Phát triển công tác đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế

Những chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề hơn 10 năm qua đã khẳng định chủ trương phát triển đào tạo nghề của Đảng và Nhà nước là rất đúng đắn, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội

1. Bối cảnh mới và yêu cầu đối với công tác đào tạo nghề

Bước sang thế kỷ XXI, tình hình thế giới diễn biến ngày càng phức tạp, mau lẹ trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học và công nghệ, cho đến môi trường sinh thái, khí hậu, bệnh tật và đói nghèo... Những xu thế thay đổi này vừa là cơ hội lớn để Việt Nam nhanh chóng tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) thành công, nhưng cũng là những thách thức không nhỏ mang tính thời đại mà Việt Nam phải vượt qua. 

Từ Đại hội lần IX đến nay, Đảng ta luôn khẳng định, mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong hoàn cảnh nước ta vẫn còn ở trình độ kinh tế kém phát triển, mức sống nhân dân còn thấp, và sự cạnh tranh quốc tế trên tất cả các lĩnh vực ngày càng quyết liệt. Điều đó cho thấy, nếu chúng ta không nhanh chóng tìm ra những giải pháp mang tính đột phá để đi tắt, đón đầu, thì sẽ càng tụt hậu xa hơn so với nhiều nước trên thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, thì quá trình quốc tế hoá sản xuất và phân công lao động cũng diễn ra ngày càng phức tạp, vừa hợp tác vừa cạnh tranh quyết liệt. Việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các nền kinh tế, nếu muốn hội nhập vào thế giới. Trước những thời cơ và thách thức mới, muốn vươn lên tiến cùng thời đại thì yếu tố con người có tri thức hiện đại là nhân tố quyết định hàng đầu.

Những con người đó phải có năng lực trí tuệ sáng tạo, kỹ năng thực hành giỏi và ý chí quyết tâm đưa nước ta phát triển nhanh chóng; những con người có niềm khát vọng Việt Nam sớm xoá đi nỗi khổ nghèo nàn lạc hậu, rút ngắn khoảng cách so với những nước phát triển, tiến lên "sánh vai với các cường quốc năm châu". Để thực hiện được hoài bão lớn lao đó, chất lượng nguồn nhân lực cao sẽ là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh và sự thành công của mỗi quốc gia trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế. Việc mở cửa thị trường sẽ tạo ra sự dịch chuyển lao động giữa các nước, đòi hỏi mỗi quốc gia càng phải chú ý nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mình, hướng tới xuất khẩu lao động qua đào tạo ở những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là xuất khẩu các chuyên gia. Với những yêu cầu đặt ra trong tiến trình thực hiện CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, đòi hỏi nước ta phải có đội ngũ lao động kỹ thuật đủ về số lượng, có kiến thức, kỹ năng nghề thành thạo với cơ cấu và trình độ phù hợp, đáp ứng nhu cầu xã hội. Lực lượng lao động kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh đòi hỏi trình độ ngày càng cao và kỹ năng ngày càng giỏi. Những người qua đào tạo trong thời kỳ mới phải có phẩm chất, nhân cách tốt, tinh thông nghề nghiệp; có đủ sức khỏe phục vụ cho các ngành kinh tế, vùng kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm và xuất khẩu lao động.

 Theo quan điểm của Đảng, trong giai đoạn 2011-2020, công tác dạy nghề ở nước ta phải thực hiện được hai nhiệm vụ chiến lược cơ bản, đó là: đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh có trình độ cao, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề; có đủ điều kiện và khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, vùng kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, việc mở rộng quy mô đào tạo nghề cho người lao động, phục vụ có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, tạo nhiều việc làm có thu nhập cao, cải thiện đời sống cho người lao động; giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông nghiệp, nông thôn. Nhiệm vụ này đã được cụ thể hoá bằng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Quyết định 1956 ngày 27 tháng 11 năm 2009) và đang được triển khai tích cực trên phạm vi toàn quốc.

Trước những yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng Chiến lược Công tác dạy nghề giai đoạn 2011- 2020, và đặt ra mục tiêu tổng quát phát triển dạy nghề Việt Nam đến năm 2020 là tạo sự đột phá về chất lượng dạy nghề theo hướng tiếp cận trình độ khu vực và thế giới, nhằm đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có kiến thức, năng lực thực hành nghề; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, tác phong công nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động. Theo Chiến lược, từ nay đến năm 2020 sẽ tăng quy mô đào tạo nghề, nhằm đạt được 27,5 triệu người được đào tạo nghề, trong đó đào tạo nghề cho khoảng 10 triệu lao động ở nông thôn; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong cả nước đạt 55%, trong đó 28%-30% có trình độ từ trung cấp nghề trở lên; khoảng 90% số người học nghề có việc làm và 70% có việc làm đúng với nghề được đào tạo. Đẩy mạnh việc đào tạo nghề gắn kết với doanh nghiệp. Chiến lược cũng đặt ra những mục tiêu dạy nghề cho từng giai đoạn cụ thể, đề ra những giải pháp để công tác dạy nghề có sự chuyển biến thực sự cả về lượng và chất.

