Ba nhà khoa học Việt Nam lọt vào danh sách Thomson Reuters

Thomson Reuters, tổ chức hàng đầu thế giới về việc theo dõi và công bố thông tin tri thức về chuyên gia nghề nghiệp toàn cầu, vừa báo cáo danh sách hơn 3.000 nhà khoa học “có ảnh hưởng lớn nhất” trong năm 2014.

Lần đầu tiên ba nhà khoa học Việt Nam lọt vào danh sách này.

Ba nhà khoa học gồm GS Đàm Thanh Sơn (Mỹ) đang giảng dạy ngành vật lý tại Đại học Chicago; GS.TS Nguyễn Sơn Bình (Mỹ) nghiên cứu giảng dạy ngành hóa học, Đại học Northwestern; PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng (Việt Nam), trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM. 

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng là một trong ba nhà khoa học Việt Nam thuộc danh sách của Thomson Reuters năm nay,

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng, từ Việt Nam, là một trong ba nhà khoa học người Việt thuộc danh sách của Thomson Reuters năm nay.

GS-TS Đàm Thanh Sơn

Giáo sư - Tiến sĩ vật lý Đàm Thanh Sơn (Sinh năm 1969) là cựu học sinh khối chuyên Toán - Tin tại trường THPT Chuyên khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông từng đạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 1984 với số điểm tuyệt đối khi mới 15 tuổi. Ông theo học ngành vật lý tại Đai học Tổng hợp Quốc gia Moscow (Nga), và tới năm 25 tuổi, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Moscow.

Ông đã có nhiều năm nghiên cứu hậu tiến sĩ cũng như làm giáo sư tại nhiều trường Đại học và trung tâm nghiên cứu uy tín ở Mỹ như Đại học Massachusetts, Đại học Washington, Phòng thí nghiệm Quốc gia Mỹ Brookhaven... Ông hiện còn là thành viên cao cấp của Viện lý luận Hạt nhân (Mỹ).

Ngày 29/4/2014, GS - TS Đàm Thanh Sơn đã được bầu vào viện Hàn lâm khoa học Mỹ NAS. Tất cả các viện sĩ tại viện này đều là những người có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, đã được công nhận.

GS-TS Nguyễn Sơn Bình

Giáo sư -Tiến sĩ Nguyễn Sơn Bình hiện đang là giảng viên hóa học tại Đại học Northwestern, Mỹ.

GS - TS Nguyễn Sơn Bình tốt nghiệp cử nhân hóa học tại Đại học PennState (Mỹ) và nhận bằng thạc sĩ tại Viện Công nghệ California. Ông từng có thời gian nghiên cứu sau tiến sĩ theo chương trình của Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF) tại Viện nghiên cứu Scripps (Mỹ).

PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng

Phó Giáo Sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng (sinh năm 1976), hiện đang làm giảng viên Bộ môn Cơ học, khoa Toán - Tin học tại Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp HCM, đồng thời hợp tác giảng dạy và nghiên cứu tại một số Đại học khác trong thành phố.

Ông còn đảm nhiệm vị trí Phó Tổng biên tập tờ báo khoa học “Asia Pacific Journal of Computational Engineering, APJCEN. Đây là tạp chí khoa học quốc tế bằng tiếng Anh, với đội ngũ biên tập gồm nhiều nhà khoa học tại các trường đại học viện nghiên cứu uy tín trên thế giới.

Ông Hùng có bằng Thạc sỹ trong lĩnh vực cơ học môi trường liên tục và Tiến sỹ trong lĩnh vực cơ học tính toán tại Đại học Liege (Bỉ). Năm 2011, PGS - TS Hùng được trường Kỹ thuật hàng không không gian Mỹ mời làm việc trong một dự án nghiên cứu của mình.

PGS- TS Nguyễn Xuân Hùng đã có hơn 60 bài báo quốc tế và hơn 40 báo cáo khoa học được đăng tải tại các kỷ yếu của các hội nghị uy tín trong lĩnh vực của mình.

Danh sách 3.000 nhà khoa học có ảnh hưởng lớn nhất của Thomson Reuters được giới khoa học quốc tế coi như bản đánh giá thành tích khoa học khách quan nhất. 

"Khoa học và các công trình sáng tạo là những bàn đạp tiến tới tương lai mạnh mẽ nhất của nhân loại. Những cá nhân là các chuyên gia và nhà nghiên cứu trong những ngành này chính là người kéo tương lai lại gần với thực tế", ông Basil Moftah, Chủ tịch của Thomson Reuters cho hay.

Bản báo cáo năm 2014 của Thomson Reuters là công trình tổng hợp của một nhóm chuyên gia không dưới 4000 người. Việc đánh giá dựa trên các bài báo, công trình khoa học của các nhà khoa học được xuất bản trong năm 2013, ảnh hưởng của các công trình này, số lần được các tác giả khác trích dẫn. 

Bản báo cáo của Thomson Reuters nêu rõ sự kiện và công trình khoa học được các nhà khoa học quan tâm và bàn thảo. Báo cáo này có hai phần chính, trong đó hạng mục "Nhóm nhà nghiên cứu có công trình nghiên cứu nóng nhất" thuộc phần 1, công bố những cá nhân đã có ít nhất 15 công trình đăng tải gần nhất - nhận được những đánh giá, trích dẫn nổi trội. 

Nhà nghiên cứu nữ Stacey B. Gabriel được xếp hàng đầu trong danh sách vì đã có đến 23 công trình nóng nhất trong năm.

Phần hai, là danh sách cập nhập ở mức độ rộng hơn về các nhà nghiên cứu có tầm ảnh hưởng nhiều nhất thế giới - nhóm này thường được biết đến với tên "Highly Cited Researchers". Danh sách "Highly Cited Researchers" năm nay là kết quả cộng tác của Thomson Reuters với trường Đại học Giao thông Thượng Hải. (Bảng xếp hạng chất lượng đại học thế giới - Academic Ranking of World Unversities là bảng xếp hạng được đưa ra bởi trường Đại học Giao thông Thượng Hải).

Nguồn GAFIN/DVO

Bạn thấy bài viết này như thế nào?: 
No votes yet