Toàn bộ ĐBSCL đang sụt lún dần với tốc độ gần 2,5 cm mỗi năm

Ở khu vực biển Tây (vùng bán đảo Cà Mau) trước đây có tỷ lệ lấn ra biển cao thì nay đến 70% diện tích có diễn biến thoái lui.

Ngày 18/12, WWF công bố kết quả dự án tăng cường năng lực của các tổ chức xã hội trong việc tham gia quản trị tài nguyên nước tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long do cơ quan này cùng Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VNR) và Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) thực hiện trong hai năm qua.

Nhóm nghiên cứu nêu thực trạng khu vực thượng nguồn đang bị tác động bởi các đập thủy điện khiến lượng phù sa, bùn cát xuống đồng bằng sông Cửu Long làm thay đổi hoàn toàn chế độ thuỷ văn của vùng hạ lưu. Tác động này làm giảm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của toàn vùng.

Các nghiên cứu của WWF từ năm 2013 đến 2015, phân tích từ hơn 2.000 ảnh vệ tinh cho thấy ở ven biển Đông (khu vực tỉnh Bến Tre, Trà Vinh) có đến 48% khu vực bờ biển có biểu hiện thoái lui, trong khi chỉ có 22% có biểu hiện lấn ra biển. 

Khu vực bán đảo Cà Mau có tốc độ sụt lún và xâm lấn bờ biển mạnh nhất

Ở khu vực biển Tây (vùng bán đảo Cà Mau) nơi trước đây có tỷ lệ lấn ra biển cao thì nay đến 70% diện tích có diễn biến thoái lui.

"Toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long đang bị sụt lún dần với tốc độ từ 0,5 - 2,5 cm/năm, các khu vực lún nhanh và nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh", báo cáo nêu.

Ngoài ra, ô nhiễm nguồn nước do thâm canh canh tác nông nghiệp, thuỷ sản và phát triển các khu công nghiệp và các khu đô thị ven sông cũng đáng báo động. Việc  sử dụng khoảng 2 triệu tấn phân bón hóa học, gần 500.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật  hàng năm có thể gây các rủi ro sự cố môi trường do sự tồn dư hóa chất độc hại trong môi trường nước. 

Nhiều mô hình canh tác thủy sản khác nhau với quy lớn dẫn tới lượng chất thải đổ ra sông Tiền và sông Hậu nhiều, khiến mức độ nguy hại cho môi trường nước ngày càng trầm trọng, gây nên các tác động xấu đến chất lượng nước và dịch bệnh phát sinh.

Lượng nước thải của 12.700 doanh nghiệp đang hoạt động chưa được xử lý triệt để, tiếp tục thải ra nguồn tiếp nhận là sông, kênh, rạch, làm suy giảm chất lượng nước mặt, gây nên các dịch bệnh cho nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là gây hại đến sức khỏe người dân.

Nhóm nghiên cứu đưa ra 5 khuyến nghị. Một trong số đó là cần duy trì hoạt động của mạng lưới quản trị tài nguyên nước ở đồng bằng sông Cửu Long với các thành viên nòng cốt tại các tỉnh thông qua đầu mối là MekongNet tại Cần Thơ và Mạng lưới sông ngòi tại Hà Nội. 

Mở rộng thêm các thành viên là các cá nhân, nhóm cộng đồng địa phương, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ để tăng cường chia sẻ thông tin, nhân rộng các sáng kiến, mô hình thành công trong quản trị tài nguyên nước, phát triển sinh kế.

Bạn thấy bài viết này như thế nào?: 
No votes yet