4 đời Công tử Bạc Liêu và một kết cục bi đát

Vào năm 1895, tại Bạc Liêu có một đám cưới giữa một bên là thầy ký quèn mang họ Trần Trinh và một bên là con gái của ông bá hộ trong vùng. Nhờ đám cưới “một bên có tiền, một bên có tài” ấy mà sau này đất Bạc Liêu có ông hội đồng Trạch giàu có nhất “Nam kỳ lục tỉnh”. Để rồi sau đó nữa, đất Bạc Liêu có thêm một người được xếp vào loại “ăn chơi phóng túng nhất mọi thời đại” ở phương Nam, đó chính là Công tử Bạc Liêu.

Chuyện tình thầy ký Trạch

Một ngày cuối năm 1895, tại xã Châu Hưng - huyện Vĩnh Lợi – tỉnh Bạc Liêu, diễn ra lễ cưới của cô con gái thứ tư của ông bá hộ Phan Văn Bì, một người giàu có nhất nhì tỉnh Bạc Liêu. Tuy là nhà bá hộ, nhưng đám cưới tổ chức không lớn lắm, vì là đám gả con gái, chú rể lại là một thầy ký quèn. Sinh ra trong gia đình nghèo từ miệt Biên Hòa – Đồng Nai trôi dạt về Bạc Liêu khai khẩn đất hoang, khi mới 12 – 13 tuổi đầu Trần Trinh Trạch (SN 1873) phải đi làm mướn cho một gia đình địa chủ đã nhập quốc tịch Pháp.

Chính cái “nghề” đi làm mướn đã là duyên cớ đưa ông trở thành một trong những người giàu nhất Nam kỳ sau này. Theo qui định thời đó, con cái của những gia đình có quốc tịch Pháp phải đi học trường Pháp. Mà các “cậu ấm” trong gia đình ấy chỉ muốn chơi chứ không chịu học, vậy là ông Trạch được mướn đi học thế cho con của chủ nhà. Nhờ vậy mà ông biết chữ (tất nhiên là chữ Tây), để rồi sau này khi lớn lên ông xin được một chân thư ký ở Tòa Bố tỉnh Bạc Liêu.

Một năm hai lần, ông bá hộ Phan Văn Bì đến Tòa Bố tỉnh Bạc Liêu để làm thủ tục đóng thuế điền địa. Ông được viên thư ký điền địa Trần Trinh Trạch tận tình giúp đỡ. Lâu dần, ông Bì có cảm tình với anh thư ký quèn. Các con ông Bì giỏi ăn chơi, nhưng ít học, vì vậy ông thấy quý học thức ở người thư ký.

Một vài lần thư ký Trạch đến đo đạc ruộng đất nhà ông bá hộ, chính ông Bì đã chủ động cho viên thư ký gặp cô con gái thứ tư của mình. Và khi ông Bì nhận ra giữa hai trẻ “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, ông liền chủ động sắp xếp một cuộc hôn nhân. Sau đám cưới, vợ chồng thư ký Trạch được ông bá hộ cắt chia cho một sở đất riêng cả trăm ha và giúp vốn làm ăn, ông Trạch bỏ nghề “thầy ký” để ở nhà tập trung vào ruộng đất.

Nhờ kiến thức đã có, nhất là hiểu biết về luật pháp đất đai, cộng với vốn liếng cha vợ giúp đỡ, ông Trạch ngày càng tích tụ ruộng đất bằng cách thu mua đất đai của những địa chủ thất cơ lỡ vận. Ngay cả trong gia đình ông bá hộ Bì, hầu hết ruộng đất ông đều chia cho các con, nhưng do ít học, không biết làm ăn, lại máu mê cờ bạc, nên dần dà ruộng đất của họ đều được cầm cố và rơi vào tay ông Trạch.

