Làm thế nào để đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục?

Ai cũng muốn “đổi  mới quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục”, nhưng thực tế rất khó vì nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: trình độ con người, điều kiện cơ sở vật chất, cơ chế quản lý hiện nay, trình độ học sinh không đồng đều và số lượng học sinh trong lớp học còn đông. Phạm vi bài viết này, tôi đưa ra một số quan điểm để mọi người chia sẻ.

Cơ sở đổi mới

Được biết năm học 2009-2010 Bộ GD-ĐT phát động chủ đề “Đổi mới công tác quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục”. Là một giáo viên nhiều năm đứng lớp, rất tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục tôi rất đồng tình và ủng hộ câu khẩu hiệu nói trên của Bộ GD-ĐT. Theo tôi một ngôi trường THPT muốn đổi mới quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục thì sản phẩm cuối cùng đó là:

  • Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao, số lượng học sinh đỗ vào các trường đại học nhiều, có học sinh giỏi các cấp cho tất cả các môn và lượng học sinh yếu kém được giảm thiểu tối đa.
  • Trường học không có tệ nạn xã hội và không ai vi phạm pháp luật.
  • Hội đồng giáo dục nhà trường là một tập thể đoàn kết. Mỗi giáo viên phải có trách nhiệm với công việc được giao. Lãnh đạo nhà trường phải biết lắng nghe chia sẻ mọi khó khăn với giáo viên.

Chia lớp học theo trình độ học sinh

Chia lớp học theo trình độ của học sinh. Đối tượng học sinh khá giỏi, học sinh trung bình và học sinh yếu kém theo từng lớp riêng.

  • Lớp học sinh khá giỏi: Yêu cầu đặt ra là thi tuyển sinh và đào tạo học sinh giỏi cho nhà trường. Nhà trường bố trí những giáo viên có năng lực chuyên môn để đảm nhận những lớp này. Trong quá trình học tập nếu học sinh nào không theo kịp thì cuối học kỳ hay cuối năm cho chuyển xuống lớp thấp hơn về mặt yêu cầu.
  • Lớp học sinh trung bình: Yêu cầu đặt ra là thi tuyển sinh đại học - cao đẳng và tốt nghiệp. Trong quá trình học tập nếu thấy học sinh nào nổi trội thì cuối học kỳ hay cuối năm cho chuyển lên lớp khá giỏi, còn học sinh nào yếu lại cho xuống lớp yếu.
  • Lớp học sinh yếu: Yêu cầu đặt ra là thi tốt nghiệp và hướng các em vào các trường trung cấp và dạy nghề. Với những lớp này nhà trường bố trí những giáo viên có kinh nghiệm để rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh.
  • Ra đề kiểm tra: Ứng với mỗi lớp nói trên thì có một đề tương ứng. Tổ chức kiểm tra tập trung và tiến hành chấm chéo để tạo tính khách quan. Mọi giáo viên có dạy thì ra đề dựa trên nội dung được thống nhất. Nhà trường chọn đề phải công bằng, đừng cảm tình người nào thì lấy đề người đó.
  • Đánh giá thi đua của giáo viên: Tôi đưa hai phương án: Phương án 1: Chỉ có một thang điểm đánh giá thi đua chung, như vậy để công bằng, giáo viên nào dạy một lớp giỏi thì gắng thêm một lớp yếu. Phương án 2: Ứng với mỗi lớp có một thang điểm đánh giá riêng.

Vai trò của hiệu trưởng

Chúng ta biết rằng, hiệu trưởng là thuyền trưởng của một chiếc tàu. Ngôi trường phát triển hay thất bại là do sự lãnh đạo sáng suốt của hiệu trưởng. Muốn vậy hiệu trưởng cần đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Xây dựng kế hoạch năm học và hướng phấn đấu của nhà trường trong tương lai. Phân công giáo viên đúng chuyên môn nghiệp vụ. Minh bạch thu chi tài chính của nhà trường.
  • Sẵn sàng quyết đoán mọi công việc, dám làm dám chịu công việc của mình với cấp trên.
  • Xây dựng một ngôi trường thân thiện mà ở đó mọi người biết thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau.
  • Quy định chức năng và quyền hạn của mỗi giáo viên.
  • Có kế hoạch cử giáo viên tham gia các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ.
  • Biết lắng nghe và tôn trọng những ý kiến đóng góp của giáo viên. Làm sao giáo viên xem trường như là nhà của mình thì họ mới an tâm công tác lâu dài. Cố gắng tìm cách cải thiện đời sống tinh thần và vật chất cho giáo viên.
  • Không được độc đoán trong mọi công việc, nghĩ gì ra là bắt giáo viên làm theo. Thường những người có năng lực thì kèm theo cá tính nên hiệu trưởng biết cách thuyết phục chứ không tìm cách trù dập.

