tiến hóa của ung thư từ những tế bào đột biến đầu tiên.

Theo lý thuyết hiện nay, có thể tưởng tượng quá trình hình thành ung thư như hình trên. Nếu coi tất cả những tế bào đột biến mỗi ngày trong cơ thể là những tế bào nhiều màu ở bên trái, sau khi qua rào cản #1, những tế bào có màu xanh dương sẽ không sống sót nổi. Tương tự, khi qua rào cản #2, những tế bào có màu xanh lá sẽ không sống sót. Trong suốt quá trình hình thành, tế bào đột biến cũng sẽ tiếp tục tích lũy đột biến có lợi cho nó để vượt qua tất cả các rào cản, như trong hình là từ tế bào màu vàng, nó biến đổi dần dần để thành tế bào màu đỏ, cái mà có thể vượt qua tấc cả các rào cản của cơ thể để sống sót và từ đó phát triển thành ung thư.

Và tất nhiên, không phải tế bào đột biến nào sống sót cũng thành ung thư, cũng như không phải đột biến nào cũng hướng tế bào đến sự hình thành ung thư. Điển hình là các nốt ruồi của bạn. Chúng đều là các tế bào da bị đột biến, làm tăng sinh melanin, chất tạo ra màu đen của nốt ruồi cũng như ở vùng da tiếp xúc nhiều với nắng, và chỉ dừng lại ở đó. Nhưng nếu chúng tiếp tục đột biến, và tạo ra một vùng nốt ruồi không tròn, thì cẩn thận, đó là dấu hiệu của ung thư hắc tố bào.

Một điều đáng nói nữa là gần như toàn bộ các đột biến đều là các thay đổi xảy ra ngẫu nhiên trên bộ gen của bạn. Trong khi số gen cần thiết để tạo ra ung thư không nhiều, nhưng số gen thiết yếu lại rất nhiều, nên đa số các đột biến đều ở các gen thiết yếu này và tế bào sẽ không sống nổi, hoặc sẽ dễ dàng bị đánh dấu là tế bào lỗi và bị hệ miễn dịch loại bỏ. Do đó, ung thư cũng có thể nói là bệnh theo xác suất, tức là có thể bạn ăn uống, sinh hoạt và sống trong môi trường rất lành mạnh, bạn vẫn có một xác suất bị ung thư (tuy rất nhỏ). Và hiển nhiên, nếu bạn ăn uống thiếu, sinh hoạt khoa học, hoặc môi trường của bạn có nhiều độc tố, thì số lượng tế bào đột biến mỗi ngày sẽ tăng lên (hình 1, nhóm tế bào bên trái), đồng nghĩa với việc tăng xác suất “chọn lọc” được tế bào mang tổ hợp đột biến đủ để ung thư (hình 1, nhóm tế bào bên phải).

Tóm lại:

Phải nói chính xác là: Mỗi người đều có rất nhiều tế bào đột biến sinh ra và chết đi mỗi ngày. Tế bào nào sống sót qua được quá trình sàng lọc của cơ thể sẽ hình thành ung thư. Lối sống, môi trường không lành mạnh sẽ làm tăng số lượng tế bào đột biến, đồng nghĩa với việc tăng xác suất có tế bào vượt qua được sự sàng lọc này.

Bạn thấy bài viết này như thế nào?: 
Average: 10 (1 vote)