Từ ruộng đất, ông mở mang sang lĩnh vực làm muối và trở thành nhà cung cấp chi phối muối cho cả Nam kỳ, cũng chính nhờ đó ông đã phất lên nhanh, được xếp vào hàng “đại phú” bậc nhất miền Nam. Lúc cao nhất, Trần Trinh Trạch chủ sở hữu 74 sở điền với 110 ngàn ha đất trồng lúa và gần 100 ngàn ha ruộng muối.

Rồi ông bước sang kinh doanh lãnh vực nhà ở với hai dãy phố lầu ở thị xã Bạc Liêu, một dãy phố lầu ở đường La Grandière ở Sài Gòn (nay là đường Lý Tự Trọng). Ông bỏ vốn đầu tư sang lĩnh vực ngân hàng và trở đồng sáng lập Ngân hàng Việt Nam (năm 1927) - ngân hàng đầu tiên do chính người Việt Nam sáng lập và điều hành - có trụ sở đặt tại Sài Gòn, do ông làm Chánh hội trưởng.

Tuy là “đại phú”, nhưng vợ chồng hội đồng Trạch sống rất chuẩn mực, cần kiệm, nhất là bà hội đồng, bà ít khi đụng đến thịt cá hoặc các món cao lương mỹ vị, cả đời chỉ quen với mắm muối đồng quê.

Ba Đức trước biệt thự Công tử Bạc Liêu

Ông Trạch có 7 người con, 4 gái, 3 trai. Trong 3 người con trai của ông Trạch, Trần Trinh Huy (Ba Huy) là có học và bản lĩnh hơn cả, được ông hội đồng chọn làm người kế nghiệp. Một sự lựa chọn làm ông Trạch rất đỗi tự hào khi ấy, nhưng cũng là sự lựa chọn tệ hại nhất cuộc đời ông, chính sự lựa chọn ấy đã làm cho sản nghiệp mà ông dày công gầy dựng đã nhanh chóng bị đổ sông đổ bể.

Ông Trạch sống rất chung thủy với vợ con, cả đời ông chỉ có một bà vợ, ngược hẳn với cậu con trai “quý tử” Trần Trinh Huy sau này ăn chơi bạt mạng, nổi danh khắp Nam kỳ, để lại danh xưng “Công tử Bạc Liêu” sau khi đã tiêu phá gần hết gia sản của cha.

Tình sử “cậu Ba Huy

Cuối năm 1926, có một chuyện làm cho ông hội đồng Trạch và cả gia tộc Trần Trinh xôn xao lo toan, đó là cậu Ba Huy đi “Tây học” trở về. Để đón con từ sân bay Tân Sơn Nhất về Bạc Liêu, ông Trạch đã bỏ ra số tiền lớn để mua chiếc xe hơi hiệu Peugeot lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Trước đó, ông Trạch cũng đã xây dựng khu biệt thự theo kiểu Tây lớn nhất tỉnh Bạc Liêu với hầu hết vật liệu trang trí đều được chở từ Pháp sang. Trần Trinh Huy sinh năm 1900, từ nhỏ đã tỏ ra khôn lanh, ham chơi nhất nhà.

Lúc ấy bắt đầu có phong trào những gia đình giàu có cho con đi du học ở Pháp. Trần Trinh Huy đã được ông hội đồng Trạch chọn đi “Tây học” với kỳ vọng làm cho dòng họ Trần Trinh “nở mặt nở mày”. Vì vậy mà việc cậu “quý tử” trở về Bạc Liêu sau 5 – 6 năm du học bên Pháp thật sự là sự kiện trọng đại đối với gia tộc Trần Trinh.

Thế nhưng, ông hội đồng Trạch không hề biết rằng, sau 5 – 6 năm trời tiêu phí hàng trăm ngàn giạ lúa của ông, cậu Ba Huy không lấy nỗi bất kỳ tấm bằng giáo dục nào, ngoài bằng lái xe hơi và giấy xác nhận có học lái máy bay, cùng người vợ đầm và đứa con lai Pháp. Ngay tại đất Paris, Ba Huy đã trở thành tay chơi có hạng. Ngày về nước, cậu Ba Huy đã tự tay lái xe chở ông hội đồng Trạch vượt quãng đường gần 300 cây số về nhà với tốc độ gần 100 cây số giờ. Ba Huy khoe với cha rằng mình biết lái cả máy bay.

