Tự khuyên mình

Từ lúc con người sinh ra, có lẽ vì sự tồn tại của chính mình, nên khi ngẩng cao đầu, trước hết đã đối ngoại, đối mặt với người khác, với hoàn cảnh sống của mình, một cách kiên quyết và mãnh liệt. Bản tính tự nhiên đó đã đem lại cho con người những thành công trong cuộc giành giật với thiên nhiên, với xã hội, đã tạo nên những chuyển biến to lớn trong lịch sử . Đó là thế mạnh căn bản của con người.

Thế nhưng chính chỗ ấy, chính cái chỗ thường hướng ngoại, và hơn nữa chỉ biết hướng ngoại ấy có nguy cơ trở thành chỗ yếu của con người. Biết bao người thường ít khi tự hỏi mình là ai, mình là người như thế nào ? Nghĩa là quên mất hay chưa bao giờ nghĩ tới; cùng với bản tính hướng ngoại con người vốn và cần phải có bản tính hướng nội - đối mặt với chính mình để hiểu mình, để đánh giá đúng mình mà vươn lên.

Người ta thường mắc sai lầm không phải vì yếu, vì dốt, mà là đã yếu đã dốt lại cho là mình mạnh mình giỏi, tệ hơn hết là tự cho mình khong hề bị thất bại. Đức Phật nói: "Thắng ngàn quân địch chưa gọi là thắng, tự chiến thắng chính mình mới là chiến công oanh liệt nhất. Làm người mà không xấu hổ thì sao thành người được."

Cố nhiên, nói hướng nội là nói chuyện con người tự xem lại mình một cách thành tâm, sâu sắc và chân thành như cách nói của cổ nhân "biết người, biết người, muôn sự tất thành" chứ tuyệt nhiên khong phải xem lại mình để rồi tự huyễn hoặc mình cho mình là tất cả, là "rốn của vũ trụ" theo kiểu độc mã chí tôn, trùm lợp, chèn ép người khác, hoặc tự bó tay bó chân mình.

Muốn chinh phục người khác

Đã đành làm người, làm người thì không thể không biết tự khẳng định mình. Nhưng đó dứt khoát không phải là kiêu ngạo, khinh người. Bởi lẽ, khinh người là người khinh, trọng người là trọng mình. Kiêu ngạo và khinh người chỉ có thể sánh với sự ngu ngốc như người La Mã đã nói, bất cứ kẻ ngu ngốc nào cũng đều phê phán và chỉ trích mà không chịu bằng lòng trong mọi vấn đề" hoặc giả như ông cha ta thường căn dặn con cháu : "những bông lúa lép thường thích ngoi cao đầu."

Khi con người sống ngẩng cao đầu là khi tự nhìn mình, tự đánh giá, tự thẩm định mình một cách đúng đắn, thành tâm, để hòa hợp với cộng đồng nhưng vẫn giữ được là mình. Biết đối mặt với chính mình một cách không hổ thẹn thì lúc đó mới thật sự ngẩng cao đầu. Muốn chinh phục người khác, trước hết phải chinh phục chính mình, tài hèn đức mọn mà mưu chiếm ngôi vị cao là rứa họa vào thân, còn cố giữ ngôi vị ấy lại là đại họa.

Nhân chi sơ tính bản thiện, bản tính vốn có của con người là nhân hậu, là vị tha và khoan dung. Hãy đến với những người không ai đến, hãy cho những người không ai cho! Điều đáng sợ nhất là khi công lý tách rời khỏi lòng nhân ái, chớ phê bình những người khác nếu trong trường hợp tương tự mình cũng hành động như vậy. Người xưa căn dặn : "Cái mình không muốn thì đừng làm cho người khác" và rằng "nhân đức làm cho người ta đáng yêu khi sống và đáng nhớ khi chết".

Đối mặt với chính mình là tự đánh giá, tự trải nghiệm, tự điều chỉnh chính bản thân mình, tự nâng mình lên và đi tới trong cuộc sống. Không muốn tới đích thì dù khởi sự tốt cũng uổng công, nhưng thiếu tự tin lại là nguyên nhân của phần lớn các thất bại. Chỉ có những ai tự biết mình, mới tự điều chỉnh mình được. Cho nên nếu đã nói , khi vừa ngẩng cao đầu con người đã thường hướng ngoại thì xin được nói thêm, con người cần biết và thường phải biết hướng nội. Có thế mới có thể biết sống và tranh đấu với chất lượng người cao hơn và mạnh mẽ hơn. Người biết tự răn mình và soi mình trong mắt người khác là người biết trọng mình và biết trọng người khác, là CON NGƯỜI theo nghĩa viết hoa như cách nói của Mắc Xim Gocxki, hay "con người phải làm chủ bản thân để có thể làm chủ thế giới" (Charler Win ).

Đối mặt với chính mình là cách tốt nhất để đánh thức những bản chất tốt đẹp còn tiềm ẩn trong chính bản thân con người, làm cho con người tự biết chiến thắng mình, mà chiến thắng chính mình là chiến thắng hiển hách nhất của con ngời" (Napoleon Bonabac)

Vâng chỉ có những ai tự làm muối mới có thể giữ mặn được chính mình và kỳ vọng ướp mặn được người khác.

Bạn thấy bài viết này như thế nào?: 
No votes yet