Năm 2019, năm nợ nần, tù tội của các tỷ phú Trung Quốc

Nền kinh tế giảm tốc, chính quyền siết chặt quản lý khiến nhiều tỷ phú lâm vào nợ nần, tù tội và thậm chí đã tự tử.

Bình luận về giới "đại gia của Trung Quốc, SCMP cho rằng, năm 2019 sẽ được ghi nhớ là một trong những năm khó khăn nhất với người giàu nước này. 

Nền kinh tế giảm tốc, làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư tư nhân khiến Bắc Kinh phải đưa ra nhiều thông điệp trấn an. Ngay cả Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, cũng thừa nhận tại một hội nghị cuối năm là hầu hết các doanh nhân nước này gặp khó khăn trong năm qua.

Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba

Trong số những người đáng chú ý có Wang Sicong, con trai của tỷ phú Wang Jianlin. "Cậu ấm" này nổi tiếng trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc về cuộc sống ăn chơi xa hoa cá nhân.

Tuy nhiên, hồi tháng 11/2019, Wang Sicong đã bị tòa án triệu tập vì không thể trả nợ sau khi liên doanh trực tuyến Shanghai Panda Entertainment phá sản. Thời gian sau, Prometheus Capital do Wang làm chủ tịch cho biết công ty đã giải quyết xong với các chủ nợ.

Sự giàu có của Wang Jianlin cũng bị thu hẹp khi Bắc Kinh để mắt đến Tập đoàn Wanda của ông vì vay quá nhiều tiền từ nước ngoài. Rắc rối tài chính của "thiếu gia" Wang Sicong tương phản rõ rệt với những gì anh từng chia sẻ trên mạng xã hội vào năm 2014 khi mua 2 chiếc Apple iWatch mới ra mắt để đeo cho con chó cưng tên Keke.

Câu chuyện của Wang Sicong là dấu hiệu cho thấy tài sản cá nhân có thể biến mất nhanh chóng như thế nào ở Trung Quốc, nơi tăng trưởng ngày càng được xây dựng dựa trên nợ và thiếu luật lệ để bảo vệ tài sản cá nhân.

Và đây cũng không phải là câu chuyện lụn bại duy nhất ở Trung Quốc năm ngoái. Nhiều ông trùm tỉnh lẻ từng giàu có cũng chịu số phận tương tự.

Xiao Yongming, từng là người đàn ông giàu nhất tỉnh Thanh Hải nhờ kiểm soát tài nguyên kali địa phương, đã bị một tòa án Trung Quốc đưa vào danh sách đen vì không trả được nợ và bị cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Trung Quốc phạt.

Trong khi Xiao từng khoe về việc dùng trực thăng riêng để tránh ùn tắc giao thông thì giờ đây phải đối mặt với hạn chế không thể tiếp cận đường sắt tốc độ cao và hàng không.

Doanh nhân Yang Kai

Hay như doanh nhân Liêu Ninh Yang Kai có khoản nợ 72 nhân dân tệ (10,3 triệu USD) và đã bị đưa vào danh sách đen trong hệ thống tòa án Trung Quốc vì không trả được nợ. Công ty bơ sữa Huishan của ông đã chính thức bị hủy niêm yết khỏi sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong vào tháng trước.

"Thiếu gia" Wang Sicong, con trai tỷ phú Wang Jianlin nổi tiếng với cuộc sống xa hoa

"Thiếu gia" Wang Sicong, con trai tỷ phú Wang Jianlin nổi tiếng với cuộc sống xa hoa

Tuy nhiên, các doanh nhân Trung Quốc không chỉ gặp rắc rối với chính quyền vào năm 2019 chỉ vì các khoản nợ.

Guan Yanbin, cựu chủ tịch của Tập đoàn Dược phẩm Hướng Dương, đang phải đối mặt với phiên tòa cáo buộc giết vợ cũ. Wang Zhenhua, ông trùm bất động sản tỉnh Giang Tô, bị bắt vào tháng 7/2019 và đang chờ xét xử về tội lạm dụng tình dục trẻ em. Yang Zhuoshu, từng là người giàu nhất ở tỉnh Hà Bắc, đã bị cảnh sát bắt vào tháng 5/2019 vì ăn chặn công quỹ. Hiện không rõ liệu ông có bị kết án hay không.

Zhang Wei, một nhà đầu tư của Ngân hàng Cam Túc, đã bị bắt vào tháng 4/2019 vì là thành viên của băng đảng kiểu mafia, chuyên gây quỹ bất hợp pháp, quấy rối, tống tiền, giam giữ người dân và sở hữu súng, theo Công an Thâm Quyến.

Đào Bitcoin

Trong khi đó, Zhang Zhenxin, một ông trùm tài chính, người sở hữu một đế chế kinh doanh rộng lớn của Trung Quốc về cho vay ngang hàng để đào Bitcoin, đã chết ở London vào tháng 9/2019 trong một vụ tự tử.

"Nhiều người trong số các ông trùm tư nhân sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức trong năm tới", theo ông Đinh Ôn Giới, nhà kinh tế tại CMB International Securities. Xu hướng chung là thắt chặt quy định, đặc biệt là trong các ngành tạo ra lợi nhuận lớn.

"Trước đây khi nền kinh tế hoạt động tốt, các công ty này khá năng nổ và tìm thấy lỗ hổng chính sách để kinh doanh. Các nhà chức trách muốn điều chỉnh hành vi của họ ngay bây giờ, vì vậy chính sách sẽ tiếp tục thắt chặt", vị chuyên gia nói.

Kinh tế bùng nổ trong bốn thập kỷ qua đã tạo ra một tầng lớp siêu giàu mới trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc đã vượt qua Mỹ với số lượng người siêu giàu lớn nhất vào năm 2019, với 100 triệu so với 99 triệu ở Mỹ, theo báo cáo của Credit Suisse được công bố vào tháng 10.

Tuy nhiên, theo SCMP, nhiều người siêu giàu tại đây dễ bị tổn thương trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Niềm tin suy yếu trong khu vực tư nhân là một lý do chính khiến môi trường đầu tư chậm chạm và vốn chảy ra nước ngoài.

Bạn thấy bài viết này như thế nào?: 
Average: 10 (3 votes)