Những chuyện “tai nghe mắt thấy” ấy cùng với phong cách lịch lãm, sành đời của Ba Huy đã làm ông hội đồng Trạch đinh ninh rằng còn mình đã là “thiên tài”. Ông tổ chức tiệc thật lớn mừng Ba Huy về nước, mời hàng ngàn khách gồm quan chức, giới nhà giàu khắp “lục tỉnh”, bà con gần xa, kể cả những tá điền thân tín.

Trở về Việt Nam, bỏ lại bên Pháp người vợ đầm và đứa con lai, Ba Huy cưới ngay người con gái đẹp nhất xứ Bạc Liêu lúc bấy giờ, đó là bà Ngô Thị Đen. Bà Đen ở với Ba Huy sinh được người con gái đặt tên Trần Thị Lưỡng. Về sau cô Hai Lưỡng qua Pháp sống và không còn ai biết gì thêm về cô. Thường xuyên đi lại giữa Sài Gòn và Bạc Liêu, Ba Huy đã có tiếp “bến đỗ” ở Mỹ Tho, được gia đình cưới hỏi đàng hoàng, đó là bà Nguyễn Thị Hai. Bà Hai sinh được ba người con là Trần Thị Thảo, Trần Trinh Nhơn và Trần Trinh Đức.

Về cuối đời, khoảng thập niên 1960, Ba Huy về sống trong căn nhà phố trên đường Nguyễn Du, Sài Gòn. Một buổi sáng, khi tập thể dục trên sân thượng, bất chợt nhìn xuống đường, ông thấy một cô gái gánh nước mướn đi ngang trước nhà rất đẹp. Hỏi thăm, Ba Huy biết được cô gái đó là con một gia đình nghèo làm nghề sửa xe đạp ở cuối đường.

Giai thoại kể rằng, Ba Huy đã tìm đến ngôi nhà nói trên gặp cha cô gái để xin "đổi" căn nhà mình đang ở để được cưới cô gái làm vợ. Và đó là người vợ cuối cùng của Ba Huy, kém ông gần 50 tuổi. Bà đã sống với ông Ba Huy cho đến ngày ông qua đời ở tuổi 73 và đã sinh cho ông bốn người con tên Hoàn, Toàn, Trinh và Nữ.

Ba Đức trước bàn thờ hội đồng Trạch trong khách sạn “Công tử Bạc Liêu”

Ngoài người vợ Pháp và 3 người vợ Việt có cưới hỏi chính thức, Ba Huy còn có rất nhiều người tình, nhiều người trong họ đã có con với ông. Dù họ không phải là vợ được cưới hỏi đàng hoàng, nhưng con cái của họ đều được ông hội đồng Trạch (lúc còn sống) cũng như gia tộc Trần Trinh sau này thừa nhận. Trần Trinh Huy mất năm 1973 ở Sài Gòn và được đưa về an táng trong phần mộ gia đình tại ấp Cái Dầy, xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu.

Dù đã có tới 4 bà vợ với 9 người con chính thức, cùng hàng chục người tình với nhiều đứa con rơi, nhưng hầu hết họ đều đã định cư đâu đó ở nước ngoài hoặc thất lạc, nghèo khó đâu đó ở trong nước. Nhiều năm liền, không có người con nào đến ngày Thanh Minh về quét dọn khu mộ chôn hội đồng Trạch, Ba Huy và dòng họ Trần Trinh, vì vậy mà khu mộ của một gia tộc từng giàu có nhất nhì miền Nam suốt thời gian dài bị bỏ hoang phế.

