4 điều nên cân nhắc khi làm việc cho startup

Giải thích về startup

Tất nhiên công ty nào cũng phải trải qua giai đoạn “khởi nghiệp”. Tuy nhiên, đặc điểm chung của các startup thường là việc vận dụng công nghệ hoặc mô hình mới để giải quyết những vấn đề cấp thiết của cuộc sống. Nếu thành công, các startup có thể trở thành những công ty lớn với sức ảnh hưởng khổng lồ. Các công ty hàng đầu như Facebook hay Google là ví dụ của những startup thành công nhất. Ở Việt Nam, làn sóng startup đã phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lại đây.

Gần đây, mọi người thường xuyên nghe nhắc đến cụm từ “startup”. Thuật ngữ này rất phổ biến ở nước ngoài, và vài năm trở lại nay đã “du nhập” vào Việt Nam, với ý nghĩa là “các công ty trong giai đoạn khởi nghiệp”. Làn sóng startup phát triển rất nhanh và nhận được sự hưởng ứng rất nồng nhiệt của các nhân tài trẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, cần hiểu rõ sự khác biệt của môi trường làm việc startup và môi trường làm việc trong các công ty khác. Vốn từng làm ở 2 startup ở 2 lĩnh vực khác nhau, tôi xin được chia sẻ một số kinh nghiệm để mọi người có thể chọn được cho mình một nơi làm việc phù hợp.

1. Bạn có thích “đặt nền móng” cho mọi thứ?

Lời khuyên của tôi: Đừng làm việc cho công ty startup nếu bạn thích mọi thứ phải được chuẩn hóa sẵn, có quy trình đầy đủ và áp dụng hết tất cả các công cụ tiện dụng trong công việc. Tại hầu hết các công ty startup, đặc biệt là ở Việt Nam, bạn sẽ bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh, mọi việc đều phải tự tìm hiểu và tự mày mò. Nếu ở một công ty vẫn còn đang ở giai đoạn phát triển nhân sự, nhiều lúc bạn cũng phải tự làm việc một mình mà có ít sự giám sát của cấp trên. Bạn sẽ có nhiều không gian để sáng tạo và tự do đặt ra các tiêu chuẩn cho chính mình, nhưng ngược lại đôi lúc bạn cũng sẽ cảm thấy mình bị “lạc lối”.

Nếu bạn quen với sự thụ động và cảm thấy khó khăn khi phải tự tạo ra các quy tắc, có lẽ bạn nên cân nhắc khi ứng tuyển vào các startup. Tuy nhiên, nếu kĩ năng quản lý công việc và tư duy làm việc của bạn tốt, môi trường startup sẽ làm nơi rất tốt để bạn thoải mái “vẫy vùng” và tạo nên những thành tựu cho bản thân.

2. Bạn có thích “học, học nữa, học mãi”?

Một trong những đặc điểm cơ bản của môi trường làm việc startup là việc bạn sẽ phải liên tục học hỏi và thích ứng cùng với sự phát triển của công ty. Có nhiều khả năng vị trí mà bạn đảm nhận ở công ty là vị trí hoàn toàn mới, trước đó chưa có ai đảm nhận. Do đó, việc học hỏi những công việc mới là chuyện thường ngày ở startup. Mặt khác, một số startup sơ khai còn chưa hình thành các phòng ban rõ ràng, và nhân lực cũng còn thiếu, nên khối lượng công việc bạn phải đảm đương khá nhiều, và phải vận dụng nhiều kĩ năng khác nhau. Chính điều này sẽ thúc đẩy bạn chủ động tìm tòi, học hỏi rất nhanh và phát triển bản thân một cách toàn diện. Nếu bạn đã quá chán việc phải học hỏi thường xuyên mà chỉ muốn làm đúng kiến thức sẵn có, thì startup không dành cho bạn. Còn nếu bạn khao khát nâng cao năng lực bản thân, đừng chần chừ chọn ngay một startup thú vị để làm việc.

3. Bạn có biết đàm phán mức lương không?

Không giống như những công ty lớn, ngân sách dành cho lương của các startup linh động hơn một chút, chủ yếu do chưa xây dựng hệ thống lương chi tiết. Các vấn đề lương bổng của từng nhân viên đôi khi cũng do chính tổng giám đốc cân nhắc và quyết định, đặc biệt là các vị trí quản lý. Nếu bạn ứng tuyển vào các vị trí này, hãy chuẩn bị sẵn sàng để đàm phán mức lương thật tốt, và đồng thời cũng thể hiện bản thân thật tốt để thuyết phục nhà tuyển dụng mình xứng đáng với mức lương đó.

Nhiều người quan niệm rằng các công ty startup không trả lương nhiều, nhưng thực sự theo tôi các startup không phải lúc nào cũng như vậy. Chỉ là việc quyết định mức lương sẽ không quá bó buộc vào một khung lương, nên tùy vào khả năng và “giá trị” của ứng viên, mức lương có thể thấp hoặc cao bất ngờ. Nếu điều này đối với bạn là quá “phiêu lưu”, hãy chọn các công ty lớn để nộp đơn. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ mình đủ năng lực và đủ sức đóng góp cho một công ty startup, đừng bỏ qua cơ hội ứng tuyển ở công ty đó nhé. Đãi ngộ cho bạn sẽ rất xứng đáng nếu bạn biết cách thương lượng mức lương hiệu quả.

4. Bạn có dễ dàng mở lòng với đồng nghiệp?

Khi còn đi làm ở những công ty lớn, tôi thường luôn quan niệm rằng công việc là công việc và những mối quan hệ xung quanh thì nên tách biệt nhau ra. Nhưng khi chuyển qua một công ty startup, mọi thứ không còn như vậy nữa. Trong một môi trường khá hạn hẹp về không gian và hạn chế về nhân lực, những đồng nghiệp xung quanh đồng thời cũng sẽ là những người cực kỳ thân thiết với bạn. Bạn sẽ không thể nào tưởng tượng được sự gắn kết giữa các thành viên trong công ty startup là như thế nào đâu. Họ có thể chia sẻ mọi chuyện với nhau trong công việc và cuộc sống. Đối với những người sống khép kín, việc này đúng là thật phiền toái. Nếu bạn không phải là người cởi mở, môi trường startup có thể sẽ rất khó khăn để bạn hòa nhập. Ngược lại, nếu bạn là người dễ dàng mở lòng với mọi người, tôi tin rằng môi trường startup sẽ thực sự là ngôi nhà thân thương thứ hai của bạn, nơi bạn có thể thoải mái thể hiện bản thân mà không vấp phải rào cản “chính trị nơi công sở”.

Môi trường startup nhìn chung đòi hỏi rất nhiều sự “tự thân vận động” từ phía bạn, nhưng ngược lại cũng đem lại cho bạn cơ hội phát triển bản thân “thần tốc” cùng những đãi ngộ phù hợp với năng lực của bạn. Đối với riêng tôi, các công ty startup đã là bệ phóng để tôi vươn lên những vị trí tốt hơn ở các công ty lớn. Còn bạn, bạn đã sẵn sàng làm việc cho một công ty startup chưa? Không phải ai cũng phù hợp để gia nhập vào thế giới startup, nên bạn hãy nghiên cứu những lời khuyên của tôi thật kĩ để quyết định nộp đơn hay không nhé.

Bạn thấy bài viết này như thế nào?: 
No votes yet