2. Thực trạng công tác đào tạo nghề

Hiện nay, mạng lưới cơ sở dạy nghề được phát triển rộng khắp ở 63 tỉnh, thành phố. Tất cả các đơn vị cấp huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất đều có cơ sở dạy nghề. Hàng nghìn làng nghề được phục hồi và phát triển, giải quyết việc làm cho hơn chục triệu lao động nông thôn. Tính đến tháng 11 năm 2009, cả nước có 265 trường Trung cấp nghề, 107 Cao đẳng nghề, 684 Trung tâm dạy nghề và hơn 1000 cơ sở khác có tham gia dạy nghề. Quy mô dạy nghề tăng nhanh (năm 2001 dạy nghề cho 887,3 ngàn người, đến năm 2008 là 1538 ngàn người). Sau 10 năm (từ 1998- 2008), số trường dạy nghề tăng 2,37 lần, trung tâm dạy nghề tăng 4,56 lần. Quy mô tuyển sinh học nghề năm 2008 đạt gần 1,54 triệu học sinh, sinh viên, tăng gần 3 lần. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2008 nâng lên 26%, đạt mục tiêu Chiến lược giáo dục giai đoạn 2001 - 2010 trước 2 năm, năm 2009 đạt 28% và năm 2010 đạt 30%. 

Những con số trên đây thể hiện sự phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu trong công tác dạy nghề. Cơ cấu nghề đào tạo đã được điều chỉnh theo nhu cầu thị trường lao động; theo cơ cấu ngành nghề trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động.

Chất lượng và hiệu quả dạy nghề có bước chuyển biến tích cực (khoảng 70% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở dạy nghề tỷ lệ này đạt trên 90%). Các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề đã từng bước được cải thiện.

Những chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề hơn 10 năm qua đã khẳng định chủ trương phát triển đào tạo nghề của Đảng và Nhà nước là rất đúng đắn, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Mặc dù đã đạt một số kết quả quan trọng, nhưng công tác đào tạo nghề ở nước ta vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm, như: tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, nhất là lao động ở nông thôn còn thấp; cơ cấu đào tạo nghề theo trình độ và nghề đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất và dịch vụ, thể hiện ở tác phong làm việc, thể lực của người lao động, năng lực sáng tạo, năng lực giao tiếp của học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Nhìn chung, lực lượng lao động, nhất là lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hiện đại. Đây là nguyên nhân dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực ở nước ta mất dần sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Chất lượng nguồn nhân lực thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta yếu kém. 

3. Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề

Để phát triển công tác đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu xã hội, nhằm thực hiện 1 trong 3 khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 về “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, cần thực hiện một số giải pháp sau:

 - Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác dạy nghề, đào tạo nghề có ảnh hưởng đến sự thành công khi tiến hành CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân cần tích cực thực hiện tốt chủ trương của Đảng đã được thể hiện trong các văn kiện về phát triển công tác đào tạo nghề.

- Hoàn thiện quy hoạch hệ thống mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề trong cả nước, đáp ứng yêu cầu đào tạo công nhân kỹ thuật và nâng cao trình độ nghề cho người lao động, phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2020 của cả nước, ngành, vùng, tiểu vùng, địa phương.

- Bảo đảm các điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là chất lượng đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhằm tạo cho người lao động Việt Nam có đủ năng lực tham gia bình đẳng vào thị trường lao động khu vực và thế giới.

- Xây dựng cơ chế, chính sách, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của khoa học vào công tác đào tạo nghề, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Có những giải pháp để kiểm soát chất lượng đào tạo nghề. 

- Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư cho phát triển đào tạo nghề, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá công tác đào tạo nghề, huy động các nguồn lực cho phát triển đào tạo nghề. Khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia tích cực vào công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau khi đào tạo nghề.

 - Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo nghề, mở rộng trao đổi và học tập kinh nghiệm của các nước phát triển về các hoạt động đào tạo nghề. Có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đào tạo nghề. Tăng cường vai trò của cộng đồng, của các đoàn thể, đặc biệt là các hội nghề nghiệp trong việc giám sát hoạt động đào tạo nghề./. 

TS. NGUYỄN ĐẮC HƯNG

Bạn thấy bài viết này như thế nào?: 
Average: 6.5 (6 votes)