Mãi gần đây mới có một người con của Ba Huy trở về cố hương sau khi giống như cha hoang phí hết gia sản và bị cuộc đời đẩy đến tận cùng nghèo khó ở đất Sài Gòn. Ông tên Trần Trinh Đức, ông trở về Bạc Liêu với vợ và một đứa con bị bệnh tâm thần.

Công tử Bạc Liêu

Sự phong lưu vô độ trên con đường tình ái làm nên danh tiếng “cậu Ba Huy Bạc Liêu”. Còn sự ăn chơi bạt mạng, đầy tính cách “đàn anh” đã để lại cho Ba Huy cái tên “Công tử Bạc Liêu” lưu danh đến ngày nay. Lớn lên trên “đống vàng”, hầu như muốn thứ gì cũng được đáp ứng, lại được “học tập” kiểu cách ăn chơi ở chốn Paris tráng lệ, Ba Huy đã “biểu diễn” những màn ăn chơi làm tất cả dân chơi Nam kỳ thời ấy đều bái phục.

Ông hội đồng Trạch giao cho Ba Huy trông coi việc điền sản. Ba Huy mướn ngay một người Pháp tên Henry giỏi quản lý về Bạc Liêu cai quản việc làm ăn của gia đình, còn mình thì tập trung vào các thú vui chơi. Theo hợp đồng, người quản lý được hưỏng 10% trên tổng số lợi tức thu được hàng năm. Chính vì được trả công hậu hĩnh, ông Henri đã bỏ quê hương "mẫu quốc" qua làm mướn cho Ba Huy, mãi đến tháng 4 năm 1975 mới về nước. Thỉnh thoảng đi thăm các sở điền, Ba Huy mặc veston đi xe hơi. Ông sắm cả ca nô để lướt sóng trên các sông rạch miền Tây vốn chỉ toàn xuồng chèo tay.

Khi đi thăm ruộng, Ba Huy dùng chiếc Ford Vedette, còn đi chơi ông có chiếc Peugeot thể thao, loại xe lúc đó cả miền Nam chỉ có hai chiếc, chiếc kia là của Vua Bảo Đại. Vào thập niên 1930 – 1940, hễ Vua Bảo Đại có thứ gì thì Ba Huy phải sắm cho bằng được thứ ấy, kể cả máy bay. Ba Huy đã làm chấn động dư luận cả nước lúc đó khi đi thăm ruộng bằng máy bay. Lúc ấy cả Việt Nam mới chỉ có hai chiếc máy bay dân sự, một của Vua Bảo Đại, chiếc kia là của Ba Huy.

Một lần tự lái máy bay qua thăm sở điền ở tỉnh Rạch Giá, Ba Huy hứng chí bay ra biển Hà Tiên “hóng mát”, để rồi lạc sang tận nước Xiêm, phải đáp khẩn cấp vì máy bay hết xăng. Trần Trinh Huy bị Nhà nước Xiêm tạm giữ và phạt về tội xâm nhập lãnh thổ trái phép số tiền tương đương 200 ngàn giạ lúa.

Nhưng, chơi ngông tới mức đốt tiền để có ánh sáng và đốt tiền nấu chè đậu xanh như Ba Huy thì không chỉ nước ta, mà cả “Đông Tây kim cổ” chưa từng có ai làm, chính nó đã để lại cái tên “Công tử Bạc Liêu” cho tới ngày nay. Thuở ấy ở Mỹ Tho có cậu công tử nhà giàu, đẹp trai, tên Lê Công Phước hay còn gọi là George Phước, con trai của Đốc phủ Lê Công Sủng. George Phước cũng là một tay chơi nổi tiếng lúc đó, nhờ có nước da trắng như Tây nên được gọi “Bạch công tử”, để phân biệt với Ba Huy từ lâu nổi danh là “Hắc công tử” (do có nước da sạm đen).