Vai trò của tổ trưởng chuyên môn

Chúng ta biết rằng, mỗi tổ trưởng là cánh tay phải của hiệu trưởng. Các tổ chuyên môn mạnh thì ngôi trường đó sẽ mạnh. Muốn vậy thì mỗi tổ trưởng cần đạt một số yêu cầu sau:

  • Xây dựng kế hoạch của tổ phải thể hiện rõ: Quy định giáo viên từ 1 năm đến 5 năm, từ 6 năm đến 10 năm, từ 10 đến 15 năm và trên 15 năm thì dự giờ bao nhiêu tiết trong một học kỳ. Quy định giáo viên nào được sử dụng giáo án cũ. Quy định bao nhiêu bài kiểm tra thường xuyên, bao nhiêu bài kiểm tra định kỳ. Giáo viên nào làm chuyên đề. Giáo viên nào được thanh tra toàn diện. Tổ chức ngoại khóa cho khối nào. Phân công giáo viên có kinh nghiệm giúp đỡ giáo viên mới. Bài kiểm tra định kỳ phải thống nhất trước một tuần và công khai cho mọi học sinh. Phân công giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi. Giáo viên nào đăng ký thi giáo viên giỏi cấp cơ sở. Quy định tiết thao giảng của giáo viên.
  • Sinh hoạt chuyên môn: Chỉ dành một vài phút đầu để thông báo công việc hành chính, thời gian còn lại phải tập trung cho chuyên môn như: Góp ý giờ dạy (nếu có), thảo luận nội dung những bài khó dạy, thống nhất nội dung dạy cho mỗi bài, thống nhất lượng bài tập cung cấp cho học sinh qua từng bài từng chương, bài dạy nào được ứng dụng công nghệ thông tin,…
  • Nên làm giáo án chung vì đây là trí tuệ của tập thể trong đó thể hiện rõ: Nội dung kiến thức cần truyền đạt cho học sinh. Lượng bài tập nào được giải. Đề kiểm tra cũng được thống nhất chung.
  • Tổ trưởng phân công một khối có một nhóm trưởng làm nhiệm vụ thống nhất nội dung cần dạy, phân chia tiết dạy. Thống nhất lượng bài tập để giải cho học sinh. Thống nhất đề kiểm tra định kỳ.

Trách nhiệm của giáo viên bộ môn

Mỗi giáo viên tự khẳng định mình trước học sinh và lãnh đạo nhà trường. Muốn vậy giáo viên cần đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Luôn trau dồi chuyên môn nghiệp vụ. Làm sao học sinh nhìn giáo viên như là thần tượng để phấn đấu trong học tập.
  • Toàn tâm toàn ý với công việc được giao. Xem trường là nhà để yên tâm công tác lâu dài, không được đứng núi này trông núi nọ.
  • Mạnh dạn bày tỏ những ý kiến của mình với lãnh đạo, không được nhu nhược và làm theo một cách máy móc.

Giáo viên chủ nhiệm

Vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng trong việc quản lý học sinh trên mọi phương diện. Một lớp học là một thành viên trong nhà trường, có nhiều lớp tốt sẽ đưa phong trào nhà trường đi lên. Muốn vậy giáo viên chủ nhiệm cần đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Lên kế hoạch và hướng phấn đấu của lớp trong năm học như: Bao nhiêu học sinh khá giỏi, phấn đấu không có học sinh yếu kém và vi phạm nội quy nhà trường.
  • Phải biết trình độ và tính cách mỗi học sinh để lựa chọn phương pháp giáo dục cho phù hợp.
  • Dựa trên tiêu chí chung của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đánh giá xếp loại học sinh công bằng và khách quan.
  • Thường xuyên thăm hỏi tình hình học tập của lớp thông các giáo viên bộ môn để phối hợp quản lý học sinh.
  • Tổ chức lớp thành một lực lượng tự quản. Phân công học sinh khá giỏi kèm học sinh yếu kém.
  • Dựa trên năng lực và sở thích để giáo viên chủ nhiệm tư vấn nghề nghiệp cho các em.
  • Phối hợp với gia đình, ban giám hiệu nhà trường có biện pháp nhắc nhở động viên thông qua các buổi chào cờ, các đợt thi đua các buổi ngoại khóa hay họp phụ huynh.

Vai trò của Đoàn trường

Đây là phong trào bề nổi của nhà trường, để tạo không khí học tập Đoàn trường nên tổ chức các cuộc thi như: Vui để học, Luật An toàn giao thông, Tiếng hát và Hội Khỏe Phù Đổng,… Mục đích giúp các em phát triển toàn diện về mọi mặt đồng thời qua đó hình thành nhân cách và lối sống trong một cộng đồng.

Th.S Nguyễn Quang Thi (Lâm Đồng)

Bạn thấy bài viết này như thế nào?: 
No votes yet