George Phước rất mê cải lương, đã đi du học bên Pháp về nghệ thuật sân khấu, rồi bỏ tiền lập hai gánh hát Phước Chương và Huỳnh Kỳ nổi tiếng. Thời ấy ở đất Nam bộ ai cũng mến mộ tài năng, sắc đẹp của hai cô đào cải lương là Phùng Há và Năm Phỉ. Cả Bạch công tử và Hắc công tử đều mê các cô đào này, nên trở thành kỳ phùng địch thủ của nhau. Một lần, đoàn Huỳnh Kỳ cùng cô đào Phùng Há về biểu diễn ở Bạc Liêu, Bạch công tử mời Hắc công tử đến xem để khoe gánh hát của mình. Hai đối thủ ngồi cạnh nhau trong rạp hát như hai người bạn tri kỷ, cùng chiêm ngưỡng cô đào Phùng Há trên sân khấu mà ai cũng quyết tâm chinh phục cho bằng được.

Đang xem hát, Bạch công tử móc túi lấy thuốc hút, vô ý làm rơi tờ giấy bạc hình con công (tờ 5 đồng thời đó), Bạch công tử cuối xuống tìm, nhưng do trong rạp tắt đèn, nên tìm không được.  Bản tính chơi trội học được trên các nẻo đường ăn chơi đã giúp Hắc công tử nghĩ ra một “đòn” tuyệt vời để hạ gục đối thủ. Hắc công tử lặng lẽ móc tờ giấy bạc bộ lư (tờ 100 đồng) châm lửa đốt làm đuốc soi cho Bạch công tử tìm tờ giấy bạc 5 đồng bị rớt mất.

Bị một vố quá nặng, để gỡ gạc chút thể diện, Bạch công tử đã thách Hắc công tử thi đốt tiền nấu chè đậu xanh. Hắc công tử nhận lời và chủ ý để thua, vì chuyện thi thố này chủ yếu là nhờ vào tài “chụm lửa” chứ không chứng tỏ gì sự giàu có hay bản lĩnh dân chơi.

Để xứng danh “Công tử Bạc Liêu”, tất nhiên Trần Trinh Huy cũng không thể bỏ qua hai món nhậu nhẹt và bài bạc. Ba Huy thường xuyên lặn ngụp trong những bàn tiệc với rượu sâm banh vốn rất thịnh hành vào thời đó. Ba Huy cũng là một kẻ mê cờ bạc, thường đánh bạc với “quốc trưởng” Bảo Đại và trùm sòng bạc Đại Thế Giới là Bảy Viễn.

Có những ngày ông thua bạc 30 – 40 ngàn đồng, trong khi một giạ lúa chỉ bán được 1,7 đồng, lương của Thống đốc Nam kỳ chưa tới ba ngàn đồng một tháng. Công bằng mà nói, ngoài chuyện ăn chơi trác táng, đập phá vô độ, Công tử Bạc Liêu có sức hấp dẫn người đời có lẽ còn ở tính tình hào phóng, quan hệ thân thiện với mọi người không kể sang hèn.

Ông thường xóa nợ, xé giấy nợ cho tá điền hoặc những đối tác làm ăn gặp khó khăn như một cách để “tích đức” cho con cháu về sau. Đôi lúc ở ông cũng lóe lên “đầu óc canh tân” như mướn người Pháp giỏi về cai quản cơ ngơi; tổ chức hội chợ đồng bằng và cuộc thi “Hoa hậu miệt đồng” đầu tiên ở miền Tây (để rồi các hoa, á hậu đều thuộc về ông)...

Không giống như cha mình, từ một mối tình mà làm nên sự nghiệp, Công tử Bạc Liêu có hàng chục, hàng trăm mối tình, mà mối tình nào cũng gặm nhắm một phần gia sản của cha để lại. Đến đời con ông cũng vậy – ăn chơi phóng túng, tàn phá gia sản của cha ông để lại. Để đến đời cháu nội của Công tử Bạc Liêu thì chẳng còn gì để mà phá. Chẳng những thế, người cháu nội thừa kế Công tử Bạc Liêu trở nên điên loạn sau một cuộc tình.

Hổ phụ sinh hổ tử

Người viết bài này đã có một buổi tối ngồi nhậu với ông Trần Trinh Đức, người được coi là gắn bó nhiều nhất với cha Trần Trinh Huy và đang là đứa con duy nhất của Công tử Bạc Liêu còn sống trên quê hương Bạc Liêu, là người kế thừa chính thức của gia tộc Trần Trinh.

Cũng giống như cha, Ba Đức (sinh năm 1947) sinh ra trên đống vàng, lớn lên không cần học hành gì nhiều, cứ theo “gương” cha mà ăn chơi, yêu đương, phá phách. Thế nhưng cả về khoản hào hoa lẫn phá phách tiền của, Ba Đức chỉ xứng đáng là…”con” của Công tử Bạc Liêu. Dù vậy thì “thành tích” của Ba Đức cũng không đến nỗi nào: hai bà vợ cùng hàng chục người tình; nhậu nhẹt không thua ai; từng đánh bạc có hạng; nhảy đầm bậc thầy…

Thế nhưng, ông Đức cho biết, ông không là gì so với người anh kế của mình là Trần Trinh Nhơn, chính ông Nhơn mới gần với nguyên mẫu của Công tử Bạc Liêu hơn. Khi hai anh em còn sống chung nhau, cứ mỗi chiều là ông Nhơn dẫn về nhà một cô gái xinh đẹp khác nhau giới thiệu với ông Đức: “Chị dâu mày”. Hiện ông Nhơn cũng sống ẩn dật nghèo túng đâu đó, lâu lắm rồi không thấy về quê hương Bạc Liêu.

Tác giả và Ba Đức

Công tử Bạc Liêu mất năm 1973, sau khi hoang phí gần hết gia sản, chỉ để lại cho các con mấy căn phố lầu. Đến lượt các con ông cũng tiêu xài phung phí, nhà cửa cứ bán dần. Ông Đức nhớ lại, đến cuối thập niên 1970, các anh em của ông (con của các bà vợ của Công tử Bạc Liêu) quyết định bán căn nhà cuối cùng với giá 28 lượng vàng, mỗi người chia nhau một ít rồi ly tán, tự tìm đường mưu sinh riêng, chính thức kết thúc sự giàu có kéo dài chưa tới ba đời của dòng tộc hội đồng Trần Trinh Trạch.

Cầm vài cây vàng được chia từ phần tài sản cuối cùng còn lại của Công tử Bạc Liêu, ông Đức về sống nhờ bên gia đình vợ. Ông trở thành tay “chạy chợ” ở khu chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, rồi chuyển sang mua bán đồ điện tử lấy của thuỷ thủ tàu viễn dương mang về. Không trở lại giàu có, nhưng gia đình ông cũng vượt qua được giai đoạn khó khăn.

Thế nhưng, có thể do “cha ăn mặn con khát nước”, chuyện tình đầy nước mắt của đứa con gái ông đã làm cho gia đình ông trở nên bần cùng, phải trôi dạt kiếm sống tận Campuchia, rồi quay về Sài Gòn chạy xe ôm, trước khi về Bạc Liêu để làm nhân chứng sống cho sự kết thúc một dòng tộc từng làm nổi đình nổi đám đất Nam bộ gần suốt một thế kỷ.

Chuyện tình cuối cùng

Ông Ba Đức kể, vào giữa năm 2010, ông về Bạc Liêu nhân ngày giỗ cha – Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Lúc đó, ông đang sống nghèo khó ở TP.HCM bằng nghề chạy xe ôm cùng vợ và đứa con bị bệnh tâm thần. Mấy ngày ở Bạc Liêu, ông thường đến uống cà phê tại khách sạn Công tử Bạc Liêu, ngôi nhà mà ông nội ông đã xây dựng năm 1919, là nơi cha ông sinh ra và lớn lên, cũng là nơi ông trải qua quảng đời thơ ấu trong nhung lụa.

Một buổi sáng, tình cờ ngồi uống cà phê với nhiều người, Ba Đức kể về cuộc sống không chốn nương thân của mình ở TP.HCM, một người chủ doanh nghiệp đã khuyên ông trở về cố hương với câu “Không lẽ Bạc Liêu bỏ anh!”. Không chút so đo, Ba Đức cùng vợ con rời TP.HCM trở về nơi hơn 50 năm trước ông đã ra đi. Ngày ra đi, ông là một “cậu ấm” có xe riêng đưa đón, kẻ hầu người hạ. Ngày trở về, tài sản đáng giá nhất của ông là chiếc xe gắn máy cà tàng.

Tất nhiên, ông không về sống trong ngôi biệt thự vì nó đã được quốc hữu hóa trước ngày giải phóng. Qua bao biến thiên thời cuộc, biệt thự Công tử Bạc Liêu vẫn nguyên vẹn, đẹp lộng lẫy với các vật liệu xây dựng, trang trí đều từ Pháp chở qua.

Vẫn là sáu phòng ngủ sang trọng được kinh doanh khách sạn, trong đó căn phòng Ba Huy từng ở có giá cho thuê cao gấp đôi các phòng còn lại. Người chủ doanh nghiệp đã cho gia đình ông mượn tạm căn hộ tập thể trong hẻm sâu để sống, trong khi chờ đợi “xin nhà” và tìm công ăn việc làm.

Cô gái “điên” Trần Thị Phượng – người thừa kế cuối cùng của Công tử Bạc Liêu

Ba Đức kể: “Gia đình tôi thật sự suy sụp khi con gái tôi mê bài bạc, bị lừa cả tình lẫn tiền, rồi bị bệnh tâm thần, tôi phải bán hết tài sản để chữa trị mà không khỏi, cuối cùng chạy hon đa ôm…”. Không biết có phải do gien của cha và ông nội hay không, mà cô gái Trần Thị Phượng mới lớn lên đã ăn chơi phóng túng và mê bài bạc.

Đến khi nợ nần do thua bạc chất chồng, rồi lại bị phụ tình, cô gái bị điên. Thương con, vợ chồng ông bán tất cả tài sản mà mình đang có để trả nợ và để chữa bệnh cho con. Để trốn nợ, ông phải đưa gia đình sang Campuchia làm nghề mua giày cũ tân trang bán lại kiếm sống. Chịu không nỗi cảnh túng quẫn, ông lại dắt gia đình về TP.HCM chạy xe ôm, rồi về Bạc Liêu.

Tỉnh Bạc Liêu đang tính xây phủ thờ và là nơi trưng bày về Công tử Bạc Liêu, vừa phục vụ du lịch, vừa làm nơi sinh sống của gia đình Ba Đức. Thương hiệu “Công tử Bạc Liêu” giúp cho du lịch tỉnh Bạc Liêu có sức hấp dẫn đặc biệt. Ba Đức sẽ làm công việc quản lý, hướng dẫn du khách tham quan và được trả lương…

Công ty Địa ốc Bạc Liêu đã dành một khu đất khoảng 300m2 ở vị trí khá đẹp ở thành phố Bạc Liêu để thực hiện ý tưởng trên.

Người con trai “thừa kế” của Công tử Bạc Liêu giờ đã chớm bước sang tuổi 70. Ba Đức có hai người con trai, một của vợ trước, mang họ mẹ, đang sống nghèo khó đâu đó ở tỉnh Đồng Tháp, cả chục năm rồi ông không gặp lại; một là anh ruột của cô gái điên, cũng đang sống không nhà đâu đó ở Đồng Nai, nhiều năm rồi ông cũng không gặp. Mai này khi vợ chồng Ba Đức theo ông theo bà, người “thừa kế” cuối cùng của dòng họ Trần Trinh không ai khác hơn là cô gái điên do bị tình phụ. Kết cục của chuyện tình dòng họ Trần Trinh sao mà quá bi đát!

Theo PNTD

Bạn thấy bài viết này như thế nào?: 
Average: 8.2 (13 votes)